Bỏ công chức, viên chức: Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp?

Sự kiện: Giáo dục

"Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp, có quyền tuyển người và bố trí người của mình để thực hiện những chiến lược của trường, tạo ra thương hiệu riêng của trường mình", TS.Nguyễn Khánh Trung cho hay.

Vừa qua tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, Bộ sẽ triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng.

Nhiều giáo viên băn khoăn, thay biên chế bằng chế độ hợp đồng liệu có nâng cao chất lượng? Có lo sợ hiệu trưởng lạm quyền?

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS.Nguyễn Khánh Trung, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành xã hội học giáo dục tại Đại học Toulouse 2 (Đại học Jean Jaures, Pháp), hiện đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED. 

Bỏ công chức, viên chức: Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp? - 1

TS.Nguyễn Khánh Trung - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED (ảnh: NVCC)

Thưa TS, vừa qua Bộ GD&ĐT thông tin, sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức và thay bằng chế độ hợp đồng với giáo viên. Xin TS cho biết quan điểm của mình về vấn đề này ?

TS.Nguyễn Khánh Trung - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED: Chúng ta thấy, nông nghiệp Việt Nam hiện nay phát triển hơn so với thời hợp tác xã là nhờ "khoán mười". Kinh tế hiện nay phát triển hơn nhờ đi theo mô hình kinh tế thị trường, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế tham gia vào thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm, nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, tạo ra sự cạnh tranh.

Trong giáo dục cũng vậy. Muốn thúc đẩy sự phát triển thì hãy áp dụng "cơ chế thị trường". Ở đây, xin đừng nhầm với chuyện thương mại hóa giáo dục mà chỉ là tạo ra sự đa dạng, cho người dân có quyền chọn lựa.

Theo quan điểm của tôi, Bộ GD&ĐT hãy buông bớt và để cho các thành phần khác nhau trong xã hội tham gia vào giáo dục, tạo ra nhiều "sản phẩm", nhiều sự lựa chọn cho người dân.

Nếu nền kinh tế thị trường điều tiết dựa trên giá cả thì trong giáo dục sự điều tiết sẽ dựa trên sự lựa chọn của người dân. Trường nào đáp ứng nhu cầu, chất lượng được đảm bảo, thì người dân sẽ chọn.

Cũng có nghĩa là trường nào hay, chất lượng, thực lòng phục vụ học sinh và phụ huynh thì trường đó sẽ phát triển. Ngược lại trường nào chất lượng chưa tốt, không chịu đổi mới thì sẽ phải đóng cửa vì không còn học sinh. 

Tôi nghĩ, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT trước hết là giúp dân, cung cấp cho dân những thông tin minh bạch, khách quan về các trường để người dân có thể chọn lựa tốt nhất. Như vậy là Bộ GD&ĐT đã góp phần đảm bảo quyền học tập của trẻ và quyền lựa chọn của các công dân.

Làm được như vậy, tôi tin chất lượng giáo dục cũng sẽ theo đó mà nâng cao hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phải phân quyền và phân trách nhiệm cho hiệu trưởng.

Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp, có quyền tuyển người và bố trí người của mình để thực hiện những chiến lược của trường, tạo ra thương hiệu riêng của trường mình.

Khi như vậy, hiệu trưởng phải ra sức tìm kiếm các giáo viên có chất lượng, phải tìm cách tăng thu nhập cho giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi để giữ chân họ. Ngược lại, những giáo viên kém sẽ bị sa thải nên buộc các giáo viên cũng phải phấn đấu và nỗ lực.

Nếu phân quyền cho hiệu trưởng, nhiều giáo viên lo lắng hiệu trưởng sẽ lạm quyền như "vua một cõi". TS suy nghĩ gì về điều này?

Điều đó không đáng ngại. Khi chuyển sang chế độ hợp đồng đương nhiên chúng ta phải có những quy định đảm bảo các quyền lợi và quyền hạn của người giáo viên một cách phù hợp với tư cách là người lao động và phù hợp với tính chất của những người làm nghề "kỹ sư tâm hồn". Giáo viên cũng có quyền chọn hay không chọn một ngôi trường nào đó để làm việc. 

Khi đã như vậy thì cũng không lo chuyện hiệu trưởng trù dập người tài, không còn chuyện chạy chọt và những điều mà một số người lo ngại đã đặt ra. Hãy quan sát các doanh nghiệp tư nhân thì sẽ thấy điều này. Sẽ không có chủ doanh nghiệp nào lại trù dập những người tài, những người mà sự có mặt của họ góp phần làm nên danh tiếng cho công ty của mình cả.

Ngược lại, chính những "quy định chết" đối với những người đã được "biên chế" mới tạo ra các tiêu cực và sức ỳ như lâu nay vẫn thấy trong giáo dục.

Được biết, TS có một thời gian dài nghiên cứu ở Pháp. Vậy ở đất nước này, họ đã làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục, thưa TS?

Nước Pháp trước đây cũng giống như nền giáo dục của Việt Nam hiện nay: Quyền quản lý nằm trên trung ương. Nhưng nay họ nhận thấy nếu không thay đổi sẽ khiến giáo dục không thể phát triển. Vì thế,  họ đã và đang cải cách theo hướng phân quyền cho các địa phương và các trường, tăng quyền chọn lựa cho người dân để tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển.

Trước đây học sinh định cư ở đâu buộc phải học ở đó nhưng nay, các phụ huynh có thể chọn cho con mình một ngôi trường khác, thậm chí là các trường tư. Nhà nước cũng sẽ theo sự lựa chọn đó của người dân và đầu tư tiền bạc cho học sinh.

Họ làm như vậy để chống lại sức ỳ, tạo ra sự cạnh tranh và nhờ vậy mới làm cho nền giáo dục hăng hái lên, thúc đẩy sự phát triển. Đây là một bài học hay cho giáo dục Việt Nam hiện tại.

Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện này!

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

Bỏ công chức, viên chức với giáo viên: Lo ngại hiệu trưởng như “vua một cõi”?

“Khi xóa bỏ công chức, viên chức thì hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất. Như vậy “quyền lực” sẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN