Để con “phát triển tự nhiên” như thế nào thì hợp lý?

Sự kiện: Dạy con

Ngày nay, việc nuôi dạy con cái không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cân nặng, chiều cao cho trẻ mà hơn hết, các bậc phụ huynh luôn quan tâm làm sao để phát triển tối ưu tiềm năng của con. Bên cạnh trào lưu “gò ép”, không ít phụ huynh lựa chọn để con “phát triển tự nhiên”, nhưng việc để con chơi nhiều hơn học ra sao cho hiệu quả, nhiều phụ huynh vẫn áp dụng theo… cảm tính.

Để con “phát triển tự nhiên” như thế nào thì hợp lý? - 1

Giải tỏa áp lực học tập cho con, nhiều phụ huynh đã chọn cách để con “phát triển tự nhiên”. Ảnh minh họa: Q.Anh

Muốn con chơi nhiều hơn học

Gần đây, quan niệm “để con phát triển tự nhiên” ngày càng được ủng hộ, bởi các bậc phụ huynh cho rằng, việc uốn nắn quá mức làm con mất hứng thú học tập, thậm chí là lười tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên, “tự nhiên” như thế nào là hợp lý thì không phải ai cũng biết.

Lựa chọn cách nuôi dạy con có phần “thoáng”, chị Trần Thanh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) có con học tiểu học luôn hướng con không phải học nhiều, thay vào đó là các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài giờ đi học. Chị Hương chia sẻ: “Con học tập trên lớp đã mệt rồi, một ngày đã biết bao kiến thức, bài tập trên lớp. Con học 2 buổi/ngày cũng đã quá sức, nếu về nhà còn ép thêm bài tập, ngày nghỉ bắt đi học thêm nữa con không thể có tuổi thơ, học mà không đảm bảo sức khỏe, thoải mái về tinh thần thì sớm muộn cũng bị bệnh về tâm lý, thể lực yếu. Nên hàng ngày, về nhà tôi đều cho cháu tự chơi, không phải làm bài tập, không phải ngồi vào bàn học”.

Tương tự, chị Hà Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 1 cũng không đặt nặng chuyện điểm số, học tập của con. Chị Mai cho biết: “Tôi thấy con học về viết chữ cũng ẩu, xấu, chưa biết đọc nhiều nhưng cũng không phải lo lắng vì con phải làm quen dần dần, đứa trẻ khác học trước biết đọc, biết viết thông thạo là do học trước thôi, con cũng dễ mất hứng thú học vì cái gì cũng biết nên nảy sinh tâm lý chủ quan. Vì thế, về nhà con tự viết, đọc hay chỉ là lấy giấy bút ra vẽ tôi cũng đều để con tự làm việc mình thích. Sau này tôi cũng không đặt nặng con phải thi đỗ trường chuyên, hay trường đại học có tiếng nào đó”.

Tự nhiên khác… phó mặc

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay ở các thành phố lớn, các bậc phụ huynh có nhiều cơ hội tiếp cận với sách và tham khảo các phương pháp nuôi dạy trẻ hiện đại, có nhều mô hình tiên tiến cũng như cách “ép” trẻ thành học giỏi theo điểm số. Tuy nhiên, nếu chạy theo cách thức bằng mọi giá để biến con thành “thần đồng” là một sai lầm. Nhiều phụ huynh vì muốn con phải học giỏi, là thần đồng nên ép con phải học nhiều để hơn các bạn, để bố mẹ “mát mặt” với người xung quanh. Mong muốn của phụ huynh đều là chính đáng, song áp đặt học tập lên các con vô tình tạo áp lực nặng nề ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh.

Nhiều năm nghiên cứu về phát triển trí tuệ trẻ em, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người (có trụ sở Hà Nội) cho rằng, về lý thuyết, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể tác động tới não bộ của trẻ em ở các giai đoạn từ 0-6 tuổi, để giúp trẻ làm quen và được kích thích phát triển sớm, nhưng các phương pháp giúp trẻ phát triển hiện nay cần phải được áp dụng một cách chuẩn xác, có tần suất phù hợp. Ủng hộ việc không gò ép trẻ phát triển theo mong muốn của phụ huynh, nhưng PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng đặt ra nhiều mối lo trước việc nhiều phụ huynh chọn cách để con “phát triển kiểu tự nhiên”, vô tình làm trẻ bỏ lỡ đi cơ hội phát triển của con em mình.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: “Có một thực tế là ở các thành phố lớn hiện nay, phụ huynh sinh ít con, có điều kiện kinh tế tốt hơn và dành nhiều thời gian, tiền bạc cho con. Họ có mong muốn truyền thống là muốn con thành danh, nên dễ bị ảnh hưởng bởi một phương pháp giáo dục nào đó. Một số phụ huynh có tâm lý khi con mình biết trội hơn người khác một chút là nghĩ con là thần đồng và càng ép con học tập. Nhưng lại có nhiều phụ huynh để con phát triển theo hướng “tự nhiên”, đây chỉ là cách giải tỏa tâm lý, chứ không thể bổ trợ phát triển cho trẻ. Một đứa trẻ phát triển về thể chất, trí tuệ cần được rèn luyện kiến thức từ trường lớp, tiếp cận với môi trường gia đình, xã hội và cả thiên nhiên để hình thành nhân cách, trí tuệ và đóng góp cho xã hội”.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn “đăng đàn” trên mạng xã hội kể câu chuyện để con phát triển tự nhiên, đó là xu hướng cho con vào trường ngoài công lập, hay luôn để con vui chơi, mạnh khỏe, không nặng về kiến thức. Những ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của nhiều phụ huynh có tư tưởng hiện đại. Song theo các chuyên gia giáo dục nhận định, để trẻ phát triển năng khiếu, thể thao bên cạnh việc học văn hóa là cần thiết, nhưng bậc phụ huynh cần rèn luyện cho con ý thức tự lập, ham học, say mê học tập thay vì tư tưởng “coi thường” kiến thức phổ thông.

12 bí quyết ”thần sầu” nuôi dạy con cái giỏi giang, thành đạt

Mặc dù không có công thức chung để nuôi dạy con cái thành người thành đạt, giỏi giang. Nhưng những bậc cha mẹ “thành công“...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN