Wi-Fi miễn phí đâu phải chỉ có… miễn phí

Việc phủ sóng Wi-Fi công cộng miễn phí thực sự là có lợi nếu thực hiện đúng cách, ngược lại có thể gây nên nhiều hệ lụy nếu xây dựng không phù hợp.

Có lẽ hai trong những thông tin công nghệ ở nửa đầu năm 2016 làm người TP.HCM mừng là ứng dụng công nghệ mạng di động 4G LTE và phủ sóng Wi-Fi công cộng miễn phí. Trong đó, có ảnh hưởng rộng nhất và gây nhiều tranh luận nhất là chuyện phủ sóng Wi-Fi công cộng miễn phí.

Người mừng, kẻ lo

Rảo qua nhiều ý kiến trên mạng Internet, chúng tôi ghi nhận hai luồng dư luận đó là hiểu chưa rõ về Wi-Fi công cộng miễn phí hoặc e ngại dự án của TP.HCM sẽ đi lại vết xe đổ của nhiều dự án công khác ở một số tỉnh, thành.

Thậm chí đã xuất hiện những ý kiến cho rằng Wi-Fi công cộng miễn phí càng dễ biến người ta thành biếng nhác công ăn việc làm và học hành hơn. Những tệ nạn xã hội có thể càng tệ hại hơn. Việc quản lý sử dụng Internet ở văn phòng và với trẻ em càng khó hơn. Vấn đề bảo mật, an ninh, an toàn mạng càng nhiều lỗ hổng hơn.

Trong khi đó, thực tế việc phủ sóng Wi-Fi công cộng miễn phí được triển khai càng sớm, phủ càng rộng thì địa phương càng có thêm nhiều cái lợi cho việc phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể nói tính tích cực và nhu cầu phủ sóng Wi-Fi miễn phí là điều không còn phải tranh cãi. Đặc biệt là ngành du lịch sẽ có thêm thuận lợi khi ngày nay kết nối Internet đã trở thành một trong những tiêu chí để du khách chọn nơi đến, chỗ nghỉ.

Wi-Fi miễn phí đâu phải chỉ có… miễn phí - 1

Việc triển khai Wi-Fi công cộng đang góp phần phát triển du lịch ở các nước. Ảnh: INTERNET

Vấn đề ở chỗ triển khai ra sao

Thật ra việc phủ sóng Wi-Fi công cộng miễn phí cho cả một TP lớn như TP.HCM ngày nay không còn là chuyện quá phức tạp. Vấn đề mấu chốt là ngân sách và cách vận hành của hệ thống.

Chúng ta cần hiểu rằng đây không phải là mạng “Wi-Fi miễn phí” (chẳng địa phương nào kham nổi việc phủ sóng miễn phí rộng khắp cho mọi người dân cùng xài và làm vậy là chết các nhà mạng kinh doanh), mà là mạng “Wi-Fi công cộng miễn phí”. Có nghĩa là nó chỉ phục vụ cho khách vãng lai tại các nơi công cộng, các điểm du lịch, các nơi cần thiết.

Hệ thống Wi-Fi công cộng là một công trình phục vụ lâu dài nên cần phải có cơ sở hạ tầng, thiết bị chuyên dụng có chất lượng cao, độ bền tốt và có tính tương thích rộng. nếu không chặt chẽ, cả hệ thống sẽ là bãi rác công nghệ cho các hãng, nhà thầu. Cụ thể với TP.HCM hiện nay, hệ thống Wi-Fi công cộng miễn phí nên hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 802.11ac hay bét nhất cũng là 802.11n.

Để bảo đảm cho hệ thống Wi-Fi công cộng miễn phí không bị người ta chiếm dụng tài nguyên và lợi dụng, đồng thời bảo đảm an toàn thông tin, người dùng bắt buộc phải đăng nhập vào một mạng của TP rồi từ đó mới có thể kết nối với Internet. Mỗi người sử dụng đều phải cung cấp thông tin nhân thân (như số căn cước hay số điện thoại, địa chỉ email) để được cấp mật khẩu đăng nhập. Mỗi phiên đăng nhập cũng được giới hạn trong một thời gian nào đó, thí dụ 15 hay 20 phút. Hết thời gian đó, nếu có nhu cầu tiếp tục truy cập Internet, người dùng phải đăng nhập lại với số lần đăng nhập mỗi ngày không hạn chế. Chính nhờ quy trình này mà nhà chức trách có thể quản lý được người vào Internet, hạn chế tình trạng chiếm dụng sóng.

Xin đừng có nhăn mặt. Đây là cách lâu nay vẫn được ứng dụng ở nhiều nước, thậm chí các quán cà phê, khách sạn, sân bay, nhà ga, nơi công cộng… cũng sử dụng. Việc phủ được sóng Wi-Fi công cộng miễn phí rộng khắp càng phát huy tác dụng, nói rõ là có lợi, trong thời Internet cho vạn vật (IoT) và chính quyền điện tử.

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo nghiên cứu năm 2015 của Hiệp hội Internet Mỹ, 92% dân số Mỹ được kết nối Internet đã tạo ra 6% nền kinh tế quốc gia. Trong một báo cáo chuẩn bị cho một cuộc hội thảo mạng quốc tế của khối Thịnh vượng chung, Viện McKinsey Global Institute nhận định rằng từ năm 2005 tới 2011, mạng Internet tác động tới 21% tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế trưởng thành. Thậm chí, nếu coi Internet là một khu vực trong nền kinh tế quốc gia, nó còn chiếm tỉ trọng nặng hơn cả nền nông nghiệp hay các ngành dịch vụ công cộng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Hồng Phước ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN