Nói dối khi đi xin việc: Hãy dè chừng!

Thứ Ba, ngày 21/10/2014 16:28 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Thị trường việc làm nhiều cám dỗ dễ khiến người tìm việc lung lay tinh thần và dẫn đến hành vi dối trá trong hồ sơ xin việc.

Một ví trí yêu thích với mức lương hấp dẫn khiến ứng viên “lóa mắt”, dù chưa đủ kinh nghiệm, kỹ năng nhà tuyển dụng yêu cầu, họ cũng nghĩ ra cách để “vừa mắt” nhà tuyển dụng. Đó là khi CV bị làm sai lệch, nhà tuyển dụng bị nói dối về khả năng của ứng viên là điều dễ hiểu. 

Cho dù lý do của hành vi nói dối là gì, thì hậu quả của nó có thể lớn hơn việc bạn chỉ đơn thuần bị nhà tuyển dụng phát hiện và cho loại từ vòng "gửi xe".

Nói dối khi đi xin việc: Hãy dè chừng! - 1

Nói dối dễ khiến hồ sơ của bạn bị loại ngay từ vòng xét duyệt. Ảnh minh hoạ

Nam nói dối nhiều hơn nữ?

So với các ứng viên nữ thì các ứng viên nam “trội hơn” về khoản nói dối hoặc khai man trong các bản CV. Con số các ứng viên nam không trung thực này chiếm khoảng 60% so với con số 40% của các ứng viên nữ. Và có một điều khi nam nói dối họ bình tĩnh hơn nữ và dễ dàng xoay sở tình huống ứng biến nhanh hơn. 

Ví dụ như câu hỏi: "Anh/chị tốt nghiệp loại gì?", họ thường không trả lời cụ thể mà lại chỉ kể một vài môn học mà họ khá nắm vững với cách tăng thêm cho các môn này từ 1-2 điểm. Hoặc như khi nói về mức lương tại chỗ làm cũ, họ thường khai mức lương cao hơn so với thực tế trước đó. Nếu nhân viên phỏng vấn gọi điện đến chỗ làm cũ để thẩm tra, các ứng viên lại quanh co lý giải rằng mức lương mà họ nhận chính là thu nhập thực tế, bao gồm cả tiền làm thêm, tiền thưởng và các chế độ khác.

Tô vẽ quá nhiều trong hồ sơ

Hầu hết các chuyên gia tư vấn cho người tìm việc đều nhắc nhở ứng viên nên có sự điều chỉnh hồ sơ xin việc cho phù hợp với vị trí mà họ muốn ứng tuyển. Thế nhưng, ranh giới giữa sự điều chỉnh và nói dối lại quá mong manh, nhiều khi ứng viên khó lòng cưỡng lại sự cám dỗ. Nếu không biết giới hạn, nó sẽ gây nên nhiều rắc rối cho ứng viên bởi một khi NTD phát hiện bạn nói dối, uy tín của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thổi phồng lương bổng

Mỗi vị trí đều có mức lương dao động trong một khoảng nào đó, tùy thuộc vào sự thuyết phục của bạn để nhà tuyển dụng quyết định trả cho bạn ở mức nào, chứ không phải bạn cứ khai mức lương cũ thật cao là được hưởng mức lương cao ở công ty mới bởi NTD luôn có giới hạn về mức lương từ sếp chuyển xuống. Nếu cảm thấy mức lương ở các vị trí bạn đảm nhận trước đây là thấp, bạn không cần nhắc đến con số này nữa. 

Không ít ứng viên nói dối về mức lương trong quá khứ vì lo sợ sếp mới cũng chỉ trả cho họ mức tương đương như cũ mà thôi. Bởi vậy, bạn hãy nói về mức lương mong muốn nhưng không nên vượt quá 40% mức lương cũ và hãy phân tích để nhà tuyển dụng thấy bạn xứng đáng được hướng mức thu nhập như thế nào.

Bằng cấp giả mạo

Lời nói dối này rất dễ đưa bạn đến kết cục sa thải trong trường hợp bạn được tuyển dụng rồi sau đó bị phát hiện. Ngoài ra, bạn có thể bị pháp luật “sờ gáy” nếu nhà tuyển dụng có hành động pháp lý chống lại bạn. Những rủi ro như vậy là quá lớn để bạn dấn thân vào.

Nói dối về quá trình làm việc

Khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hay hỏi lý do bạn nghỉ việc tại công ty cũ. Câu hỏi khá tế nhị này có lẽ khiến không ít ứng viên đau đầu mỗi khi tham dự phỏng vấn. Dĩ nhiên mỗi người sẽ có những lý do riêng để giải thích về việc bị sa thải hoặc thôi việc đột ngột ở công ty cũ, và hoàn toàn không nên nói dối. 

Hãy nói bạn muốn học hỏi, phấn đấu và phát triển hơn, ở một môi trường năng động và chuyên nghiệp hơn để bạn có thể phát huy hết khả năng và cống hiến được nhiều giá trị nhất cho công ty. Luôn luôn tìm ra cách giải thích vấn đề một cách tích cực chính là bí quyết hiệu quả nhất.

Chia sẻ
Theo C.P ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN