Những câu chuyện nho nhỏ

Thứ Hai, ngày 28/12/2015 09:59 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Chuyện đi trễ đã chấm dứt, năng suất lao động đã tăng 15%. Có được như vậy là nhờ công ty triệt để áp dụng phương châm chỉ thưởng chứ không phạt

Khách hàng nước ngoài muốn “coi giò, coi cẳng” công nhân (CN) của công ty chúng tôi trước khi quyết định có đặt hàng hay không. Ngày đầu tiên, ông xin phép ngồi ở phòng bảo vệ 30 phút để xem CN vào ca. Ngày thứ hai, ông đề nghị được đi tham quan một vòng nhà máy. Ngày thứ ba, ông xin công ty dành 30 phút để gặp gỡ CN ở một trong những phân xưởng chủ lực. Trong 30 phút ấy, ông đã khiến chúng tôi xấu hổ và suy nghĩ rất nhiều. Xin tiết lộ, khách hàng ấy đến từ nước Nhật, nói tiếng Việt khá trôi chảy. Chúng tôi gọi ông là Ichiro.

Quá nhiều người đi trễ

“Rất nhiều người trong số các bạn đã đi trễ. Theo kết quả bấm thẻ chỗ bảo vệ thì có 315 người bước qua cổng lúc 7 giờ kém 5 phút; 502 người đến công ty lúc 7 giờ và khoảng 600 người đến sau khi chuông reo”. Vị khách bắt đầu câu chuyện như vậy.

Ông Ichiro cho rằng đi trễ có nhiều nguyên nhân nhưng tất cả nguyên nhân đều không phải “bất khả kháng” mà là do chủ quan của con người. Nếu nhà xa, tại sao không đi sớm hơn? Nếu kẹt xe, sao không thử tìm một con đường khác hoặc tránh giờ cao điểm?...

Những câu chuyện nho nhỏ - 1

“Có thể đối với các bạn, đi trễ chỉ là chuyện nhỏ nhưng với chúng tôi, đó không chỉ là muộn vài phút mà là một thói quen xấu không được phép duy trì. Sản xuất công nghiệp không cho phép các bạn lề mề như vậy. Quy định 7 giờ làm việc thì các bạn phải có mặt trước đó ít nhất 15 phút để chuẩn bị, như vậy công việc mới có thể được bắt đầu một cách tốt nhất. Đừng tính toán với công ty 15 phút ấy bởi nếu làm việc hiệu quả, công ty sẽ bù đắp cho các bạn còn nhiều hơn như thế” - ông Ichiro nhấn mạnh.

Các bạn là những người không ngăn nắp

“Trong giờ làm việc, tôi thấy rất nhiều bạn chạy tới chạy lui tìm kiếm cái gì đó... Lại có nhiều bạn vứt nguyên phụ liệu vương vãi trên bàn mà không xếp ngăn nắp. Như vậy, các bạn sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu sắp xếp mọi thứ một cách hợp lý, khoa học thì thay vì làm ra 5 sản phẩm trong 1 giờ, các bạn chắc chắn sẽ làm nhiều hơn thế. Và như vậy, các bạn cũng sẽ được trả công cao hơn”.

Khi nghe ông Ichiro nói vậy, một nam CN có ý kiến: “Đó là lỗi của người điều chuyền vì họ không cung cấp đủ nguyên liệu hoặc cung cấp không đồng bộ nên chúng tôi phải đi tìm. Nhiều khi phải lục tung mọi thứ mới tìm được cái mà mình cần”. Ông Ichiro truy: “Thế đã bao giờ các bạn có ý kiến với lãnh đạo về vấn đề này hay chưa? Nếu chưa thì lại là một thiếu sót lớn trong cách quản lý của công ty - một cách quản lý tồi khiến mọi người không động não, không mở miệng...”.

Sau phát biểu của vị khách, tôi liếc nhìn tổng giám đốc và thấy mặt ông đỏ lên.

Thiếu tập trung cho công việc

“Suỵt, các bạn nên giữ trật tự trong lúc tôi hoặc các bạn khác phát biểu. Nếu các bạn muốn nói, xin mời lên đây” - ông Ichiro đưa tay lên miệng, điệu bộ trông thật hóm hỉnh. Ngay lập tức, mọi người im lặng.

Ông Ichiro chỉ một nữ CN: “Xin hỏi, trong giờ làm việc, bạn có thường nói chuyện không? Nếu có thì bạn nói với ai và nói về chuyện gì?”. Bạn nữ bị “chiếu tướng” bối rối đứng dậy: “Dạ, mọi người đều nói chuyện, nếu không nói sẽ rất buồn... Thường thì nói với những người xung quanh. Chủ yếu là chuyện phiếm. Chuyện phiếm là... chẳng hạn anh này yêu chị kia, bà nọ giật chồng người khác bị đánh ghen, trên mạng đang xôn xao chuyện nghệ sĩ bị tung clip sex...”.

Mọi người cười ồ trong khi vẻ mặt vị khách lại tỉnh rụi. Ông hỏi một người khác: “Thế khi nói chuyện thì mắt các bạn nhìn đi đâu? Tất nhiên là nhìn người mà mình đang trò chuyện. Và như vậy, đâu còn con mắt nào để nhìn vào công việc đang làm? Chuyện gì xảy ra các bạn biết không? Hoặc là phải tạm dừng công việc để nói chuyện phiếm hoặc làm việc mà không tập trung. Cả hai đều dẫn đến hậu quả là năng suất, chất lượng công việc sẽ rất kém”.

Cuối cùng, ông Ichiro ra “tối hậu thư”: “Nếu các bạn muốn công ty được nhận đơn hàng này thì từ bây giờ, 3 việc: đi trễ, không ngăn nắp và thiếu tập trung trong công việc phải chấm dứt”.

Chỉ thưởng chứ không phạt!

Tuy đã ra “tối hậu thư” như vậy nhưng phía đối tác cũng du di, họ cho chúng tôi thời gian 3 tháng để huấn luyện CN. Họ còn cử chuyên gia sang giúp thực hiện quy trình sản xuất hợp lý, khoa học. Chuyện đi trễ gần đây đã chấm dứt. Cách thức tổ chức sản xuất cũng tốt hơn, năng suất lao động đã tăng được 15%. Chỉ còn mỗi vấn đề nói chuyện trong giờ làm việc thì vẫn chưa khắc phục triệt để.

Có được kết quả đó là nhờ công ty triệt để áp dụng phương châm chỉ thưởng chứ không phạt. Ai làm tốt, dù chuyện nhỏ cũng sẽ được thưởng. Nhờ vậy mà mọi người đều có động lực để phấn đấu.

Chia sẻ
Theo Như Phương (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN