Cử nhân hệ cử tuyển “đói” việc làm

Tới tháng 12.2014, các tỉnh đã thống kê lại số sinh viên cử tuyển còn đang “ngồi chơi xơi nước” và đưa ra con số giật mình khi mà nhiều nơi có tới 40-60% sinh viên cử tuyển thất nghiệp.

Teo tóp đầu ra

Tốt nghiệp khoa Sư phạm toán hệ cử tuyển Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã 3 năm nhưng thầy giáo trẻ Hồ Văn Dính ở xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn chưa một lần được đứng lên bục giảng. Anh Dính cho biết, một thời gian dài sau khi nộp hồ sơ lên Phòng Nội vụ và Phòng GDĐT huyện không thấy hồi âm, anh cũng chủ động mang hồ sơ đến các trường để xin dạy hợp đồng nhưng đều không thành công. Chán nản, năm 2013, Dính đã quyết định cất tấm bằng đại học vào hộc tủ, cưới vợ và ở nhà làm trang trại nuôi lợn đen bán lấy thịt.

Cử nhân hệ cử tuyển “đói” việc làm - 1
Hệ cử tuyển vẫn rất cần cho việc nâng cao chất lượng nhân lực vùng khó (ảnh minh họa). Tùng Anh

Tương tự, cô gái dân tộc Tày Hà Thị Hường (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên cũng mỏi mòn suốt 2 năm chờ đợi để được phân công công tác mà không được. Tháng 3.2014, Hường quyết định theo dì đi buôn bán ở Nghĩa Lộ (Yên Bái). Tháng 9.2014 cô kết hôn và cùng chồng mở một cửa hàng tạp hóa tại Nghĩa Lộ, tấm bằng đại học cử tuyển cũng không còn được cô nhắc đến nữa.

Tại Nghệ An, từ năm 2008 – 2014 tỉnh này có 439 sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp, 193 người chưa được bố trí công việc. Sở Nội vụ Bắc Kạn cũng thông tin, tỉnh này mới bố trí công việc cho 156/227 sinh viên cử tuyển. Cá biệt, năm 2014, Sở GDĐT Thanh Hóa đã phải đề nghị với UBND tỉnh không giao chỉ tiêu cử tuyển nữa vì tỉnh không đủ khả năng bố trí việc làm.

Làm gì để tránh lãng phí?

Thống kê từ Bộ GDĐT cho thấy, chỉ tính từ 2007 đến nay đã có 12.805 học sinh được cử tuyển vào các trường ĐH, con số được bố trí việc làm cả nước mới đạt 62%, như vậy còn 4.865 sinh viên cử tuyển thất nghiệp. Con số này đi kèm kinh phí đào tạo đã tạo ra một sự lãng phí khổng lồ cho ngân sách quốc gia (kinh phí cho 1 sinh viên cử tuyển là 22 triệu đồng/năm).

Đi tìm nguyên nhân về sự lãng phí này, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc cử người đi đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đơn vị nên không thể bố trí việc làm. Trong khi đó quy định về tuyển dụng không có đặc cách khiến nhiều sinh viên cử tuyển đã được bố trí hợp đồng ngắn hạn nhưng bị loại ra khi thi biên chế vì cạnh tranh không được với cử nhân hệ chính quy.

Để giải quyết “đầu ra” cho hệ đào tạo này cũng như nhằm hạn chế sự lãng phí, mới đây, Bộ GDĐT có yêu cầu hàng năm, khi lập kế hoạch cử tuyển các tỉnh phải báo cáo tình hình quản lý đối tượng được cử tuyển và kết quả bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp 3 năm liên tiếp. Bộ cũng “nới” thời gian chờ phân công công tác tối đa lên 12 tháng sau khi tốt nghiệp (trước là 6 tháng).

Ông Nguyễn Văn Hiển - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên giáo dục dân tộc (Sở GD ĐT Hòa Bình) cho rằng: “Việc sàng lọc đầu vào cho cử tuyển là điều kiện tiên quyết sau đó là nhu cầu nhân lực”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN