Đại lý sim thẻ phớt lờ quy định, sim rác ngập phố

Nhiều cửa hàng sim rác còn cho biết, họ vẫn bán bình thường loại sim này mà chưa bị cơ quan chức năng nào đến kiểm tra chứ đừng nói gì đến chuyện bị xử phạt. Bởi thế, việc bán sim rác vẫn diễn ra công khai chứ không hề e dè.

Đang đàm thoại thì máy hết tiền, anh Nguyễn Minh Tuấn (Tập thể Thanh Xuân Bắc) sà vào một đại lý sim thẻ ở phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) nhờ nạp thẻ. Sau khi biết ý của khách, chị chủ hàng đon đả: “Chú buôn với bạn gái thì việc gì phải mua thẻ, cứ làm cái sim rác tài khoản lớn, gọi xong rồi... ném.”

Đại lý sim thẻ phớt lờ quy định, sim rác ngập phố - 1

Các đại lý tại Hà Nội vẫn bán sim rác thoải mái.

Nghe nói về sim rác đã lâu, nhưng cũng “chưa có cơ hội dùng” vì vốn lười thay sim trong máy điện thoại, song nghe lời tư vấn “bùi tai,” anh Tuấn vừa mua thẻ cào, vừa mua một chiếc sim rác để gọi.

“Không phải lằng nhằng đăng ký thông tin gì cả. Chỉ bỏ tiền ra, mua sim, lắp vào máy mà gọi thôi chú ạ. Đúng là dễ hơn mua rau,” anh Tuấn nói với chúng tôi sau khi ném chiếc sim đã gần cạn tài khoản vào sọt rác.

Tìm hiểu tại các cửa hàng sim thẻ ở Hạ Đình, Hàng Trống, Kim Mã, Định Công..., chúng tôi thấy trên thị trường hiện nay việc bán sim rác vẫn tràn lan và không có kiểm soát. Có tới 99,99% cửa hàng khi hỏi đều sẵn sàng chìa chiếc sim đã kích hoạt sẵn mà không yêu cầu người mua phải khai báo bất kỳ thông tin gì, trừ trường hợp người mua cần giữ chiếc sim sử dụng lâu dài.

Thậm chí, nếu khách hàng mua sim 3G của MobiFone đã kích hoạt song đã hết hạn sử dụng, các đại lý lập tức có “chiêu” kích thêm ngày sử dụng chỉ bằng thao tác đơn giản: soạn tin nhắn bất kỳ tới một thuê bao khác.

Với sự dễ dãi trên, việc phát triển thuê bao di động ảo rất báo động, điều này làm lãng phí tài nguyên kho số của quốc gia cũng như khó kiểm soát.

Trong một trao đổi, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho hay, các doanh nghiệp báo cáo trung bình phát triển 10 triệu thuê bao mỗi năm, song chỉ có 1-2 triệu thuê bao là thực, số còn lại là sim rác, thuê bao ảo.

Bởi vậy, Bộ này đã và đang xây dựng, ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý thị trường viễn thông theo hướng chất lượng làm chính. Trong đó, có việc sẽ thu phí hòa mạng với thuê bao di động trả trước.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Thông tư 04 nhằm siết chặt thị trường di động được xem là đang hỗn độn.

Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 04 chính là từ ngày 1/6 sẽ cấm mua bán, lưu thông sim điện thoại trả trước đã kích hoạt khi chưa đăng ký thông tin thuê bao hoặc đăng ký không theo quy định sẽ bị nghiêm cấm.

Thế nhưng thực tế cho thấy, sau bốn tháng, thị trường vẫn tràn ngập sim rác, không có dấu hiệu giảm. Khi mua một sim trả trước của các nhà mạng, tài khoản của khách hàng sẽ nhận được một số tiền lớn gấp 2-3 lần số tiền phải bỏ ra ban đầu. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thay vì mua thẻ nạp tiền, khách hàng lại chuyển sang mua sim khuyến mãi và sau khi sử dụng hết tài khoản thì ném bỏ.

Nhiều cửa hàng sim rác còn cho biết, họ vẫn bán bình thường loại sim này mà chưa bị cơ quan chức năng nào đến kiểm tra chứ đừng nói gì đến chuyện bị xử phạt. Bởi thế, việc bán sim rác vẫn diễn ra công khai chứ không hề e dè.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay, đơn vị này này đang chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện triển khai sớm và nghiêm túc Thông thư 04 nhằm lành mạnh hóa thị trường viễn thông.

Còn ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì nói muốn tạo đồng thuận giữa các Sở Thông tin và Truyền thông trên ý tưởng Cục sẽ làm nghiêm với doanh nghiệp, Sở sẽ làm nghiêm với các đại lý ủy quyền. Cuối năm 2012 sẽ có một đợt thanh kiểm tra về vấn đề này.

Rõ ràng, việc quản lý thị trường viễn thông là một giải pháp tổng thể từ Trung ương tới địa phương. Bởi cho dù văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện, song phía địa phương thực hiện không triệt để thì vấn nạn sim rác vẫn cứ tiếp diễn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Chi (Vietnam+)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN