Bá Vương Biệt Cơ: Mối tình đồng tính và giấc mộng vàng son

Đây cũng là bộ phim duy nhất của Trung Quốc giành được giải thưởng Cành cọ vàng tại LHP Cannes.

Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay.

Năm 1993, lần đầu tiên một tác phẩm điện ảnh Trung Quốc xuất hiện trên bản đồ điện ảnh thế giới, với giải thưởng Cành cọ vàng cao quý. Cho đến nay Bá Vương Biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca vẫn là bộ phim Hoa Ngữ duy nhất từng đoạt giải thưởng cao quý này.

Bá Vương Biệt Cơ: Mối tình đồng tính và giấc mộng vàng son - 1

"Bá Vương Biệt Cơ" là bộ phim kinh điển của điện ảnh Hoa ngữ

Bá Vương Biệt Cơ không phải là một bộ phim dễ xem khi nó đề cập tới tình cảm đồng tính. Đây là sự táo bạo của đạo diễn Trần Khải Ca khi dám đề cập đến vấn đề này vào thời điểm những năm đầu thập niên 90 với bối cảnh Trung Quốc những năm 1930.

Tuy nhiên, những giám khảo ở Cannes lựa chọn Bá Vương Biệt Cơ không phải chỉ bởi tình yêu đồng tính. Mà còn là ở sự biến đổi không ngừng của xã hội Trung Quốc dưới những chế độ chính trị khác nhau.

Cơ duyên đưa Trần Khải Ca đến với Bá Vương Biệt Cơ là nhờ nữ diễn viên Đài Loan Từ Phong – người nắm vai trò sản xuất và giữ bản quyền cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lý Bích Hoa. Ban đầu, đạo diễn họ Trần lại tỏ ra khó chịu với cuốn tiểu thuyết này vì cho rằng cuốn sách có một góc nhìn nông cạn.

Sau một thời gian dài thuyết phục và thương thảo, Trần Khải Ca đã nhận dự án này, đồng thời viết lại gần như toàn bộ kịch bản. Ông không tập trung vào tình yêu đồng tính mà tập trung vào “một giấc mộng về quá khứ huy hoàng xưa cũ”.

Các vai chính trong phim được giao cho toàn những cái tên lớn thời điểm đấy như Trương Phong Nghị (vai Đoàn Tiểu Lâu), Củng Lợi (vai Diệu Linh), Cát Ưu (vai Viên đại nhân) và đặc biệt, linh hồn của bộ phim vai diễn Trình Điệp Y được giao cho diễn viên Hồng Kông Trương Quốc Vinh.

Bá Vương Biệt Cơ: Mối tình đồng tính và giấc mộng vàng son - 2

Trương Quốc Vinh được coi như linh hồn của bộ phim

Có thể nói, Bá Vương Biệt Cơ là một bộ phim phức tạp. Phim lấy bối cảnh kéo dài tới hơn 50 năm, xoay quanh mối quan hệ giữa hai người đàn ông Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh thủ vai) và người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị). Xuyên suốt cả bộ phim là sự phản bội mà đạo diễn Trần Khải Ca ám ảnh.

Bá Vương Biệt Cơ mở đầu bằng năm 1977 khi hai nhân vật Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu gặp lại nhau sau 11 năm xa cách và biểu diễn lại vở kinh kịch nổi tiếng Bá vương biệt cơ. Từ đó, cuộc đời của hai người được quay ngược thời gian với đủ mọi thăng trầm của lịch sử.

Trình Điệp Y là con của một gái lầu xanh được mẹ mang tới đoàn kịch vì không thể nuôi giấu được nữa. Ở đó, Trình Điệp Y bắt đầu một cuộc sống luyện tập tới mức tàn bạo cùng với những đứa trẻ mồ côi khác tại đoàn kịch.

Điệp Y lớn dần lên, bằng đòn roi của sư phụ và bằng cả sự quan tâm ấm áp của sư huynh Đoàn Tiểu Lâu. Vóc dáng nhỏ bé và gương mặt khả ái nên Điệp Y thường được giao cho những vai nữ trong vở kịch. Ban đầu Điệp Y phản kháng trong vô thức bằng việc liên tục hát sai thời thoại nhưng đến khi bị chính tay Tiểu Lâu đánh mà cũng chính là để bảo vệ Điệp Y, cậu đã chấp nhận từ bỏ bản ngã nam của mình.

Bá Vương Biệt Cơ: Mối tình đồng tính và giấc mộng vàng son - 3

Trình Điệp Y đắm chìm trong thứ tình cảm không nên có

Để rồi từ đó, Điệp Y và Tiểu Lâu trở thành hai ngôi sao sáng nhất của kinh kịch với vở Bá vương biệt cơ. Điệp Y gắn chặt cuộc đời với sư huynh của mình, sống trong giấc mộng của nàng Ngu Cơ luôn một lòng một dạ chung thủy với Sở Bá Vương, cho đến tận lúc chết.

Xoay quanh bộ phim là sự phản bội. Điệp Y phản bội lại bản ngã của mình, đến những năm cuối đời gặp lại Tiểu Lâu mới nhận ra bi kịch của mình là ở đó. Không phải là sự tráo trở của con người, không phải là sự phản bội của Tiểu Lâu, mà ở chính ngay từ buổi ban đầu hai người gặp nhau, Điệp Y đã không nên từ bỏ bản ngã của mình để sống trong giấc mộng của người khác.

“Sở Bá Vương” Đoàn Tiểu Lâu thực chất lại là một người đàn ông ham sống sợ chết, ích kỷ, hèn mọn. Chính Tiểu Lâu cũng không kịp thích nghi với sự thay đổi quá nhanh của lịch sử, khi vừa phút trước anh ta còn được tung hô trên sân khấu, được đối xử như một vị vua thực sự thì phút sau, tất cả mọi thứ đã quay lưng và vùi dập anh ta đến ê chề.

Bá Vương Biệt Cơ: Mối tình đồng tính và giấc mộng vàng son - 4

Cô gái lầu xanh Diệu Linh do Củng Lợi thủ vai

Một tuyến nhân vật nữa trong Bá Vương Biệt Cơ là vai diễn cô gái lầu xanh Diệu Linh, do Củng Lợi đảm nhận. Diệu Linh cũng yêu Đoàn Tiểu Lâu, bằng tình yêu tôn thờ và nể phục một người đàn ông sẵn sàng cứu mình bằng một đám cưới. Đối với Tiểu Lâu, đó chẳng qua là một câu nói bật ra trong lúc nguy khốn nhưng với Diệu Linh, đó lại là lời hứa cả đời. Vậy nên khi nhận ra, người đàn ông mình tôn thờ lại sẵn sàng chà đạp lên lời hứa đó, Diệu Linh đã chọn cái chết vì tuyệt vọng.

Cả ba nhân vật của Bá Vương Biệt Cơ đều phải đối mặt với sự phản bội đó. Một người đàn ông phản bội lại cả bản ngã của mình, cuối cùng nhận phải sự phản bội. Một người phụ nữ hết lòng với tình yêu rách nát, cuối cùng cũng nhận lấy sự phản bội. Và một người đàn ông, cả đời phải sống trong sự ân hận và hồ nghi trước sự thay đổi quá nhanh của xã hội và sự phản bội của lòng người.

Nhiều người nhận xét rằng, Bá Vương Biệt Cơ được xây dựng nên từ góc nhìn của Trần Khải Ca. Phải chăng chính đạo diễn họ Trần cũng bị ám ảnh bởi sự phản bội, với sự thay đổi quá nhanh của lịch sử và sự tráo trở của lòng người?

Bá Vương Biệt Cơ: Mối tình đồng tính và giấc mộng vàng son - 5

Bi kịch của phim là sự phản bội

Bối cảnh trong phim đi qua ba giai đoạn lịch sử của Trung Quốc. Từ những mầm mống cuối cùng còn sót lại của nhà Thanh, tới khi bị phát xít Nhật xâm lược, đánh đuổi quân Nhật và cuộc cách mạng Văn hóa. Những sự kiện lịch sử đó đủ để khán giả thấy, sự lật lọng tráo trở của những giá trị cũ, những ngọc ngà bị đem thiêu cháy thành tro và những con người từng sống trong cảnh vàng son, cuối cùng phải chịu cảnh ô nhục ê chề.

Tai ương của loài người vẫn vậy. Vẫn là cố chấp, cố chấp với thứ quá khứ vàng son, cố chấp với một người không yêu mình, cố chấp với một thời đại đã qua đi mất và cố chấp với cuộc sống không thuộc về mình. Đứng trên sàn diễn, đắm mình trong vở Bá vương biệt cơ, trở thành ái thê của nhà vua, thời khắc đó có phải thời khắc hạnh phúc nhất của Điệp Y không? Hay đó cũng chỉ là nằm mơ, một giấc mơ của người khác. Cả Sở Bá Vương lẫn Tiểu Lâu, vốn dĩ không bao giờ thuộc về mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yên Chi ([Tên nguồn])
200 bộ phim hay nhất mọi thời đại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN