Đi chợ Âm phủ xứ hoa Đà Lạt

Chỉ mở vào ban đêm và được đặt tên là Âm phủ nhưng khu chợ này không ảm đạm, rùng rợn mà ngược lại nó mang đến cho thực khách cảm giác nồng ấm giữa đêm mù sương lạnh giá.

Đi chợ Âm phủ xứ hoa Đà Lạt - 1

Gian hàng bán đồ len luôn đông khách

Kẻ sang người khó đều tìm đến

Không ai biết chính xác thời gian hình thành chợ Âm phủ, chỉ nhớ loáng thoáng chợ xuất hiện từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Cụ Nguyễn Văn Hường (phường 5, Đà Lạt) kể: “Hồi đó, khu vực này chưa có đèn đường. Mỗi gánh hàng được thắp sáng bằng ngọn đèn hột vịt leo lét. Đêm đêm, khi thung lũng chìm vào bóng đêm và sương mù, những đốm sáng từ đèn dầu và bếp than hồng bập bùng, le lói khi tỏ khi mờ trông có vẻ ma quái, bí ẩn nên người ta gọi là chợ Âm phủ”. 

Ban đầu chỉ tập trung dọc theo cầu thang từ khu Hòa Bình xuống phía trước chợ Đà Lạt với vài chục gánh hàng bán đồ ăn khuya. Sau đó, chợ Âm phủ được mở rộng thêm dọc tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai với hàng trăm tiểu thương bán thức ăn, nước uống, đặc sản Đà Lạt. Cứ sâm sẩm tối là dựng tạm khung sắt trên hè phố rồi phủ bạt lên hoặc đơn giản chỉ bung dù che bớt sương gió và kê vài bộ bàn ghế nhựa để mua bán. Đến rạng sáng hôm sau, khu chợ biến mất hoàn toàn, trả lại đường thông hè thoáng.

“Đôi lúc, đi chợ Âm phủ chẳng phải để mua sắm hay ăn uống mà chỉ dạo quanh tận hưởng không khí ấm áp trong đêm lạnh, đặc biệt ngắm các cô gái má đỏ hây hây, hai tay thoăn thoắt điều khiển đôi kim đan cùng các cuộn len mà mắt không cần nhìn xuống tay. Nghe nói nghề đan len xuất hiện ngay từ buổi đầu hình thành Đà Lạt, cùng người dân nơi đây đi qua bao mùa giá rét”  

Thi sĩ Quý thổ lộ

Bình dân là thế nhưng người sang kẻ khó đều tìm đến để trải nghiệm cảm giác lạ của chợ đêm xứ lạnh. Từ những tài xế xe tải chở rau, bác xe thồ thức khuya đón khách, chị lao công quét đường đến những nhạc công, ca sĩ vừa rời quán bar, vũ trường, các cô cậu sinh viên lãng tử… Ngay cả khách nước ngoài cũng thích thú với khu chợ này.

Chị Tôn Nữ Thu Thủy đến từ TPHCM tâm sự: “Càng về đêm trời càng lạnh, sương giăng lãng đãng khiến mũi tê cóng. Cái lạnh phố núi làm mình cảm thấy cô đơn quá, phải tìm đến chợ Âm phủ thưởng thức món gì đó nong nóng cho ấm lòng”. Tay xoa quanh ly sữa nóng bốc khói để được truyền hơi ấm rồi hớp từng ngụm nhỏ, chị tấm tắc: “Đậu nành Đà Lạt được đun sôi cùng lá dứa nên dậy mùi thơm. Là sữa nguyên chất nên béo ngậy, đậm đà. Mình đã uống sữa đậu nành ở nhiều nơi nhưng không đâu ngon bằng”.

Chợ Âm phủ gần như hội tụ đầy đủ các món ăn của cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Điều lý thú là hầu như quán ăn nào cũng có thêm các hũ ớt sa tế, ớt ngâm giấm hoặc nước mắm và đặc biệt là bếp than hồng. Trước khi mang thức ăn cho khách, các món nướng sẽ được làm nóng lại trên bếp để tăng độ giòn và dậy mùi thơm. Những nơi bán thức ăn đều kèm thêm trà gừng nóng mà dư vị làm ấm mãi lòng người. Có lẽ vì đêm cao nguyên se sắt lạnh nên đồ ăn phải cay và nóng mới ngon. Càng hấp dẫn hơn khi nhiều món ăn có kèm theo các loại rau Đà Lạt tươi rói, thơm ngon.

“Dạo bước ven hồ Xuân Hương thật thú vị nhưng rất lạnh. Tuy nhiên khi rẽ vào khu chợ ven hồ, ngồi bên bếp than hồng, nhâm nhi vài ly rượu thì người ấm dần. Nơi đây không bán thực phẩm cao sang, cầu kỳ, chỉ toàn những món bình dân giá cả phải chăng. Nếu thích có thể ngồi lai rai, hàn huyên cùng bạn bè thâu đêm”, anh Quý, nhà thơ đến từ phố biển Nha Trang tâm đắc.

“Hot boy” bánh tráng nướng

Vừa thu hoạch xong là mang ra chợ chế biến ngay nên các loại nông sản nướng như ngô, khoai, trứng gà… đều rất tươi ngon. Nhóm khách người Nga thích thú xem các bà, các chị quạt lửa nướng ngô rồi mua mấy trái vừa ăn vừa lững thững dạo chơi ngắm chợ đêm. Các bạn trẻ chuyền tay nhau mấy củ khoai nướng bốc khói. “Đúng là vừa thổi vừa ăn, ngon ghê!”, chàng trai chừng 20 tuổi miệng xuýt xoa, hai tay liên tục chuyền củ khoai qua lại cho đỡ nóng.

Đi chợ Âm phủ xứ hoa Đà Lạt - 2

Nướng pizza Đà Lạt trên bếp than hồng

Cả chục người ngồi quanh bếp than hồng xem cậu bé Xuân Thành mới 11 tuổi nướng bánh và kiên nhẫn đợi đến lượt mình thưởng thức hương vị món ăn vặt đặc trưng của miền đất cao nguyên. Cái bánh tráng mỏng được cậu bé xoay tròn một cách điệu nghệ trên vỉ nướng rồi lần lượt cho mỡ hành, trứng gà, phô mai, sa tế vào. Thành cứ xoay, xoay liên tục cho đến khi vị béo ngậy của phô mai hòa quyện một cách tinh tế với những nguyên liệu khác, còn vỏ bánh giòn tan. Thực khách có thể đề nghị cho thêm hải sản, thịt gà, khô bò, xúc xích hoặc đậu phộng vào nhân bánh. Khách Tây rất ghiền món này và gọi là Pizza Đà Lạt.

Vóc dáng nhỏ bé nhưng đôi tay nướng bánh khá điêu luyện, lại thêm lời rao bằng chất giọng dễ thương: “Ai ăn bánh tráng, bánh tráng nướng đi!” nên gánh hàng rong của Thành rất hút khách. Đặc biệt kể từ khi clip về cậu bé lan truyền trên mạng: Ở nhà thuê, ngày đi học, đêm cùng mẹ bươn chải ngoài chợ đêm lạnh lẽo, nhiều hôm thức đến 2 giờ sáng...

Thăm xứ lạnh mang về những kỷ niệm ấm áp

Đi chợ Âm phủ xứ hoa Đà Lạt - 3

Lời yêu thương trên hạt gạo trong viên pha lê

“Dẫu là đêm Noel hay cuối đông sương mù dày đặc cũng chẳng có gì đáng ngại bởi đối diện với dãy hàng ăn là hàng chục quầy bán đồ len. Chọn chiếc áo len cổ cao, ôm sát người để mặc bên trong cho ấm rồi khoác thêm trang phục ưa thích khác là có thể chống chọi với đêm đông lạnh giá”, anh Tùng đến từ thành phố Đà Nẵng quả quyết.

Sinh viên Lê Thủy Tiên quê Cần Thơ nói giá cả ở đây hợp lý, mẫu mã lại rất bắt mắt. Chiếc áo khoác đan bằng len dày dặn giá từ 100 - 150 ngàn đồng; mũ, khăn choàng, bao tay, tất len cũng chỉ từ vài chục đến một trăm ngàn đồng. “Mỗi lần đến chợ Âm phủ, em lại mua một vài món đồ len để diện trong những ngày ở Đà Lạt, cũng là để lưu lại chút hơi lạnh bảng lảng của thành phố cao nguyên khi trở về miền Tây Nam bộ”, Thủy Tiên mơ màng.

Du khách còn có cơ hội xem các “phù thủy” vẽ tranh trên gỗ quý bằng bút lửa hoặc viết những lời yêu thương lên hạt gạo nhỏ xíu… Người viết thường sử dụng kẹp để cố định vị trí hạt gạo rồi dùng bút có đầu bi rất nhỏ tỉ mỉ, khéo léo “vẽ” những chữ và hình mà khách yêu cầu lên hạt gạo màu trắng đục. Sau khi viết xong, đặt hạt gạo vào giữa viên pha lê, thủy tinh hay thủy tinh dạ quang rồi dùng kim tiêm bơm một chút dầu ăn vào để gạo không bị mốc, vỡ khi va đập. Các bạn trẻ hiện đang rất thích dùng những viên đá đính kèm hạt gạo này làm vật trang sức như hoa tai, vòng tay, vòng cổ, móc khóa hoặc vật trang trí… bởi chúng không chỉ xinh xắn mà còn mang dấu ấn của riêng mình. Giá của những món quà lưu niệm xinh xắn này chỉ từ 30-100 ngàn đồng.

Bạn Nguyễn Mai Hoa đến từ quận 1, TPHCM cho tôi xem mặt dây chuyền hình trái tim bằng pha lê rồi khoe: “Cháu đề nghị cô bán hàng viết tên cháu và người yêu lên hạt gạo rồi lồng vào mặt dây chuyền để kỷ niệm chuyến du lịch tuyệt vời tại Đà Lạt”. Quang, bạn trai của Hoa cũng cho biết rất thích dùng móc khóa có hạt gạo vẽ hình trái tim cùng với tên của bạn gái.

Chợ Âm phủ từng bị giải tỏa trong 3 năm nhưng đến tháng 5/2008, chính quyền thành phố phải cho khôi phục lại. Còn nhớ đêm ấy, dù trời mưa phùn nhưng hàng ngàn du khách và người dân vẫn có mặt để ăn mừng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Anh (Tiền phong)
Khám phá du lịch Đà Lạt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN