Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc cho học sinh được nghỉ Đông

Tại buổi họp báo chiều 4/9, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT không máy móc về thời gian nghỉ hè của học sinh, sinh viên.

Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc cho học sinh được nghỉ Đông - 1

Toàn cảnh buổi Họp báo Khai giảng năm học mới 2016- 2017

Trước câu hỏi, tại sao một số nơi nghỉ hè đủ 3 tháng, nhưng một số nơi lại cho học sinh tựu trường sớm, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT không máy móc thời gian nghỉ hè của học sinh.

“Bộ không bắt buộc tuần này học sinh làm gì, tháng này học sinh làm gì mà các địa phương phân bổ hợp lý. Bộ có hướng dẫn cụ thể để các cháu có thời gian nghỉ hè cho đúng”,  ông Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, không nhất thiết, học sinh phải nghỉ 3 tháng hè thậm chí có thể tăng thời gian nghỉ để học sinh vừa nghỉ hè vừa nghỉ đông. Nghỉ hè có thể 3 tháng nhưng cũng có thể ít hơn sao cho đảm bảo thời gian nghỉ cho các cháu, thậm chí, có thể cho các cháu nghỉ đông.

Người đứng đầu Bộ GD-ĐT lý giải, mùa đông rét mướt, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. Do đó, sắp tới Bộ GD sẽ cân nhắc cho học sinh nghỉ Đông.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở Giáo dục báo cáo với Bộ Giáo dục để xin ý kiến kéo dài thời gian nghỉ hè 3 tháng cho học sinh. Bộ GD-ĐT cho biết, việc này thuộc quyết định của địa phương. Người dân và các thầy cô đều rất ủng hộ việc Đà Nẵng cho học sinh nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương, học sinh đã phải đi học từ đầu tháng 8. Điều này, gây bức xúc trong dư luận.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ về việc dạy thêm, học thêm hiện nay.

Theo ông,  muốn giảm dạy thêm, học thêm phải có lộ trình, trong đó có cả chỉnh sửa chương trình thi cử và chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa.

“Bây giờ đổi mới SGK là muộn rồi đấy, nhưng muộn mà chắc, vì để đổi mới SGK cần có chương trình tổng thế. Đổi mới SGK chúng tôi xác định là chậm nhưng có lí do và chậm để bền vững.

Chúng tôi cũng có sự chuẩn bị vì việc làm SGK phải kết hợp được đổi mới nâng cao chất lượng giáo viên đóng góp quá trình làm SGK, chứ không chỉ dựa vào một nhóm chuyên gia. Làm SGK phải công khai minh bạch, công khai, đúng thiết kế để tránh độ trễ.

“Với trên dưới 1 triệu giáo viên tại sao chúng ta không chọn được người giỏi. Chúng tôi cần có sự tham gia sâu và trực tiếp giữa người triển khai chương trình dạy với làm SGK. Tại thời điểm này, cần triển khai một cách chắc chắn theo hướng tiếp cận mới. Tôi tin khi có chương trình tổng thể môn học rồi thì việc làm SGK rất nhanh và trong lúc chờ, tôi đã chỉ đạo tiếp tục cắt giảm chương trình trong SGK ở các nội dung trùng lặp để tránh quá tải…", ông Nha cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN