Chàng trai mê Lịch Sử tới “cuồng dại”: Chuyện khởi nguồn từ một nỗi xấu hổ

“Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được mà cày ruộng nào cũng được”, là thông điệp mà Sơn Hùng gửi tới độc giả.

Chàng trai mê Lịch Sử tới “cuồng dại”: Chuyện khởi nguồn từ một nỗi xấu hổ - 1

 Câu chuyện về Sơn Hùng được lan truyền nhanh chóng

Vừa qua, trên mạng xã hội truyền tai nhau câu chuyện nam nhân viên kinh doanh yêu những cuốn sách Lịch Sử tới “mê mẩn”, sẵn sàng làm gia sư môn Lịch Sử cho học sinh các bậc học với giá “siêu rẻ”. Câu chuyện ấy thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng Bùi Thái Sơn Hùng – nam nhân viên nói trên.

Mấy ngày gần đây, mọi người truyền tai nhau câu chuyện nam nhân viên kinh doanh “mê mẩn” với môn Sử, bạn có thể cho biết vì sao bản thân lại thích bộ môn này tới thế?

Có lẽ, ít ai có thể tin rằng một nhân viên kinh doanh lại đam mê yêu thích Lịch Sử tới cuồng dại. Mọi thứ đều có căn nguyên của nó và với mình nó là từ một sự xấu hổ... Hồi mình học lớp 8, mình coi việc học môn Sử như là một cực hình vì thế với môn học này trong đầu “chẳng có lấy một chữ nào”.

Đến một ngày tháng 8, một cô bé hàng xóm của mình từ Đức về chơi, nó bắt mình dẫn đi khắp các di tích: Từ chùa Thầy, chùa Tây Phương rồi Văn Miếu- Y Miếu và di tích Võ Miếu và hỏi mình nhiều điều về lịch sử của các di tích ấy trong khi mình chả biết gì cả.

Vậy là cô gái hàng xóm ấy liền bảo: “Cậu được học ở trong nước mà không biết chút gì về lịch sử nước nhà?”. Câu nói ấy khiến mình thấy xấu hổ và mất mặt quá. Từ đó, mình lao vào học tập, tìm hiểu kiến thức lịch sử từ sách giáo khoa, sách tham khảo, được sự giảng dạy của những thầy cô có phương pháp hay, dần dần mình có được cảm hứng và sự yêu thích và đam mê cho đến tận bây giờ.

Bạn có suy nghĩ gì khi Lịch Sử là môn học đang bị các học sinh “đối xử lạnh lùng nhất là trong kì thi THPT quốc gia sắp tới?”

Để trả lời câu hỏi này của bạn , mình xin đưa ra một câu hỏi khác: “Nếu trở lại tham gia kỳ thi quốc gia và trong các môn tự chọn có Lịch Sử, bạn có chọn môn này không?”. Câu trả lời của mình là “không”. Bởi sự lựa chọn môn thi trong một kỳ thi quan trong bậc nhất đời người không nói lên sự yêu ghét nhất là khi các môn Sử- Địa với những câu hỏi tự luận dài dòng còn những đề Hóa - Lý theo hình thức trắc nghiệm mà mỗi học sinh chỉ cần có kiến thức cơ bản cũng dễ dàng được 8-9 điểm thì sự lựa chọn trên là hợp lý thôi.

Gần đây mình cũng thấy nhiều giáo viên than về việc học sinh kỳ thị môn Lịch Sử…đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, thứ nhất: Phần lớn học sinh bây giờ học để thi, về thi cử, học Sử bây giờ cũng chỉ thi được khối C, số trường eo hẹp mà với mức điểm để bước vào đại học lại khá cao.

Thứ hai: Nội dung trình bày kiến thức Lịch Sử trong sách giáo khoa quá nhàm chán, bị cắt xén quá nhiều so với thực tế. 

Ví như cả một giai đoạn đẹp như tranh vẽ và sôi động như chiến tranh Nam Bắc triều với một vị vua Mạc Thái Tổ nuôi chí xây dựng đất nước phồn vinh, một Mạc Kính Điển trụ cột gồng gánh nhà Mạc an dân, cha con Nguyễn Kính tận tụy phục vụ 5 đời vua Mạc cho đến thời Trịnh – Nguyễn, công lao trung hưng của Trịnh Tùng, phát triển quốc gia của Trịnh Căn hay mở mang bờ cõi của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát... đều bị lược bỏ và chỉ thay bằng tội trạng: “Tranh quyền đoạt vị gây đau thương cho đất nước, hoàn toàn bỏ ngang công lao đem về hơn một nửa giang sơn của 9 đời chúa Nguyễn...”. Điều đó khiến môn Sử trở nên kém hấp dẫn, đơn điệu và quá ư nhàm chán.

Chàng trai mê Lịch Sử tới “cuồng dại”: Chuyện khởi nguồn từ một nỗi xấu hổ - 2

  Bùi Thái Sơn Hùng - nhân viên kinh doanh yêu Lịch sử tới "mê mẩn" (Người đứng bên trái ảnh)

Theo bạn, để khiến học sinh say mê hơn với môn Sử chúng ta cần làm gì?

Đây là một bài toán rất khó, nó đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ của tất cả mọi người.

Thứ nhất: Cải tổ kỳ thi, không chỉ tạo ra đầu ra rộng mở hơn cho khối C, cho môn Sử, mà cải biên đề thi để đề không chỉ tập trung giai đoạn 1930-1975 nữa mà hãy làm theo tổng quan của tất cả giai đoạn lịch sử theo hình thức tổng hợp phân tích tư duy.

Thứ hai: Cải tổ phương pháp dạy thay vì cái kiểu thầy đọc trò chép, nên chuyển sang hình thức thảo luận và tranh biện. Bản thân mình đã áp dụng phương pháp này cho học trò của mình và đem lại hiệu quả bất ngờ.

Là một nam nhân viên kinh doanh tại sao bạn lại thích làm gia sư môn Sử?

Mình có  mấy lý do: thứ nhất là để bản thân bớt rảnh rỗi. Kế đến là ai cũng muốn có thể gặp được những người cùng mối quan tâm, mình đi dạy để có thể biết đâu lại gặp được ai đó thích Lịch Sử nhưng chưa có phương pháp thì mình có thể chia sẻ để học hiệu quả hơn. Từ đó, học sinh có góc nhìn khách quan và tư duy logic với các sự kiện.

Bạn có thể chia sẻ một chút về công việc hiện nay?

Hiện tại mình làm nhân viên kinh doanh tại Alphabooks. Ở Alphabooks, có một dòng sách: Alpha Omega, dòng sách về những vấn đề tinh hoa của dân tộc và nhân loại, trong đó Sử học là cả một phần quan trọng. 

Nếu không có kiến thức nền tảng về sử học, triết học thì quả là khó để làm việc với dòng sách này và đó không phải vấn đề với mình nên mình hiện thấy đây là công việc mình hiện cảm thấy hài lòng dù mình cũng có tham vọng có công việc được sử dụng kiến thức từ lịch sử nhiều hơn.

Câu cuối mà tôi muốn nói với các bạn đó cũng là câu nói của người đã tạo tác cho các bạn vở kịch Vũ Như Tô hay Đêm hội Long Trì, rất mong các bạn  có thể nhớ và thay đổi :

“Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được mà cày ruộng nào cũng được”.

Xin cảm ơn sự chia sẻ từ bạn!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN