"Cô hầu gái" - làm phim kinh dị kiểu Tây

Bộ phim này không đi vào lối mòn của những phim kinh dị Việt với những cách "nhát ma" thông thường.

“Cô hầu gái” là phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn và cũng là sản phẩm tiếp theo đến từ những nhà sản xuất của bộ phim đạt kỷ lục doanh thu “Em là bà nội của anh”. Chọn thể loại phim kinh dị dễ hút khách, tuy nhiên Derek đã đưa đến một phong cách làm phim kinh dị rất “Tây”.

"Cô hầu gái" - làm phim kinh dị kiểu Tây - 1

Nói bộ phim “Cô hầu gái” là một bộ phim rất “Tây”, bởi ngay từ kết cấu câu chuyện, đạo diễn đã cho người xem một cái nhìn rất khác lạ. Lấy bối cảnh là xã hội Việt Nam trong những năm 50, dù chỉ gói gọn tại một khu đồn điền, nhưng những gì diễn ra trong đó đều rất khác lạ với mường tượng của khán giả về một thời chiến tranh. Ở đó hoàn toàn có thể xuất hiện một câu chuyện tình yêu đầy đam mê và cả thù hận – đó là điều đạo diễn Việt kiều muốn mang tới.

Bối cảnh chính của phim là căn biệt thự Pháp cổ, điều này vô hình chung đã tạo nên một không khí khá giống những phim kinh dị cổ điển Châu Âu. Tạo hình linh hồn của Madame Camille, vợ đại tá Sebastien cũng được xây dựng theo phong cách rất cổ điển như một nữ hoàng bóng đêm. Bên cạnh đó là những phân đoạn lãng mạn giữa nhân vật Linh và Sebastien cũng làm người xem liên tưởng đến một bộ phim tình cảm Pháp. Những chi tiết này, đôi lúc khiến khán giả quên bẵng đi rằng mình đang xem một câu chuyện xảy ra trong thời chiến tại Việt Nam.

"Cô hầu gái" - làm phim kinh dị kiểu Tây - 2

Ngoài ra, việc thêm vào phim những tình tiết như xác sống, sự thật về thân phận của Linh, cũng là một trong những dấu ấn của việc đạo diễn đã thổi làn gió Tây phương vào một câu chuyện Việt. Việc làm này sẽ khiến khán giả cảm thấy thú vị, giống như ăn một món ăn quen thuộc được nấu bằng công thức mới. Nhưng bên cạnh đó, sự kết hợp chưa nhuần nhuyễn, đôi chỗ đã trở thành hạt sạn và tạo cảm giác thiếu logic với khán giả.

Nổi bật nhất là vấn đề lời thoại tiếng Việt. Đạo diễn Derek Nguyễn vốn là không biết nhiều tiếng Việt do anh lớn lên từ nhỏ ở Mỹ, cho nên với lời thoại tiếng Anh anh đã làm rất tốt, chỉ có phần tiếng Việt là cho khán giả cảm giác đó là lời thoại được dịch từ tiếng Anh ra.

Một số câu thoại chỉ có thể hay khi nói bằng tiếng Anh, khi nói bằng tiếng Việt thì lại trở nên quá rườm rà và hoa mỹ, đây là điều tối kị bởi nó thiếu đi sự linh hoạt và mềm mại của tiếng Việt.

Dẫu vậy, “Cô hầu gái” vẫn là một minh chứng cho sự cố gắng của các đạo diễn Việt kiều khi đem những kiến thức cũng như kinh nghiệm nhà nghề của điện ảnh Tây phương vào bối cảnh của Việt Nam, kể những câu chuyện Việt Nam một cách mới hơn. Và quan trọng là trong bộ phim này, đạo diễn đã không đi vào lối mòn của những phim kinh dị Việt với những cách nhát ma thông thường.

"Cô hầu gái" - làm phim kinh dị kiểu Tây - 3

“Cô hầu gái” chính thức ra mắt khán giả Việt vào ngày 16/9/2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyệt Anh ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN