Bí kíp để được miễn 50.000 USD học phí tại Mỹ của chàng sinh viên gốc Á

Sự kiện: Giáo dục

“Cho dù nhận được thông báo khước từ hỗ trợ học phí nhưng bạn cũng đừng vội nản lòng mà hãy thử 1 cách khác”, đó là kinh nghiệm Freddy Chang, chàng sinh viên gốc Á tại Đại học Pennsylvania (UPenn) rút ra được từ câu chuyện của mình.

Bí kíp để được miễn 50.000 USD học phí tại Mỹ của chàng sinh viên gốc Á - 1

Năm 2014, Freddy Chang trúng tuyển chuyên ngành tài chính và nghiên cứu quốc tế tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Nhưng sự vui mừng đã nhanh chóng chuyển sang nỗi thất vọng khi anh đọc bức thư gửi kèm, cho thấy mình không đủ điều kiện để đươc miễn giảm học phí.

“Tôi biết rằng gia đình mình khó có thể chi trả toàn bộ 69.000 USD chi phí đi học”, Chang nói. “Trái tim tôi vỡ vụn khi nhìn thấy tờ giấy quyết định”.

Trong năm học 2016-2017, học phí tại Đại học Pennsylvania là 51.464 USD, chưa kể nhà ở, ăn uống và các khoản linh tinh khác khoảng 18.000 USD. Freddy Chang từng gần như phải bỏ học vì lý do tài chính.

Không biết phải làm gì tiếp theo, Chang đã tìm sự giúp đỡ của NextGenVest, một công ty khởi nghiệp ở New York chuyên hỗ trợ sinh viên trong quá trình yêu cầu hỗ trợ và cho vay tài chính.

Theo quy định, mỗi sinh viên khi có quyết định nhập học đều có thể gửi xét duyệt Đơn xin trợ cấp Tài chính miễn phí (Free Application for Federal Student Aid - FAFSA). Nhưng cái cách xin sự chấp nhận từ một trường đại học và sau đó tìm kiếm hỗ trợ từ chính phủ, thật sự sẽ rất khó khăn và cho dù được cấp tiền thì cũng mất không ít công sức.

Trong trường hợp của Chang, dù đã bị từ chối nhưng NextGenVes khuyên anh viết tiếp một bức thư thuyết phục kèm biểu mẫu thuế và đề xuất bổ sung - một lựa chọn mà Chang không biết là có thể, gửi tới thẳng Hội đồng UPenn, trước khi nộp FAFSA.

Kết quả, UPenn đã thay đổi quyết định và viện trợ cho Chang 49.000USD trong năm thứ nhất và năm thứ hai. “Tôi đã vô cùng sửng sốt với số tiền hỗ trợ mà mình nhận được sau khi họ nói rằng tôi không đủ điều kiện chỉ vì lời khẩn cầu của mình”, Chang vui mừng cho biết.

Đó là điều rất bất ngờ với Chang, nhất là khi trước đó anh chưa từng nghĩ đến việc nghe lời khuyên của các cố vấn giáo dục. Từ đó, anh đã đưa ra một số kinh nghiệm cho các sinh viên gặp phải tình huống tương tự:

“Bạn hãy viết một bức thư mong muốn giúp đỡ một cách khẩn khoản, trước hết thể hiện lòng biết ơn ngôi trường đã mở ra cho mình con đường học vấn sáng lạn, sau đó chứng minh làm thế nào bạn sẽ trở thành một sinh viên tốt và có hoài bão nhưng do khó khăn về tài chính khiến bạn có nguy cơ phải từ bỏ con đường của mình... Hãy đấu tranh cho trường hợp của mình bằng cách kể câu chuyện bạn đang gặp phải”.

Chang nhấn mạnh rằng một khi Hội đồng trường chấp nhận đơn của bạn nghĩa là bạn đang có hy vọng. “Chẳng có trường nào muốn sinh viên của mình phải nghỉ học vì lý do tài chính, vì vậy tôi nghĩ rằng hầu hết họ sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể”, anh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh (Theo Business Insider) ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN