Đại gia mạng liên kết chống cực đoan trên internet

Sự kiện: Internet

Ngoài tiện ích, mạng xã hội còn bị xem là nơi tuyên truyền cho chủ nghĩa cực đoan, thậm chí nơi tuyển mộ của các phần tử khủng.

Bên cạnh nhiều tiện ích, mạng xã hội còn bị xem là nơi tuyên truyền cho chủ nghĩa cực đoan, thậm chí nơi tuyển mộ của các phần tử khủng bố, nên theo thỉnh cầu của Chính phủ Pháp, cả Google, Facebook và Twitter sẽ liên kết khởi xướng chiến dịch lớn chống chủ nghĩa cực đoan trên internet. Theo đài truyền hình Europe 1, Facebook đang làm việc để tìm kiếm sự cộng tác từ 20 công ty ở Pháp.

Đại gia mạng liên kết chống cực đoan trên internet - 1

(Ảnh minh họa: Internet)

Bước khởi đầu là trấn áp các tài khoản tình nghi liên quan đến khủng bố. Twitter lập thành tích với 125.000 tài khoản tuyên truyền thánh chiến bị xóa bỏ hồi tháng 2. Tuy nhiên, công tác quan trọng nhất của chiến dịch này là vận động thành lập quỹ tuyên truyền chống chủ nghĩa cực đoan trên mạng với sự tham gia của Microsoft và Apple. Theo dự kiến, quỹ sẽ được thành lập trong vài tuần tới nhằm phơi bày sự thực về các phần tử khủng bố.

Chiến dịch chủ yếu nhắm vào nhóm thanh niên nhạy cảm với luận điệu tuyên truyền của chủ nghĩa cực đoan. Một trong những hoạt động tài trợ chính của quỹ là phát những video ghi hình ảnh và lời hối lỗi của những thanh niên từng tham gia vào hoạt động của các tổ chức khủng bố tại Iraq và Syria nhưng đã may mắn chạy thoát và trở về châu Âu.

Trên thực tế, những ý tưởng nói trên đã được thực hiện ở Anh. Tổ chức phi chính phủ Viện Đối thoại chiến lược (ISD) cùng với vài tổ chức chống cực đoan khác đã nhận diện 80 thanh niên có khuynh hướng cực đoan trên internet. ISD đã thành công khi tranh luận thường xuyên với 60% trong số thanh niên này. Hiệu quả đạt được tốt nhất là nhờ những người từng là thành viên của các tổ chức cực đoan phụ trách đối thoại. Chuyên gia Erin Saltman phân tích: “Họ thực sự gây thuyết phục vì họ hiểu được tiến trình cực đoan hóa và hệ tư tưởng đó. Họ có thể gieo nghi ngờ và khiến bên đối thoại đặt câu hỏi”.

Theo ý kiến của các chuyên gia, tuy chiến dịch hình thành từ thỉnh cầu của chính quyền nhưng phương thức làm việc phải giống như cách làm của các tổ chức xã hội chứ chính quyền không nên nhúng tay vào. Trong khi đó, những đại gia công nghệ thông tin có thể khai thác được thế mạnh với tư cách là doanh nghiệp lớn, vốn đã quen định hướng các chiến dịch vào mục tiêu là công chúng, phù hợp với lứa tuổi và lợi ích của đối tượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Lâm ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN