Bỏ chấm điểm HS: Không lạm dụng con dấu thay lời phê tay

Đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét là xu thế tiến bộ trong giáo dục tiểu học, nước ngoài đã áp dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giáo viên cũng phải linh hoạt, không nên quá “lạm dụng” con dấu gây sự nhàm chán cho học sinh.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư quy định việc bỏ chấm điểm đối với học sinh cấp 1, thay bằng lời nhận xét. Ngay sau khi áp dụng, nhiều giáo viên phản ánh, công việc của mình nhiều lên.

Để giảm tải khối lượng công việc, các giáo viên đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, trong đó có việc sử dụng những con dấu in sẵn để nhận xét vào bài của học sinh. Với cách làm này đã có nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Bỏ chấm điểm HS: Không lạm dụng con dấu thay lời phê tay - 1

Những con dấu được nhiều giáo viên sử dụng để giảm tải công việc

Con dấu không thể thay thế lời nhận xét

Bà Nguyễn Thị Mai (hiệu trưởng Trường tiểu học huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhận định, việc giáo viên sử dụng con dấu để nhận xét học sinh như vậy là chung chung, cứng nhắc và khuôn mẫu.

Theo bà Mai, con dấu không thể thay thế lời phê. Giáo viên phải dành thời gian, tâm huyết của mình vào từng lời phê thì lời phê ấy mới có tác dụng giáo dục, động viên học sinh.

Bà Mai lý giải, sử dụng con dấu chưa cụ thể với học sinh vì con dấu là cái khuôn đúc sẵn. Những lời nhận xét khắc trên dấu chỉ dựa trên những lỗi thường xảy ra với học sinh. Tuy nhiên thực tế bản thân mỗi học sinh tiếp thu kiến thức, năng lực học tập khác nhau nếu chỉ nhận xét chung chung như vậy không đánh giá hết năng lực của từng học sinh. Cho nên việc chỉ ra đúng ưu, nhược điểm cụ thể của mỗi học sinh là việc con dấu in sẵn không bao giờ làm được.

 “Khi thay đổi cách nhận xét này, giáo viên cũng phản ánh công việc vất vả hơn nhưng tôi yêu cầu giáo viên phải nhận xét bằng lời với từng học sinh và sẽ không được sử dụng con dấu thay cho lời nhận xét”, bà Mai chia sẻ.

Đánh giá về việc sử dụng con dấu thay cho nhận xét mà nhiều giáo viên đang sử dụng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp - giảng viên khoa tiểu học trường ĐHSP Hà Nội cho hay, sử dụng con dấu để nhận xét học sinh sẽ tiết kiệm được thời gian, áp lực công việc cho giáo viên; học sinh nhiều khi cũng vui khi được khen, nhận được hình ngộ nghĩnh...

“Tuy nhiên, việc sử dụng con dấu để nhận xét giáo viên khó định hướng được cho học sinh cách khắc phục lỗi một cách chi tiết và cụ thể. Hơn nữa về mặt cảm xúc giáo viên khó thể hiện cảm xúc bằng lời với học sinh một cách chân tình. Từ đó học sinh không hiểu rõ bản thân mình đạt được kết quả gì, mình sai chỗ nào, vì sao”, Tiến sĩ Hợp nói.

“Đánh giá bằng nhận xét là xu thế tiến bộ trong giáo dục tiểu học, trên thế giới người ta làm lâu rồi. Vấn đề là vận dụng vào Việt Nam thế nào cho hiệu quả mà thôi. Nay Bộ đã cho phép giáo viên tiểu học sử dụng con dấu để nhận xét học sinh nhưng giáo viên "không nên lạm dụng", PGS.TS Hợp nhận xét.

Không nên nhận định sớm

Trái với những ý kiến trên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học Trường ĐHSP Hà Nội ủng hộ sáng kiến sử dụng con dấu để nhận xét học sinh.

T.S Hương giải thích, sử dụng con dấu để đánh giá học sinh làm hết bài bằng các hình thức như bông hoa, mặt cười, ... cái đó rất tốt với học sinh vì qua hình ảnh, học sinh thấy được sự động viên, khích lệ, điểm số không còn áp lực cho các con nữa. Tuy nhiên những học sinh làm chưa tốt thì cô phải ghi rõ ra là “ con chưa làm tốt phần nào, chỗ nào con cần phải sửa”, hoặc cô nói thẳng ở trên lớp để học sinh biết.

T.S Hương cho rằng phụ huynh đừng nghĩ việc nhận xét bằng con dấu là giáo viên không tâm huyết với học sinh hay là sự đối phó. Bởi ngay khi giáo viên đặt đóng những con dấu đó thì họ đã đầu tư suy nghĩ về lời nhận xét khắc trên con dấu rồi,  khi “cộp dấu” như vậy họ cũng gửi những lưu ý ở đó. Ví dụ giáo viên gọi điểm 10 tương ứng với con dấu hình “bông hoa”, “ mặt cười”, “cô khen”. Đó là những kí hiệu riêng, có nhiều mức độ khác nhau. Như vậy, giáo viên đã có sự đầu tư vào lời phê.

T.S Hương nói thêm: Thay chấm điểm bằng nhận xét mới thực hiện được gần tháng, vì mới nên giáo viên triển khai còn lúng túng, chưa có những sáng tạo trong những lời nhận xét hay. Họ cần thời gian để quen với việc thay đổi này. Phụ huynh cần kiên nhẫn và đừng phỏng đoán những gì con mang về vì có thể ở trên lớp cô cũng nhận xét bằng lời rồi và cái “cộp dấu” phụ huynh nhìn thấy chỉ là kết quả cuối giờ học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hồng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN