Gỡ nút thắt thay vì mơ mộng về sư phạm!

Sự kiện: Giáo dục

Giữa lúc bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm vẫn "sôi sục" vì điểm chuẩn quá thấp, trong hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Người vào học sư phạm phải là những thí sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu".

Đó là một quyết tâm lớn cũng là giấc mơ đẹp của ngành giáo dục. Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn, Bộ Giáo dục và Đào (GD-ĐT) tạo vẫn đang mải loay hoay tìm giải pháp tình thế cho một vấn đề cực kỳ quan trọng: Nâng cao chất lượng giáo dục, ổn định chất lượng nguồn nhân lực, củng cố sự hưng thịnh của quốc gia.

Phải có một nguồn tuyển dồi dào thì mới có điều kiện chọn lọc theo kiểu "gạn đục khơi trong" để tìm học sinh giỏi. Có học sinh giỏi mới có giáo sinh giỏi. Có giáo sinh giỏi tất sẽ có giáo viên giỏi trong tương lai. Và người thầy giỏi sẽ dễ dàng giáo dục nên nhiều thế hệ học trò giỏi.

Trong khi thực tế sư phạm đang tuyển sinh theo kiểu "vơ bèo vạt tép". Bao nhiêu học sinh xuất sắc tốp đầu đều đã lựa chọn điểm dừng chân ở các trường công an, quân đội, y khoa. Phần đông học sinh khá giỏi lại tìm một bến đỗ khác dễ tìm kiếm cơ hội việc làm với chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Còn lại đây là các trường sư phạm trọng điểm tuyển học sinh có năng lực và nâng niu như những "hạt gạo trên sàn" đầy quý giá. Đáng buồn là phần lớn các trường tuyển sinh ở mức điểm sàn 15,5. Đáng lo hơn nữa là các trường cao đẳng sư phạm địa phương "vét" đến tận cùng: 9 điểm/3 môn.

Vậy thì dựa vào cơ sở nào để người người, nhà nhà đăng ký sư phạm? Dựa vào điều kiện gì để các trường có cơ hội tăng điểm chuẩn theo kiểu "kén cá chọn canh"? Trên quan điểm của cá nhân, tôi nghĩ rằng quy định điểm sàn riêng không có ý nghĩa gì hết. Vấn đề cốt lõi là tạo cơ hội việc làm, tăng chế độ đãi ngộ và nâng cao vị thế người thầy.

Xét riêng về câu chuyện giải quyết tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp, Bộ GD-ĐT đã có những bước chuyển đầu tiên khi bàn kế hoạch đặt hàng sư phạm, siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh, quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo cũng như đề ra giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp cho cử nhân sư phạm thất nghiệp. Và dư luận xã hội vẫn đang mong chờ những đổi thay tích cực từ những người lãnh đạo có tâm huyết.

Tuy nhiên, một vấn đề khá âm ỉ lâu nay là tình trạng "chạy biên chế", "xin biên chế" trong ngành giáo dục. Tiền và các mối quan hệ đều được lợi dụng triệt để nhằm tìm kiếm một chỗ đứng trong biên chế. Người ta vẫn mách tai nhau vài trăm triệu cho một chỉ tiêu tuyển dụng. Xin đừng để tình trạng "mai phục", "chạy chọt", "xin xỏ" diễn ra trong môi trường giáo dục. Một cơ chế tuyển dụng công khai, minh bạch sẽ là chất keo quan trọng kéo người tài tìm về với sư phạm để cống hiến và thỏa sức đam mê.

Riêng về chế độ đãi ngộ nhà giáo cũng như vị thế người thầy, chưa hề có một sự chuyển biến tích cực nào. Nhà giáo đang kêu ca lương thấp, đãi ngộ kém và mãi mong chờ vào những lần tăng lương cơ bản. Trong khi đó, xã hội đang nhìn nhận, đánh giá đội ngũ nhà giáo với cái nhìn thiếu thiện cảm. Một vài biểu hiện lệch lạc, một vài hành vi sai trái nhanh chóng bị dư luận quy kết và quy chụp lên tất cả đội ngũ nhà giáo chân chính. Người thầy đã đau và đắng lòng.

Ai muốn con em mình "chui vào bụi rậm" vì xin việc khó, chạy việc gian nan, lương thưởng thấp, áp lực lớn ? Đó là lý do người tài, người giỏi đổ xô "chạy" khỏi sư phạm. Mong lắm thay những người đầu ngành nhìn nhận một cách thấu đáo những bất cập của sự nghiệp "trồng người" để gỡ từng nút thắt…

Miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm tạo nên bất công lớn?

Có nhiều quan điểm trái chiều trong vấn đề có nên bỏ chế độ miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm trong điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Lê (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN