"Đối phó" học sinh cá biệt: Răn đe, hù dọa chỉ có hiệu quả tức thời

Trên diễn đàn của các giáo viên, không ít thầy cô giáo đã chia sẻ những tâm sự khi phải đối mặt với học sinh cá biệt.

Điều các giáo viên chủ nhiệm e ngại nhất mỗi khi nhận lớp, đó là trong lớp có những học sinh quậy phá, không chịu nghe lời. Để dạy và dỗ được những học sinh đó vào quy củ là cả một quá trình lâu dài và khó khăn.

Cô Ngọc Hà (giáo viên một trung tâm giáo dục thường xuyên tại TPHCM) chia sẻ: “Trong lớp tôi có một học sinh cá biệt rất hay chọc phá các bạn trong lớp, không chịu học. Giáo viên đã nhiều lần nhắc nhở, em không những không thay đổi mà còn vô lễ lại với giáo viên.

"Đối phó" học sinh cá biệt: Răn đe, hù dọa chỉ có hiệu quả tức thời - 1

 Giáo viên hãy là người bạn của các em

Gia đình em đó cũng rất khó khăn, cha mẹ không biết chữ, ít quan tâm đến con cái. Tôi đã từng thử áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn như phạt đứng trong buổi học, đứng ngoài cửa lớp… chỉ thiếu có dùng roi đánh thôi, nhưng gần như không có hiệu quả”.

Cùng tâm trạng như cô Hà, cô Thu Trinh, một giáo viên khác cho biết: “Lớp mình cũng có học sinh cá biệt quậy phá tưng bừng. Lúc đầu mình cũng căng lên, nhiều lần nhắc nhở, làm bản kiểm kiểm trước lớp… nhưng kết quả bằng 0. Mời phụ huynh không hiệu quả vì em học sinh của tôi mẹ mất sớm, bố có vợ khác.

Tôi phải dùng cách khác để kéo em vào các hoạt động của lớp, vận động cả lớp cùng góp sức, thậm chí cả góp tiền để giúp em đi học. Mưa dầm thấm lâu, em ham đến trường hơn, bớt phá phách hơn, mặc dù học vẫn yếu nhưng tính nết ổn hơn, chơi với bạn đoàn kết hơn. Chỉ vậy thôi mà mình đã mừng rơi nước mắt”.

Có nhiều ý kiến cho rằng học sinh cá biệt thường là “thủ lĩnh”, “cầm đầu” nhóm quậy phá, vì thế nên để cho học sinh cá biệt giữ một trọng trách trong ban cán sự lớp, ví dụ như quản lý kỷ luật của lớp, để khuyến khích các em thể hiện vai trò chỉ huy của mình trong việc giúp lớp thi đua với các lớp khác cùng khối.

Theo cô Nguyễn Thị Hương (Trường THPT Cầm Bá Thước, Thanh Hóa), trước hết vẫn phải là tình cảm yêu thương học sinh thực sự, cố gắng giúp các em vượt qua những biến cố, vấn đề xảy trong quá trình sống, trở thành vết thương tâm lý. Thuyết phục học sinh bằng lời lẽ có lý, có tình, bằng tình cảm và phép tắc, khen, chê đúng lúc.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cần có nề nếp kỷ cương để học sinh tự nhận thức, tự khép mình trong những nội quy, quy chế chặt chẽ nhưng luôn được dân chủ bàn bạc, trao đổi, thỏa sức đóng góp. Giáo viên cần tạo không khí thực sự dân chủ, thầy và trò cùng thảo luận, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò.

Thầy Phạm Quốc Bảo tâm sự: “Giáo viên phải tìm hiểu thật kỹ về gia đình hoàn cảnh của em học sinh đó. Không có học sinh nào sinh ra đã là cá biệt, các biện pháp như răn đe, xử phạt, hù dọa… chỉ có thể có hiệu quả tức thời lúc đó, sau rồi đâu lại vào đấy, vì thế phải tìm hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Trước khi làm một người thầy, chúng ta cũng từng là những đứa trẻ. Trước khi muốn làm một người thầy, chúng ta phải là một người bạn của chúng, phải biết lắng nghe và chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bạch Dương (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN