Cấm tuyển sinh lớp 6: Trường tư "phẫn nộ" vì bị kìm kẹp

Nếu như hiệu trưởng một số trường công lập có uy tín trên địa bàn Hà Nội như ngồi trên đống lửa trước lệnh cấm tuyển sinh vào lớp 6 thì một số trường tư cũng rơi vào cảnh sốt ruột chả kém.

Nếu như hiệu trưởng một số trường công lập có uy tín trên địa bàn Hà Nội như ngồi trên đống lửa trước lệnh cấm tuyển sinh vào lớp 6 thì một số trường tư cũng rơi vào cảnh sốt ruột chả kém.

Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện có 2 loại hình: công và tư. Nếu không thi tuyển mà chỉ xét tuyển theo tuyến thì trường tư lâu dần sẽ chết vì hệ thống cào bằng.

Cấm tuyển sinh lớp 6: Trường tư "phẫn nộ" vì bị kìm kẹp - 1

 Nếu không thi tuyển mà chỉ xét tuyển theo tuyến thì trường tư sẽ chết dần

Đại diện hệ thống trường dân lập thuộc một tập đoàn lớn cho biết, bản thân trường cũng đang loay hoay không biết thực hiện quy định của Bộ GD & ĐT như thế nào. Bởi theo tiền lệ, trường không tổ chức thi tuyển kiến thức nhưng vẫn có những bài test do trường biên soạn để kiểm tra đầu vào của học sinh. Nếu áp theo quy định này thì buộc lòng thông lệ này phải hủy bỏ. Như vậy, không biết căn cứ vào đâu để xếp lớp cho các con.

Chung quan điểm này, GS Văn Như Cương cho rằng, nhà nước khuyến khích tư nhân và các tổ chức mở trường tư thục với nhiệm vụ không phải là để góp phần vào việc “phổ cập giáo dục” mà là để xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo trong giáo dục. Vì thế, nhà nước không ép buộc bất kì ai phải học trường tư thục. Nếu họ không muốn học ở các trường tư thục thì nhà nước phải có chỗ cho họ học ở trường công lập.

Theo đó, các trường tư thục được phép tuyển sinh trên địa bàn rộng rãi không hạn chế, trong lúc các trường công lập tuyển sinh theo tuyến (phường, quận, huyện…) GS Văn Như Cương cho rằng “điều đó là đúng đắn, vì nếu bắt các trường tư thục tuyển sinh theo tuyến thì chắc chắn là không ai dám mở trường tư thục (do không có học sinh, vì rất ít học sinh muốn học trường tư thục).

Trên thực tế, các trường tư  sống được là nhờ có thế mạnh riêng, ngoài sức mạnh nội lực "cơ sở vật chất, giáo viên giỏi..." thì việc tuyển chọn học sinh đầu vào có chất lượng để đào tạo là cực kỳ quan trọng. Vì thế số lượng học sinh đăng ký vào học lớn hơn số được tuyển là lẽ đương nhiên.

Trong trường hợp này, GS Cương cho rằng: Đối với bài toán “muốn chọn ra một số người có đủ tiêu chí nào đó trong một số đông người hơn” thì phải tạo ra một cái “sàng” để sàng lọc…Tùy trường hợp cụ thể cái sàng đó có thể là: Thi tuyển, khảo sát, kiểm tra, phỏng vấn, bốc thăm, xếp hàng, số đo các vòng, chiều cao…

Ấy thế nhưng, trước quyết định “xét tuyển” của Bộ rồi của Sở GD & ĐT Hà Nội khiến các trường tư thục rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng.

Một lãnh đạo trường tư thục tại Khu đô thị Mỹ Đình cho rằng, muốn để giáo dục phát triển mạnh thì nên cởi trói cho các trường tự do tuyển sinh theo cách riêng.

Vị này phân tích thêm, về lâu dài việc đào tạo nên tư nhân hóa vì chỉ có tư nhân mới tạo ra một hệ thống giáo dục mạnh được nhờ có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và giáo viên ... Còn Bộ GD&ĐT chỉ nên làm công tác quản lý, giám sát... định hướng cho các trường mà thôi.

Rõ ràng khi đó giữa các trường tư thục sẽ có cuộc cạnh tranh khốc liệt về chất lượng giảng dạy, về đầu tư cơ sở hạ tầng. Lúc đó, chính học sinh sẽ là người hưởng lợi nhất. Phụ huynh cũng cảm thấy họ cũng như con em họ được đối xử công bằng, họ bỏ tiền ra cho con ăn học mà không cảm thấy “ấm ức”.

Câu chuyện “cấm thi vào lớp 6” với nhiều dư chấn vẫn chưa có hồi kết. Trong khi một số bậc phụ huynh hoang mang thì những trường trong “đối tượng” buộc phải thực thi cũng không kém phần lúng túng. 

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo dục phải làm sao để con người được tự do sáng tạo, được phát huy hết khả năng nhưng với những quyết định “trên trời” của Bộ GD & ĐT khiến người ta dễ liên tưởng đến sự  cùm kẹp bộ óc của con người hơn là khơi gợi sự sáng tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Châu Anh (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN