Còn tiếp tục 7 sai lầm sau, cha mẹ đừng mong con thành đạt

Sự kiện: Giáo dục

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 7 sai lầm trong cách dạy con mà các bậc cha mẹ thường mắc phải. Hãy từ bỏ chúng ngay hôm nay để con cái bạn trở nên tự tin, mạnh mẽ và hạnh phúc.

Cha mẹ nào cũng muốn làm những điều tốt nhất cho con. Ai cũng muốn con mình trở nên giỏi giang và thành công trong tương lai. Tuy nhiên, đôi khi kỳ vọng quá mức khiến các bậc phụ huynh giáo dục con cái một cách vội vàng, sai lệch, thiếu khoa học. Sai lầm nhất là việc kiểm soát một đứa trẻ với quá nhiều quy tắc khắt khe, hệ lụy có thể làm giảm sự tự tin và sáng tạo của chúng. Dưới đây là 7 việc mà cha mẹ phải từ bỏ ngay để con cái được lớn lên khỏe mạnh và tự tin vào chính mình.

Còn tiếp tục 7 sai lầm sau, cha mẹ đừng mong con thành đạt - 1

1. Áp đặt con cái phải làm gì

Tất nhiên, trẻ em cần phải được hướng dẫn khi muốn khám phá thế giới xung quanh, nhưng điều này không có nghĩa là chúng cần được chỉ đạo quá chi tiết trong mọi việc. Thay vào đó, hãy để trẻ tự do lựa chọn và phát triển khả năng của bản thân. Đừng bao giờ ép buộc con phải làm điều bố mẹ thích. Điều này gây cản trở sự sáng tạo, nguy hiểm hơn, nó còn reo vào đầu chúng tư tưởng oán giận, chống đối cha mẹ.

Lời khuyên này được áp dụng trong mọi việc, hãy để trẻ tự do chọn đồ chơi, quần áo,… đến cả con đường sự nghiệp mà chúng muốn theo đuổi trong tương lai. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sociological Spectrum, trẻ em được cha mẹ cho hoạt động tự do sẽ ít bị mắc chứng lo lắng, trầm cảm hoặc có cảm giác tự ti trong những năm đại học so với những trẻ bị quản thúc chặt chẽ về lối sống và các sinh hoạt hằng ngày.

2. Kỳ vọng thiếu thực tế vào trẻ

Hãy nhớ rằng trẻ em cũng là một cá thể, và không có ai là người hoàn hảo. Đừng bao giờ ép con mình trở thành người giỏi nhất. Thay vào đó, nên khuyến khích bọn trẻ phát triển điểm mạnh và hạn chế điểm yếu bản thân. Luôn tạo ra những cuộc nói chuyện cởi mở như hai người bạn và đừng tiết kiệm lời khen khi chúng bộc lộ một tài năng nào đó.

3. Nâng niu, bao bọc quá mức

Nhiều phụ huynh có tư tưởng chăm con theo kiểu “nâng như nâng trứng”. Điều này khiến con cái luôn ỷ lại, không chịu vận động, lúc nào cũng dựa dẫm vào bố mẹ. Dần dần khiến chúng trở nên lười biếng, không phát triển khả năng sáng tạo của bản thân. Ngoài ra, việc chiều chuộng quá mức làm cho trẻ không chịu sửa sai sau khi mắc lỗi. Chúng thấy cuộc sống đầy màu hồng và thế giới lúc nào cũng an toàn. Điều này rất có hại cho tương lai sau này của trẻ.

4. Quyết định thay con cái

Một kỹ năng quan trọng của những người thành công là khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Khả năng này không phải muốn là có ngay mà phải được rèn luyện từ thời thơ ấu. Hãy cho con bạn được quyền lựa chọn cuộc sống của mình: tìm kiếm người mình yêu, được học trường mình thích. Cha mẹ chỉ nên là người đưa ra định hướng cho trẻ và cần nói rõ rằng, các con sẽ phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình.

Cuốn sách “Sheep Excellent” (những con cừu xuất sắc) của nhà nghiên cứu Bill Deresiewicz đã đưa ra những lập luận thuyết phục cho thấy, việc can thiệp quá sâu vào chuyện học hành của trẻ làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng, và nỗi sợ thất bại trong trong cuộc sống sau này.

5. Đổ lỗi cho trẻ

Mọi người đều có thể mắc sai lầm, bao gồm cả con bạn. Trừ phi chúng biết sai mà vẫn cố tình phạm phải, còn nếu chỉ là những lỗi khách quan hoặc lỗi vi phạm lần đầu thì chỉ nên nhắc nhở và cố gắng đừng đổ mọi lỗi lầm lên đầu trẻ. Những lúc như thế, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ ra những điều sai trái để con có thể rút ra bài học cho mình. Điều này rất quan trọng cho cuộc sống sau này của một đứa trẻ.

6. Khen ngợi về trí thông minh của trẻ

Khi trẻ em được ca ngợi vì những nỗ lực của bản thân chúng chứ không phải khen ngợi vì trí thông minh thì chúng sẽ cảm thấy có thêm động lực để phấn đấu trong tương lai. Còn việc khen trí thông minh chỉ khiến cho trẻ đôi khi bị tự tin thái quá và sinh ra thói ỷ lại, không chịu cố gắng hoàn thiện mình.

7. Đặt ra quá nhiều quy tắc gia đình

Mọi gia đình đều phải đặt ra các quy tắc. Đây là điều cần thiết để trẻ em biết được điều gì là đúng hay sai. Tuy nhiên, một số quy tắc quá cứng nhắc lại có thể gây ra sự lo lắng không cần thiết của trẻ em. Thậm chí tiêu cực hơn, là sự sợ hãi luôn thường trực trong tâm trí chúng. Việc lúc nào cũng nơm nớp để ý xem mình có vi phạm quy tắc không có thể làm giảm sự sáng tạo của trẻ. Dần dần khiến chúng cư xử như những cỗ máy khô khan.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà tâm lý học tại Đại học Colorado-Boulder đã khám phá ra mối liên hệ giữa tuổi thơ bị áp đặt và việc thiếu khả năng đưa ra quyết định. Vì vậy, với những quy tắc không cần thiết, không mang lại hiệu quả rõ ràng thì nên bỏ qua.

Có thể mất thời gian để thay đổi cách suy nghĩ và tiếp cận của bạn trong phương pháp nuôi dạy con, nhưng hãy nhớ rằng, đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của con trẻ để hiểu hơn về chúng. Từ đó đưa ra những biện pháp thích hợp để giáo dục con cái trưởng thành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Trang (Theo Lifehack) ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN