Hàng dỏm giăng bẫy đầy mạng

Rất nhiều mặt hàng nhái, dỏm chào bán vô tội vạ trên các trang mạng lừa đảo người tiêu dùng.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT) yêu cầu phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều website ngang nhiên bán hàng kém chất lượng.

Đừng tưởng rẻ!

Ông T. V. T (ở quận Bình Thạnh, TP HCM), một người chuyên mua hàng qua mạng, cho biết: “Tôi từng là nạn nhân của việc mua hàng qua mạng. Do không cưỡng lại được hình ảnh bắt mắt và giá “phải chăng” của cặp kính nhìn xuyên đêm được rao trên một trang bán hàng qua Facebook, tôi đã đặt mua với giá khuyến mãi là 349.000 đồng. Tuy nhiên, nghi ngờ chất lượng khi nhận hàng, tôi khảo giá tại một cửa hàng mắt kính quen thì sản phẩm này có giá chỉ 25.000 đồng”.

Hiện nay, nhiều website rao bán sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật nhưng thực chất là hàng dỏm, không có nguồn gốc. Theo ông T., một số sản phẩm như kẹp mũi silicon được quảng cáo là hàng Nhật, có giá 300.000 đồng nhưng khi giao hàng, thực chất chỉ là miếng nhựa giá chỉ 15.000 đồng.

Hàng dỏm giăng bẫy đầy mạng - 1

Người dùng cần cẩn trọng với các trang bán hàng trên mạng xã hội.

Đánh vào tâm lý ham rẻ của người dùng, nhiều sản phẩm công nghệ cũng là mặt hàng lừa đảo qua mạng. Ông N.M.Đ (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) than thở: “Tôi đặt mua chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 4 được rao chính hiệu chỉ 3,7 triệu đồng, giảm giá 40%, trên một website TMĐT. Sau vài tuần sử dụng thì độ cảm ứng không còn nhạy, loa nghe rất nhỏ và thường xuyên bị tình trạng khởi động lại. Đem máy đi kiểm tra, cửa hàng sửa chữa cho biết là hàng nhái do Đài Loan sản xuất và rất khó phục hồi do linh kiện kém chất lượng. Nơi bán cũng từ chối bảo hành với lý do lỗi người sử dụng”.

Những người rành mua hàng qua mạng cho biết hiện có rất nhiều website rao bán nhiều mặt hàng điện thoại dựng, chỉ là hàng OEM (gia công lại) nhưng được quảng cáo “chính hãng” với giá phải chăng.

Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (VECITA), khoản 4, điều 4, Thông tư quy định về quản lý website TMĐT 47/2014/TT-BCT quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT trong việc loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

Như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về người bán nhưng chủ sàn cũng phải chủ động phát hiện hàng kém chất lượng và chịu một phần trách nhiệm.

Nên mua hàng có nguồn gốc

Đại diện một trang TMĐT tại TP HCM cho biết khi có phản ánh của người dùng về chất lượng hàng hóa, lập tức nơi đây sẽ tạm ngưng các hoạt động giao dịch để rà soát, xác minh nguồn gốc và chất lượng hàng hóa của đối tác bán hàng.

“Nếu hàng hóa là giả, chúng tôi sẽ đình chỉ vô thời hạn việc kinh doanh của đơn vị đó, báo cáo, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý” - người này khẳng định.

Chủ một trang bán hàng qua mạng khác khuyến cáo: “Hiện có rất nhiều cá nhân, tổ chức lập trang bán qua mạng nhưng chỉ cung cấp số điện thoại, địa chỉ ảo, không có giấy phép kinh doanh nên người mua có phát hiện hàng giả, kém chất lượng thì không thể khiếu nại hay kiện cáo gì được. Người dùng nên chọn mua hàng tại những địa chỉ tin cậy, biết rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Theo nhận định của các chuyên gia bảo mật, trong vòng 5 năm tới, thị trường TMĐT sẽ bùng nổ mạnh, hạ tầng internet cho TMĐT phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng VECITA, cho biết VECITA sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an... đẩy mạnh xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để trục lợi, lừa đảo đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa cấm...; đồng thời tăng cường cảnh báo tới người tiêu dùng nhằm minh bạch thông tin trong hoạt động mua sắm trực tuyến, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hiện VECITA và C50 đã thống nhất xây dựng bộ Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực TMĐT.

Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng này, các cơ quan quản lý nên rà soát lại thật kỹ các trang bán hàng, xử lý ngay những website bán hàng giả, hàng dỏm. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần thiết lập hệ thống cảnh báo, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dùng về những website bán hàng giả, hàng kém chất lượng; quy định các website phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm trước khi được vận chuyển đến người mua.

Còn nhiều vi phạm

Trong năm 2015, VECITA đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường; các chi cục Hà Nội, TP HCM, Nghệ An; C50... phát hiện và xử lý tr có cần ên 150 trường hợp vi phạm về TMĐT, bán hàng giả, hàng kém chất lượng với tổng số tiền trên 3 tỉ đồng, trong đó có 4 sàn giao dịch TMĐT.

Theo VECITA, cuối năm 2013, cả nước có 518 website TMĐT bán hàng, trong đó 344 website cung cấp dịch vụ TMĐT đã tiến hành đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, thực tế, số lượng các website TMĐT bán hàng đang hoạt động chưa đăng ký còn cao hơn nhiều

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chánh Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN