Chương trình phổ thông mới: Không đi, không bao giờ đến được

Sự kiện: Giáo dục

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định như vậy trước những lo lắng về sự vội vã cũng như thiếu hụt các điều kiện để triển khai chương trình

* Phóng viên: Chương trình được thiết kế cho việc học 2 buổi/ngày nhưng thực tế, nhiều địa phương, học sinh (HS) phải học 1 buổi/ngày do thiếu trường, lớp. Nếu triển khai đại trà trong điều kiện như thế sẽ khó thành công, ông nghĩ sao?

Chương trình phổ thông mới: Không đi, không bao giờ đến được - 1

GS Nguyễn Minh Thuyết

- GS Nguyễn Minh Thuyết: Đây là một lo lắng có cơ sở. Nhưng trước hết, chúng ta cần thống nhất với nhau vì sao phải học 2 buổi/ngày.

Ở các nước phát triển, tức là những nước mà chúng ta đang cố "đi tắt đón đầu" để bắt kịp họ, HS cả ba cấp học đều học 2 buổi/ngày. Theo thống kê của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), trong độ tuổi từ 7 đến 15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, trung bình HS các nước này học 7.390 giờ (60 phút/giờ).

Trong khi đó, số giờ học của Việt Nam nhiều nhất cũng chỉ đạt 6.957, kể cả số giờ tự học trên lớp và giờ dành cho các môn tự chọn. Với thời lượng học ít như vậy thì HS vừa bị quá tải vừa học không sâu. Chúng ta phải thay đổi tình trạng này.

Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, việc bố trí cả ba cấp học cùng học 2 buổi/ngày là điều không thể. Nhưng chúng ta cũng không thể khoanh tay ngồi chờ đến một lúc nào đó mơ ước này trở thành hiện thực.

Lần đổi mới này cần bước một bước đầu tiên là giải quyết dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học. Để rồi 10-15 năm sau sẽ dạy học 2 buổi/ngày ở THCS; 10-15 năm tiếp theo nữa sẽ dạy học 2 buổi/ngày ở cả ba cấp học phổ thông.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tỉ lệ HS tiểu học cả nước hiện nay được học 2 buổi/ngày là 67,76%. Một số tỉnh đạt 100% hoặc gần 100% như Hải Dương, Nam Định. Một số tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, Lai Châu đạt trên 90%. Các thành phố lớn như Hà Nội đạt 98,11%, Đà Nẵng 87,38%, Hải Phòng 77,24%, TP HCM 71,45%, Cần Thơ 62,97%. Các tỉnh có tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp nhất là ở phía Nam với An Giang 10,45%, Cà Mau 23,3%... Riêng Long An vượt lên với 81,3%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày ở một số tỉnh còn thấp, trong đó có nguyên nhân thời gian qua, Bộ GD-ĐT mới chỉ khuyến khích, chứ chưa bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày.

Cân nhắc khó khăn của một số địa phương, dự thảo chương trình tổng thể đã vạch ra lộ trình thực hiện: "Các trường chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cần tập trung đầu tư để bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 dạy học được 2 buổi/ngày cho lớp 1, đến năm học 2022 - 2023 dạy học được 2 buổi/ngày cho tất cả các lớp tiểu học. Đối với những lớp chưa dạy học được 2 buổi/ngày, không bố trí thời gian tự học có hướng dẫn trên lớp và dạy học nội dung giáo dục của địa phương".

Chương trình phổ thông mới: Không đi, không bao giờ đến được - 2

Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU

* Ông có thể nói rõ hơn ý kiến này?

- Nếu các địa phương thực hiện sắp xếp dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học theo lối "cuốn chiếu" như nêu trong dự thảo chương trình thì sau 5 năm, tất cả HS tiểu học đều được học 2 buổi/ngày. Còn nếu chưa thực hiện được dạy học 2 buổi/ngày thì có thể dạy học 6 buổi/tuần. Theo đó, lớp 1 sẽ học 4 tiết/buổi, lớp 2 học 4,5 tiết/buổi, các lớp 3, 4, 5 học 5 tiết/buổi, đồng thời bỏ các tiết tự học, môn tự chọn và nội dung giáo dục địa phương thì vẫn bảo đảm nội dung giáo dục cốt lõi chung cho cả nước.

Trong trường hợp địa phương quá khó khăn, nhìn chung, HS chỉ có thể học 5 buổi/tuần thì để bảo đảm nội dung giáo dục cốt lõi, HS sẽ phải học 5 tiết/buổi. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, vẫn phải bố trí lớp 3, 4, 5 học 6 buổi/tuần.

* Chương trình mới chủ yếu yêu cầu đổi mới phương pháp, nhiều giáo viên lo lắng việc đổi mới này như thế nào, thực hiện ra sao với sĩ số lớp quá đông, tới 60 HS/lớp như hiện nay? Với lớp 1, chỉ riêng việc rèn chữ, rèn cách cầm bút, cầm phấn, cách ngồi học, rèn nề nếp cũng đã vất vả. Giờ gánh thêm nhiều môn học mới nữa, không biết triển khai thế nào?

- Nói về sĩ số trong một số lớp học ở đô thị, tôi cho đó thực sự là một thách thức. Nói thật, nếu là giáo viên thì tôi cũng không thể đổi mới phương pháp có hiệu quả ở một lớp học nhồi tới 60 HS như hiện nay.

Để dạy học có hiệu quả, các trường cần thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT về sĩ số: lớp tiểu học không quá 35 HS, lớp trung học không quá 45 HS. Có người sẽ hỏi, nếu một lớp chỉ có 35 cháu thì số còn lại sẽ đi đâu? Câu trả lời là phải xây thêm trường, thêm lớp, phải sắp xếp lại tuyến tuyển sinh. Ở đây, phải có sự sốt sắng vào cuộc của các cấp chính quyền, chứ chỉ riêng ngành giáo dục thì không giải quyết được vấn đề.

Chắc chắn là người dân sẽ phải hỏi chính quyền địa phương: Trong những năm qua, chính quyền thay mặt người dân quản lý đất đai đã cấp bao nhiêu đất để xây trường, bao nhiêu đất cho nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp, dự án bất động sản? Ở một số đô thị lớn, bao nhiêu cơ quan, nhà máy, xí nghiệp phải chuyển ra ngoại thành nhưng đã có khu đất "vàng" nào được dành để xây trường học hay chưa?

Mỗi cấp ủy, chính quyền đều phải thấm nhuần quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cũng giống như một gia đình nông dân nghèo, nếu đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn, ra trường kiếm mỗi tháng dăm, bảy, mười triệu đồng thì gia đình mới có thể đổi đời; một đất nước thực sự đầu tư cho giáo dục, cho tương lai thì đất nước đó mới đổi vận được.

* Chương trình phổ thông mới chỉ có thể thành công nếu có các điều kiện đi kèm, cụ thể là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong khi đó, nhiều giáo viên thẳng thắn cho rằng họ còn chưa biết về chương trình, sách giáo khoa mới nên rất khó để đổi mới. Các trường sư phạm đáng lẽ phải đi trước một bước thì vẫn đang dậm chân. Ông có nghĩ triển khai đại trà chương trình mới trong điều kiện như vậy là chưa phù hợp?

- Nói là giáo viên chưa biết gì về chương trình mới vừa đúng vừa không đúng. Đúng, vì trước ngày 12-4-2017, dự thảo chương trình còn đang được hoàn chỉnh, chưa thể công bố rộng rãi. Nhưng nói là giáo viên chưa biết gì thì cũng không đúng vì thực ra, phiên bản đầu tiên của dự thảo chương trình này đã được công bố lấy ý kiến cán bộ giáo dục, giáo viên và các tầng lớp nhân dân từ ngày 1-8-2015.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa vào chương trình nhiều chuyên đề dạy học tích hợp, nhiều phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS; giáo viên ở các nơi đều đã được làm quen, thậm chí nhiều người thực hiện rất thành thạo. Cũng từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm trong cả nước nghiên cứu đổi mới chương trình và phương thức đào tạo giáo sinh. Công tác bồi dưỡng giáo viên cũng đang được chuẩn bị rất tích cực.

Nếu năm học 2018-2019 triển khai đồng loạt chương trình mới ở cả ba cấp học thì có thể sẽ khó thành công. Nhưng nếu chỉ triển khai ở lớp 1 thì có thể thực hiện được vì nội dung dạy học ở lớp 1 không quá khó. Thực nghiệm lớp 6, lớp 10 ở một số địa phương cũng không quá vất vả. Ban soạn thảo chương trình đưa ra kiến nghị này là để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất…

* Đã có những đề án ngàn tỉ triển khai rồi bỏ đấy hoặc kết quả rất hạn chế như đề án phân ban THPT, đề án ngoại ngữ 2020. Không ít người lo lắng nếu không chuẩn bị kỹ các điều kiện thì đề án phổ thông mới cũng có kết quả không khả quan. Ông nghĩ sao?

- Thực tình, là người theo sát giáo dục phổ thông, tôi không chia sẻ hoàn toàn với cách đánh giá các dự án phân ban THPT, Đề án ngoại ngữ 2020 đơn giản như vậy.

Còn nói về chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi tin chắc rằng nếu có một lộ trình hợp lý và đạt được sự đồng thuận cao thì sẽ thành công. Kinh nghiệm cho thấy không đi thì sẽ không bao giờ đến được.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới: Ba điều bất khả thi

Không đủ thời lượng học nền tảng kiến thức cơ bản, cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên chưa thể...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lan Anh (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN