Dạy một số môn cơ bản ở đại học bằng ngoại ngữ

Triển khai chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành và tự chọn ở bậc đại học, bắt đầu vào năm 2017 với khoảng 20% sinh viên của các Đại học quốc gia, Đại học vùng và một số trường đại học có đủ điều kiện.

Dạy một số môn cơ bản ở đại học bằng ngoại ngữ - 1

Sáng 17/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 tại 6 điểm cầu trên cả nước.

Tại hội nghị, Ban điều hành đề án 2020 cho biết, mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới sẽ triển khai giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành và giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học

Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục đại học, triển khai chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành và tự chọn ở bậc đại học, bắt đầu vào năm 2017 với khoảng 20% sinh viên của các Đại học quốc gia, Đại học vùng và một số trường đại học có đủ điều kiện và tăng dần tỉ lệ hàng năm, mở rộng dần số trường và địa phương để đạt tỷ lệ 60% vào năm 2025.

Riêng các trường sư phạm, hoàn chỉnh và phát triển chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn Toán, khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ ở giáo dục phổ thông.

Đánh giá lại yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với học sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong môi trường nghề nghiệp để ban hành chuẩn đầu ra ngoại ngữ sát với yêu cầu thực tế và đặc thù của từng ngành nghề.

Triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong cả nước.

Đến năm 2020, 60% học sinh các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp đạt chuẩn đầu ra theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và 70% sinh viên các trường CĐ và ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đến năm 2025, tỷ lệ tương ứng là 90% và 100%.   

Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các chương trình học tiếng Anh tăng cường đang thực hiện ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học không chuyên ngữ trong cả nước cho phù hợp với chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo cụ thể.

Xây dựng mới các chương trình, tài liệu học tiếng Anh tăng cường trực tuyến, đổi mới phương thức tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường cho học sinh, sinh viên, kết hợp giữa việc học trên lớp với học trực tuyến, tự học nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tự học, tự nghiên cứu, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh để đạt chuẩn đầu ra.

Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên ngoại ngữ

Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới cần rà soát, xây dựng chương trình đào tạo để sinh viên theo ngành giảng dạy ngoại ngữ ra trường đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định.

Đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngữ và các cơ sở đào tạo có khoa ngoại ngữ,tổ chức rút kinh nghiệm và phát triển chương trình đã xây dựng của từng trường. 100% sinh viên chuyên ngữ đồng thời được đào tạo hai ngoại ngữ trong một khoá đào tạo, một ngoại ngữ chính (ngoại ngữ 1) và một ngoại ngữ phụ (ngoại ngữ 2).

Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh dạy trẻ mầm non và giáo viên tiếng Anh tiểu học ở các trường sư phạm chuyên ngữ hoặc bổ sung các đơn vị học trình, tín chỉ bắt buộc đối với sinh viên các trường sư phạm chuyên ngữ nếu muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh ở mầm non và tiểu học.

Tổ chức thẩm định đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo bằng hình thức đánh giá nội bộ hàng năm hoặc tổ chức đánh giá ngoài định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá tiếng Anh thường xuyên phù hợp với nội dung giảng dạy và yêu cầu chuẩn đầu ra.

Tăng cường đưa sinh viên các trường sư phạm chuyên ngữ tham gia làm trợ giảng tiếng Anh ở các trường tiểu học, các trung tâm có giáo viên bản ngữ giảng dạy. Khuyến khích công tác trao đổi sinh viên với các trường đào tạo tiếng Anh ở các nước bản ngữ hoặc các nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ ngoài lớp học như tổ chức các cuộc thi Olympic tiếng Anh, các câu lạc bộ tiếng Anh cho sinh viên, tổ chức các cuộc giao lưu với sinh viên quốc tế nói tiếng Anh và các hoạt động khác nhằm phát huy tính tích cực học tập của sinh viên, giúp các em có ý thức tự học, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, năng lực tổ chức hoạt động học nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy ngoại ngữ sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN