Bỏ công chức, viên chức với giáo viên: Lo ngại hiệu trưởng như “vua một cõi”?

Sự kiện: Giáo dục

“Khi xóa bỏ công chức, viên chức thì hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất. Như vậy “quyền lực” sẽ tập trung vào tay hiệu trưởng. Hiệu trưởng chẳng khác nào “vua một cõi” nắm mọi quyền hành trong tay”, một giáo viên cho hay.

Vừa qua, ngày 12/5, tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định với cán bộ quản lý sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và cán bộ quản lý ngành giáo dục TP. Quy Nhơn trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, Bộ sẽ triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.

Thông tin này khiến rất nhiều giáo viên lo lắng, nhất là giáo viên trong hệ thống các trường công lập. Bởi lẽ, việc thay công chức, viên chức bằng các hợp đồng “có vào – có ra” nếu không có các chế tài minh bạch thì hiệu trưởng sẽ thành “vị vua một cõi”, tha hồ tuyển dụng.

Thời gian vừa qua nhiều giáo viên hợp đồng đã bị cho nghỉ việc không rõ nguyên nhân.

Bỏ công chức, viên chức với giáo viên: Lo ngại hiệu trưởng như “vua một cõi”? - 1

Bỏ công chức, viên chức với giáo viên: Lo ngại hiệu trưởng như “vua một cõi"

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng một giáo viên tiểu học tại TP.HCM. Giáo viên này cho hay: “Khi xóa bỏ công chức, viên chức thì hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất trong nhà trường. Mọi vấn đề từ lớn đến nhỏ sẽ do hiệu trưởng quyết định.

Đương nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc “quyền lực” sẽ tập trung vào tay hiệu trưởng. Hiệu trưởng chẳng khác nào “vua một cõi” nắm mọi quyền hành trong tay.

Hiện nay, người đứng đầu nhà trường vừa là bí thư vừa là hiệu trưởng nên mọi quyết định đều phải thông qua hiệu trưởng, tình trạng này đã khiến quyền hành của hiệu trưởng rất to.

Nếu ai là giáo viên chắc hẳn quá rõ tình trạng: Trong các buổi họp, tình trạng trên nói dưới gật, trên chỉ đạo dưới đồng loạt thực hiện bất kể đúng sai xảy ra khá nhiều. Những người dám lên tiếng, thường xuyên đóng góp ý kiến, mạnh dạn đấu tranh trở thành “hiện tượng lạ”, cá biệt bị tập thể “tẩy chay”, xa lánh.

Nếu giáo viên mạnh dạn góp ý sẽ bị “quan tâm săn sóc” một cách đặc biệt theo kiểu “đì” cho “lên bờ xuống ruộng”. Nhiều phen như thế, người thầy tự rút kinh nghiệm, cam chịu chọn giải pháp im lặng cho yên thân. Nhiều trường hợp trở thành một “ốc đảo” khép kín về thông tin lẫn tư duy phản biện.

Một bộ phận khác không chịu cúi đầu trước cái sai thì “bị hành” cho đến mức tê liệt và phải chọn một trong hai con đường ở lại thì nghe lời hoặc chuyển trường”.

Giáo viên này cũng chia sẻ thêm: “Ngoài ra, hiệu trưởng là người sẽ xếp loại công chức cuối năm, việc phê vào hồ sơ công chức của giáo viên cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của giáo viên.

Chính vì thế, chẳng có giáo viên nào lại dám chống lệnh hiệu trưởng để chuốc lấy những bất lợi về mình. Do đó, giáo viên thường: “muốn bình yên để lo cho gia đình, đấu tranh thì được gì để mang họa vào thân. Điều đó, đương nhiên khiến trường học trở thành một “quốc gia” thu nhỏ” có những chế tài riêng, kìm hãm sự phát triển của giáo dục.

Đó là chưa kể nếu trao quyền cho hiệu trưởng thì những giáo viên thường xuyên góp ý, có những đóng góp trái chiều đều có nguy cơ bị “cắt hợp đồng” bất cứ lúc nào vì những lí do mà bản thân giáo viên cũng không lường trước được.

Tình trạng độc đoán, chuyên quyền đã và đang được các hiệu trưởng áp dụng một cách triệt để trong nhà trường vì bản thân hiệu trưởng cũng muốn bảo vệ “chiếc ghế” của họ nên mọi ý kiến trái chiều đều được xem là nguyên nhân để “lật đổ”.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc và lấy ý kiến của rộng rãi dư luận trước khi áp dụng thí điểm. Bởi vì những báo cáo “đẹp” từ ban giám hiệu đều chưa thực sự đúng như những gì đang diễn ra tại cơ sở”.

Trái ngược với ý kiến trên, một vị hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho hay: "Đúng là vấn đề thí điểm bỏ công chức, viên chức thay vào đó là chế độ hợp đồng "có vào - có ra" cần tính toán một cách kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên trong quá trình công tác.

Hơn thế nữa, trước khi đưa vào thí điểm chúng ta cũng cần đưa ra những quy định chặt chẽ và minh bạch về cơ quan giám sát chế độ hợp đồng ra- vào ra sao, cho giáo viên quyền giám sát thậm chí tố cáo nếu cấp trên làm sai để đảm bảo công bằng.

Còn vấn đề nhiều người cho rằng chuyển sang chế độ hợp đồng hiệu trưởng chúng tôi sẽ lạm quyền nảy sinh tiêu cực thì chưa hẳn. Khi chúng ta đã xây dựng quy định rõ ràng, có người giám sát thì hiệu trưởng nào lách được luật? Có quy định rồi, mọi thứ cứ theo quy định mà làm. Nếu hiệu trưởng lạm quyền hay lách luật thì giáo viên có quyền tố cáo cơ mà?".

10 sai lầm nghiêm trọng mà giáo viên dễ mắc phải

Dưới đây là 10 sai lầm nghiêm trọng nhưng thường gặp nhất ở các giáo viên, có thể làm giảm hiệu quả giảng dạy và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN