Có một PGS Văn Như Cương thú vị đến thế qua phác thảo của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Sự kiện: Giáo dục

Thỉnh thoảng, thầy Văn Như Cương làm thơ. Ngày ngày gặp cảnh vợ cắm hoa trên bàn làm việc, ông viết: "Em cắm hoa tươi ở cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi trong toán nhiều công thức/ Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn".

Có một PGS Văn Như Cương thú vị đến thế qua phác thảo của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - 1

Dù tính về tuổi tác sẽ là khoảng cách một thế hệ nhưng giữa PGS Văn Như Cương và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên luôn là mối quan hệ như đôi bạn vong niên.

Trong tâm trạng tiếc thương, bàng hoàng sau khi nghe tin PGS Văn Như Cương qua đời, nhà phê bình xứ Nghệ đã dành cho Báo Gia đình & Xã hội những tâm tư, phác thảo về người thầy đáng kính.

"Ngoài tư cách một nhà giáo, nhà sư phạm, với tôi và nhiều văn nghệ sĩ, PGS Văn Như Cương là người bạn chơi rất thú vị với tính cách chan hòa, cởi mở, đầu óc linh hoạt, hóm hỉnh và đặc biệt là chất "đồ Nghệ". Nghệ ở đây không chỉ là xứ Nghệ, mà còn là nghệ sĩ.

Thầy Cương có một nhóm bạn văn nghệ sĩ, ngoài tôi còn là: Đoàn Tử Huyến, Hồ Bất Khuất, Trần Quốc Trọng... Chúng tôi uống rượu, đánh cờ, nói chuyện văn chương thế sự. Ở ông, chúng tôi học được cách nghĩ, cách nói mới và khác biệt.

PGS Cương là thế! Trong mọi việc từ suy nghĩ đến hành động, ông không bao giờ rập khuôn. Điều đó thể hiện từ những lễ khai giảng, bài phát biểu hay thỉnh thoảng lại bất ngờ tung ra một quan điểm để trở thành nhân vật của truyền thông.

Có một PGS Văn Như Cương thú vị đến thế qua phác thảo của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - 2

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Ở con người ấy, lúc nào sự sắc sảo cũng đi đôi với hóm hỉnh. Thời bao cấp, đời sống khó khăn, gia đình ông phải nuôi lợn tăng gia. Bị lập biên bản xử lý, ông dí dỏm yêu cầu cán bộ sửa nội dung biên bản từ "Văn Như Cương nuôi lợn" thành "Lợn nuôi Văn Như Cương".

Sau này, một phóng viên nào đó phỏng vấn ông một câu đại ý: Nếu thầy làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, việc đầu tiên thầy làm sẽ làm gì? Thầy Cương trả lời ngắn gọn pha chút hài hước: Việc đầu tiên tôi làm là... từ chức Bộ trưởng!

Thầy Cương là người con xứ Nghệ. Dường như trong dòng máu di truyền của gia đình, quê hương ông luôn đậm đặc chất đồ nho. Chỉ qua cách PGS Văn Như Cương "chơi" câu đối, người ta đã thấm thía điều đó.

Khi ông còn dạy học trong Nghệ An, trưởng Ty Giáo dục ra một vế đối rất hóc búa: "Thầy giáo tháo giầy tháo cả ủng thủng cả áo lấy giáo án dán áo".

Vế đối ấy không phải khó mà là cực kỳ khó. Vừa đúng tình cảnh thầy cô thời bao cấp, vừa đủ những từ chỉ nghề giáo, lại là nói lái. Ấy vậy mà thầy Cương rất nhanh nhạy, thông minh đối lại: "Nhà trường nhường trà nhường cả hoa nhòa cả hương lĩnh lương hưu lưu hương".

Đó là câu chuyện được truyền tụng, ngợi ca mãi. Mươi mười lăm năm gần đây, Tết nào bạn bè thân gần cũng có ý chờ câu đối của Văn Như Cương. Thường thì chẳng ai đối được nên khi ra vế đối, thầy đã sẵn luôn cả vế đối lại.

Có một PGS Văn Như Cương thú vị đến thế qua phác thảo của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - 3

PGS Văn Như Cương

Còn nhớ Tết năm 2008, từ năm Tí sang năm Sửu, PGS có đôi câu đối ai nghe cũng giật mình, tấm tắc: "Năm chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột - Tết trâu đến, gảy đàn liệu còn lọt tai trâu".

Thỉnh thoảng, thầy Văn Như Cương làm thơ. Ngày ngày gặp cảnh vợ cắm hoa trên bàn làm việc, ông viết: "Em cắm hoa tươi ở cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi trong toán nhiều công thức/ Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn".

Con người đặc biệt ấy vừa có chân dung một nhà giáo, cốt cách một nhà nho, tâm hồn một nghệ sĩ và khí phách của ông đồ xứ Nghệ.

Trong đời sống, thầy Cương hóm hỉnh vô cùng. Tiết lộ một chút riêng tư của ông: Điện thoại ông không đề tên vợ mà là... My Love. Thỉnh thoảng, trong cuộc rượu cùng bạn bè (ông rất thích uống Vodka - một sở thích từ thời sống bên Nga), điện thoại rung lên với cái tên người gọi là "My Love".

Ông tinh nghịch chỉ chỉ nói với bạn bè: "My... lo về! Phải về thôi!". Rồi đôi khi, muốn về mà nể tình bạn bè không bước chân về nổi, ông đưa điện thoại cho bạn nghe hộ, trong điện thoại luôn là giọng nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào: "Anh ơi! Nhà em sức yếu lắm. Chỉ mời anh ấy một ly thôi nhé". Chờ có thế, cả hội ồ lên đồng tình và dấm dúi với nhau: "Mời một ly, rót nhiều lần!"

Tính đến nay, trường Lương Thế Vinh hình thành, tồn tại đã gần 30 năm rồi. Đó là một mô hình được khẳng định về giá trị. Không phải người tài năng, đau đáu và tâm huyết chắc chắn không làm được. Đương nhiên, một mô hình vận hành khó tránh khỏi những khiếm khuyết, song cái được chúng ta cần ghi nhận.

Sau PGS Văn Như Cương, có lẽ khó ai khai sinh ra một ngôi trường kiểu như thế. Khi nằm xuống, ông đã có một sự nghiệp, hình ảnh, tên tuổi vẻ vang và đáng tự hào!

Tiểu sử PGS Văn Như Cương - người được học trò coi như bố, như ông

PGS Văn Như Cương (1937 - 9/10/2017) là nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thành Nam (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN