Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý

Chủ quyền biển đảo tiếp tục được đưa vào đề thi tốt nghiệp môn Địa lý. Kết thúc 90 phút làm bài thi, nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức, dễ dàng đạt điểm trung bình trở lên.

Trước đó, trong ngày thi thứ nhất, nội dung về chủ quyền biển đảo cũng đã được đưa vào đề thi môn Văn và môn Sử.

16h chiều nay, thí sinh tiếp tục bước vào làm bài thi môn Địa lý.

Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhiều thí sinh vui mừng sau giờ thi Địa lý. 

Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý - 1

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý

Thí sinh Nguyễn Việt Cường, trường THPT Minh Khai, chia sẻ: “Em thấy đề thi môn Địa năm nay dễ và sát thực tế. Đặc biệt, có câu hỏi liên quan đến những thông tin thời sự, như vấn đề chủ quyền biển đảo nước ta. Với đề mở như thế này, học sinh dễ làm bài mà không cần phụ thuộc quá nhiều kiến thức trong sách giáo khoa. Em làm hết bài thi của mình và vẫn còn thừa 15 phút”.

Theo Cường, em và rất nhiều thí sinh khác thích thú với câu hỏi chủ quyền biển đảo. Trong bài làm của mình, em đã nêu bật tầm trọng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bởi đó là vùng đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Mỗi người dân có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo đồng nghĩa là có tấm lòng yêu nước sâu sắc.

Cũng tại hội đồng thi này, Nguyễn Thu Hương, học sinh trường THPT Minh Khai, cho hay, đề thi Địa lý đối với em vừa sức. Em làm xong vẫn còn thời gian 10 phút để soát bài.

“Trước khi thi môn Địa, em đã ôn rất kỹ nội dung về vấn đề chủ quyền biển đảo. Em dự tính mình được khoảng 7 đến 8 điểm”, Hương nói.

Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý - 2

Thí sinh tự tin sau giờ thi môn Địa lý

Tại hội đồng thi trường THPT Chu Văn An, nhiều thí sinh cũng nhận định đề thi vừa sức, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa, không đánh đố thí sinh. Các em đều tự tin đạt điểm khá trở lên. Đề thi môn Địa gồm có 4 câu, trong đó có 1,5 câu liên quan đến vùng biển và chủ quyền biển đảo. Phần 1 của câu 2 được các thí sinh đánh giá là hay và thời sự nhất.

Thí sinh Nguyễn Thị Trang, lớp 12 chuyên Nhật, THPT Chu Văn An, cho biết, đối với em đề thi khá hay, vừa bám sát chương trình học lại vừa mang tính thời sự. Trước khi đi thi, em cũng đã đoán đề thi môn Địa năm nay sẽ vào nội dung về biển đảo vì đây là vấn đề thời sự mọi người quan tâm.

“Câu hỏi về biểu đồ năm nay là biểu đồ cột, dễ hơn so với các dạng biểu đồ khác. Còn các câu hỏi khác đều bám sát chương trình học. Trong câu hỏi liên quan đến chủ quyền biển đảo, em đã nhấn mạnh chúng ta phải bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, dù là nhỏ nhất, bởi nó liên quan đến vấn đề chủ quyền đất nước, vấn đề kinh tế, khai thác tài nguyên”, Trang chia sẻ.

Tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa - Hà Nội, có hơn 30 thí sinh đăng kí thi tốt nghiệp môn Địa lý.

Một số thí sinh tự tin cho biết, chúng em đã chuẩn bị rất kĩ những câu hỏi liên quan đến biển đảo của Việt Nam vì nó có tính thời sự cao.

Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý - 3

Trước khi vào phòng thi môn Địa lý, một thí sinh trường Amsterdam - Hà Nội tỏ ra căng thẳng, đứng trước cổng trường ôn lại bài.

Thí sinh Nguyễn Huy Hoàng (lớp 12B2 - trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ: Trước khi đi thi, em hơi lo lắng, sợ đề khó, nhưng sau khi làm bài xong, em cảm thấy tự tin hơn. Em đã chuẩn bị rất kĩ kiến thức về những vấn đề thời sự, liên quan đến vùng biển, đảo của Việt Nam.

Hoàng cũng cho biết, hướng ra đề năm nay của Bộ Giáo dục sát với thực tế.

"Năm nay, em làm bài rất tốt, nhất là đối với những câu hỏi về thềm lục địa, biển, đảo của Việt Nam. Biển đảo là nơi có nhiều khoáng sản, là máu thịt của Tổ quốc.", thí sinh Nguyễn Kim Anh (THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa - Hà Nội) nói.

Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý - 4

Thí sinh Nguyễn Huy Hoàng (lới 12B2 THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa - Hà Nội) rất tự tin khi ra khỏi phòng thi môn Địa Lý.

Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý - 5

Các thí sinh tỏ ra rất vui vẻ sau khi kết thúc môn thi Địa lý

Tại TP.HCM, ghi nhận tại nhiều hội đồng thi, đa số các thí sinh đều cho rằng, đề thi Địa lý năm nay khá dễ. Trong đó, một số câu hỏi chỉ cần dựa vào Atlat địa lý là có thể làm tốt. Đặc biệt, câu hỏi mở rộng về vấn đề Biển Đông cũng được đông đảo thí sinh hào hứng vì phù hợp với bối cảnh xã hội nước ta hiện tại. Nhiều thí sinh chia sẻ, với đề thi này, việc đạt điểm số cao như 8, 9 là không hề khó.

Tại hội đồng thi trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1), nhiều thí sinh đã ra về sớm ngay khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài.

Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý - 6

Một bà mẹ đón con ra khỏi trường thi

Bạn Ngọc Phúc, lớp 12A3 trường THPT Đăng Khoa, cho biết: “Đề thi năm nay khá dễ so với những năm trước, chỉ cần học thuộc bài là có thể làm tốt. Trong phòng thi của em khá nhiều bạn làm xong sớm. Với đề thi này, em tự tin mình có thể đạt được 8 điểm trở lên”.

Tương tự, bạn Yến Nhi, lớp 12A4 trường THPT Đăng Khoa, nói: “Một số câu hỏi trong đề thi chỉ cần sử dụng Atlat địa lý là có thể làm được bài. Chẳng hạn như câu hỏi quốc lộ 1A đi qua những vùng kinh tế nào của nước ta? Vai trò của quốc lộ 1A đối với sự phát triển của đất nước như thế nào? Với câu hỏi này, chỉ cần biết cách đọc Atlat là có thể làm mà không cần phải học bài quá nhiều”.

Chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi môn Địa lý - 7

Đề thi Địa lý dễ khiến nhiều thí sinh khá vui vẻ sau khi kết thúc môn thi

Theo thí sinh Nguyễn Ngọc Như Tiên (Nhạc viện TP.HCM), đề thi có câu hỏi về Biển Đông đã nằm trong dự đoán của bạn và khá nhiều thí sinh khác. “Đề dễ nên chúng em chỉ cần khoảng 2/3 thời gian để làm bài”, thí sinh Như Tiên nói.

Chiều 3/6, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cũng đã tổ chức buổi họp báo thông báo tình hình ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dù có nhiều quy định mới được áp dụng trong kỳ thi này, nhưng Sở đã tập huấn cho cán bộ trong các hội đồng thi, phân công giám thị nhắc nhở, sắp xếp thí sinh đi đúng giờ, ổn định giữa 2 môn thi tự chọn trong cùng buổi thi. Đây cũng  là năm đầu tiên mà kết thúc hai ngày thi không có thí sinh và giám thị nào vi phạm quy chế, một điều đáng mừng đối với ngành giáo dục của TP.

Ở môn Toán, hệ THPT có 57.548 thí sinh đăng ký dự thi, số thí sinh có mặt là 57.489. Ở hệ GDTX, con số vắng ở môn thi bắt buộc này là 250. Theo ông Đạt, sở dĩ khối GDTX vắng nhiều vì các em được quyền bảo lưu kết quả thi năm ngoái.

Tại buổi thi môn Hoá, hệ THPT có 33.303 thí sinh đăng ký và 33.265 thí sinh có mặt dự thi, vắng 38. Hệ GDTX có 5735 thí sinh dự thi, vắng 235 thí sinh.

Môn Địa lý, hệ THPT có 8064 thí sinh dự, vắng 9 thí sinh. Hệ GDTX có 2651 thí sinh dự thi, vắng 88 em. Môn Địa lý là một trong những môn thi có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất nên TPHCM có một số hội đồng thi có rất ít thí sinh dự thi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức - Hồng Phú - Thiện An ([Tên nguồn])
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN