Đầu tuần, Internet sẽ "rùa bò" vì sự cố cáp quang biển

Sự kiện: Đứt Cáp Quang

Nếu sự cố đang xảy ra với cáp quang biển AAG không thể xử lý được ngay thì nhiều khả năng internet vào đầu tuần sẽ "rùa bò".

Trao đổi với PV tối 27/8, đại diện một nhà mạng tại Việt Nam đang khai thác lưu lượng truyền dẫn trên tuyến cáp AAG cho biết, tuyến cáp quang biển AAG vừa gặp sự cố vào chiều cùng ngày. Tuy nhiên, hiện chưa thể nói trước sự cố là do đứt cáp hay lý do nào khác, và có phải do ảnh hưởng của bão hay không.

Đầu tuần, Internet sẽ "rùa bò" vì sự cố cáp quang biển - 1

Cáp quang biển lại gặp sự cố, lần này là xảy ra với tuyến cáp AAG quen thuộc.

"Hiện, chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra sự cố truyền tải trên tuyến cáp AAG, và đơn vị quản lý cáp đang kiểm tra, xác định nguyên nhân cũng như có hướng khắc phục", đại diện một nhà mạng cho hay. Về thông tin 2 tuyến cáp biển khác là IA và và SMW3 cũng đang gặp sự cố, đại diện nhà mạng này cho biết chưa thể xác minh được.

Mặc dù các nhà mạng đã lên phương án định tuyến đường truyền sang các tuyến cáp dự phòng nhưng trong thời gian cáp AAG gặp sự cố, các dịch vụ internet theo hướng từ Việt Nam ra quốc tế vẫn có thể sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Ngược lại, các dịch vụ internet trong nước sẽ hoạt động ổn định bởi không bị ảnh hưởng bởi sự cố cáp quang biển.

So với những lần đứt cáp AAG trước kia, sự cố lần này có thể không quá lớn, bởi nhiều nhà mạng tại Việt Nam đã định tuyến đường truyền qua cáp APG vừa mới đưa vào hoạt động hồi cuối năm 2016. Tuy nhiên, trước đó, cáp APG cũng đã ít nhất 2 lần gặp sự cố nên độ tin cậy không thể là tuyệt đối. Gần đây nhất, vào lúc 16h ngày 20/06, tuyến cáp APG đã gặp sự cố ở phân đoạn Việt Nam - Hồng Kông.

Tuyến cáp quang biển AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, có tổng chiều dài hơn 20.000Km, dung lượng thiết kế đạt 2Tbps, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ qua nhiều định tuyến khác nhau.

Trong khi đó, APG là tuyến cáp biển sử dụng công nghệ 40Gbps/1 bước sóng (có khả năng chuyển lên công nghệ 100Gbps/1 bước sóng), giúp kết nối trực tiếp các nước châu Á - Thái Bình Dương các nước Mỹ, Úc, Ấn Độ, châu Phi với dung lượng lớn. Tuyến cáp này có tổng chiều dài khoảng 10.400Km, cung cấp băng thông lên tới 54Tbps và tốc độ truy cập internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần so với AAG.

Còn tuyến cáp quang biển AI được đưa vào vận hành từ năm 2009, có tổng chiều dài 6.800Km, kết nối Việt Nam, Singapore, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Hệ thống có tốc độ truyền dữ liệu thiết kế lên đến 3,84Tbps. Riêng tuyến cáp quang SMW-3 được đưa vào sử dụng từ tháng 9/1999, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang có dung lượng 320Gbps nối Việt Nam với 39 nước trên thế giới.

”Bí kíp” sử dụng Internet khi cáp quang biển gặp sự cố

Khi Internet trở nên “rùa bò“, người dùng nên nắm trong tay một số “bí kíp“ để sử dụng hiệu quả hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Đứt Cáp Quang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN