“Trò ảo” của bàn tay ma thuật

Như một “trò ảo” đầy lôi cuốn, sân khấu, nhà ảo thuật và người tình nguyện đã được sắp đặt trong hàng loạt các show truyền hình đình đám vừa qua như thế nào? Và đâu là “phép thuật” chi phối kết quả?

Sự mờ ám của các chương trình truyền hình thực tế khiến nhiều người từ nghi ngờ dần nhận ra chân dung của những "bàn tay ma thuật" đứng sau các giải thưởng. Giống như chiếc kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, giấy mỏng không gói được than hồng những khuất tất này ngày càng rõ ràng hơn. Loạt bài viết "Bàn tay ma thuật làng giải trí" sẽ gợi mở nhiều tình tiết thú vị.

Nói một cách đơn giản nhất đó là kết quả của các show truyền hình thực tế đã được sắp đặt trước. Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng cảm nhận được hành trình làm nên “trò ảo” ấy thú vị đến đâu. Sân khấu được mở ra, ai sẽ vào vai trò “bàn tay ma thuật”? Biến hóa khôn lường, có khi đó là một cá nhân, có khi là tập thể, cũng có lúc chỉ là một “khẩu hiệu”... nhằm tung hỏa mù. Qua rất nhiều chương trình truyền hình thực tế như: Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt... khán giả sẽ có được hình dung rõ nét hơn về góc khuất của những “trò ảo” đã được công phu dàn dựng, sắp xếp ra sao.

Chính các format thực tế đầy thu hút được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam trở thành một miếng mồi béo bở cho các nhà tổ chức. Và nó đã được “phù phép” để trở thành sân khấu lớn trong đó các nghệ sỹ biến thành “người được chọn” có cả tình nguyện lẫn được chọn một cách “vô thức”. Và thông thường, kết quả cuộc thi có xu hướng giành thắng lợi cho những người tình nguyện… “có ý thức”.

“Trò ảo” của bàn tay ma thuật - 1

Chuyện Phương Uyên tại The Voice là vụ việc "siêu đình đám" của truyền hình thực tế Việt

Nhìn lại hàng loạt các quán quân những cuộc thi như: Thu Minh, Minh Hằng của Bước nhảy hoàn vũ, Dương Triệu Vũ – Thanh Thúy của Cặp đôi hoàn hảo, Ya Suy của Vietnam Idol, Hương Tràm trong Giọng hát Việt... sẽ thấy rất nhiều thí sinh “được chọn” từ chính “bàn tay ma thuật” để làm nên “trò ảo” vô cùng lý thú.

Nhiều câu chuyện cổ tích được dựng nên một cách hoàn hảo, nhưng đã là “trò ảo” thì luôn có sơ hở. Mô tuýp thường thấy trong các trò ảo thuật chính là biến đổi kịch bản đôi khi quá lộ liễu và từng bị phát giác.

Trường hợp điển hình của Giọng hát Việt khi scandal dàn xếp kết quả được nêu ra với rất nhiều bằng chứng khá thuyết phục. Tuy nhiên, ngay cả khi mở phiên họp báo được liệt vào danh sách “xưa nay hiếm” thì phía nhà tổ chức cũng không thể chứng minh mình bị vu khống. Rất nhiều nhà báo, khán giả từng mong chờ cái gọi là kết quả từ phía điều tra như tuyên bố nhưng cuối cùng, mọi chuyện bị “chìm xuồng” với lí do đó là chuyện cá nhân và Phương Uyên không muốn làm rùm beng.

Bao giờ cũng thế, để che đậy cho những nghi vấn sắp đặt hay bất cứ những scandal nào những “trò ảo” này luôn có những bức bình phong. Vậy yếu tố sơ hở và để những trò ảo đó bị phát lộ nằm ở đâu? Một điều không quá khó khăn để nhận ra chính là yếu tố con người – những người chơi của các chương trình truyền hình thực tế.

Để có được một màn ảo thuật thành công ngay từ khi lựa chọn thì những thí sinh tiềm năng sẽ được chú ý nhiều hơn. Trong những cánh tay giơ lên khi nhà ảo thuật hỏi ai sẽ cùng tôi, thì nhà ảo thuật chỉ chọn “người có tiềm năng”. Minh chứng qua con người cụ thể những: ca sĩ Thu Minh, Thủy Tiên, Minh Hằng, Đàm Vĩnh Hưng... đều là những ca sĩ có dư độ hot và chiêu trò để làm nên sức nóng cho những Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo.

“Bàn tay ma thuật” chỉ cần đưa ra một chiến thuật hợp lí để họ tỏa sáng và cả… lu mờ đúng lúc. Và dĩ nhiên, khi cần thiết xoa dịu khán giả thì họ sẵn sàng tung thêm một chút “hỏa mù” để đánh lạc hướng sự chú ý. Đây được xem như một thứ gia vị để góp phần tăng kịch tính cho cuộc thi ở mỗi giai đoạn khác nhau và vẫn cố gắng chứng minh chương trình rất-thực-tế.

Tất nhiên, để giúp các thí sinh tiềm năng hoàn thành vai diễn của mình thì ban giám khảo chính là cánh tay đắc lực. Đôi khi, dù họ bị biến thành “chú hề” trên ghế nóng chỉ để đủ và đẹp đội hình nhưng chính họ lại là những người trợ lý đắc lực trong lúc chuyển cảnh cần thiết của một màn ảo thuật hoàn chỉnh.

“Trò ảo” của bàn tay ma thuật - 2

Hòa Hiệp cũng từng công khai vạch mặt giám khảo

Lần gần đây nhất, diễn viên Hòa Hiệp từng lớn tiếng “vạch mặt” giám khảo một cách gay gắt khi cho rằng: “Đúng, tôi không phục! Và tôi cũng chẳng phục bất kỳ ai trong dàn ban giám khảo này cả”.

Những “chú hề” ấy đánh lạc hướng bằng cách tạo ra nhiều làn sóng dư luận, có khi “dìm” thí sinh “được chọn” xuống vị trí thấp nhất hoặc thẳng tay loại một thí sinh được khán giả yêu thích để tạo làn sóng dư luận. Vô hình chung, màn ảo thuật càng trở nên kịch tính và lôi cuốn, “trò ảo” được che đậy một cách hoàn hảo.

Ca sỹ Mỹ Lệ cũng từng lên tiếng trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo về chuyện giám khảo: "Đương nhiên tôi không phục, nghĩ sao mà lại bảo tôi phục những lời Lê Hoàng nhận xét về mình. Tôi không hiểu lý do tại sao Lê Hoàng luôn khó khăn với cặp đôi của tôi. Nếu chỉ xét ở góc độ giải trí, okie sẽ cho qua. Nhưng nếu xét trên phương diện nghệ thuật chân chính thì những lời như vậy là thiếu thiện chí, không động viên. Nhưng cũng khó trách Lê Hoàng vì anh ấy cũng đâu phải là người am hiểu nhiều về âm nhạc".

Nhưng thực tế không như vậy, yếu tố logic luôn được mọi người xem xét dù đó chỉ là một cuộc chơi mang tính giải trí. Khán giả bây giờ đủ, thậm chí thừa thông minh để có thể phát hiện ra sự gian dối hay khui ra những điểm bất hợp lí. Đó là lý do tại sao khi đã xem một màn ảo thuật, khán giả sẽ không bao giờ tin vào kết quả đó là tự nhiên. Chỉ có sự sắp đặt và hoàn hảo đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào “bàn tay ma thuật” và “người được chọn”.

Trong tất cả các chương trình truyền hình, yếu tố kịch bản sắp đặt không thể không có, nhưng sắp đặt đến đâu mới là chuyện đáng nói. Dư luận từng râm ran nhiều tin đồn về một số chương trình còn cả gan kí kết có giải cho các thí sinh ngay từ khi khởi động. Trong bối cảnh việc mời người nổi tiếng tham gia các chương trình ngày càng không đơn giản thì việc “treo giải thưởng” được xem như một miếng mồi nhử khá hoàn hảo. Dĩ nhiên, chuyện thỏa thuận này được phía nhà tổ chức cũng như thí sinh “đồng thuận” ngầm với nhau.

Dù không ít lần bị khui ra nhiều khuất tất nhưng khán giả vẫn có thể chấp nhận những “trò ảo” của truyền hình thực tế. Bằng chứng là, họ vẫn nhắn tin bình chọn cho các nghệ sĩ họ yêu thích, vẫn đến sân khấu để cổ vũ. Tuy nhiên, việc để công chúng thực sự cảm phục các tài năng mới là điều quan trọng để tạo lòng tin.

“Trò ảo” của bàn tay ma thuật - 3

Mỹ Lệ cũng không ngại thẳng tay "chém" giám khảo vì không phục

Khi yếu tố thực tế được đan cài để xác thực độ tin tưởng của khán giả, thì tính logic càng không thể thiếu. Đây là 2 điểm mấu chốt quan trọng nhất của hàng loạt các chương trình hiện nay. Phải chăng những “bàn tay ma thuật” không đơn giản chỉ để dàn xếp kết quả hay đưa ra một trò vui cho công chúng xem mà còn nhiều “bí ẩn” đằng sau nó?

Ai mới là người chi phối thật sự? Điều gì khiến cho những điều đáng lẽ ra phải logic thì trở thành phi thực tế? Và cuối cùng, chính các nghệ sỹ, người thắng cuộc cũng chỉ là những hình ảnh được “nhào nặn” một cách khiếm nhã? Vô hình chung, những giải thưởng ấy hoặc không còn giá trị hoặc chỉ mang tính biểu tượng.

Xin được mượn lời của diễn viên Hòa Hiệp để thay cho lời kết: “Làm ơn đừng khiến người khác cảm thấy quá áp lực và căng thẳng khi đến với cuộc thi này. Như thế chỉ càng làm cho người ta có cảm giác muốn rời cuộc chơi càng sớm càng tốt”. 

Trong mỗi chương trình truyền hình thực tế thì ban tổ chức, nhà tài trợ và thí sinh chính là "kiềng ba chân" làm nên một cuộc chơi hoàn hảo. Khán giả luôn được trao quyền quyết định đến 50% nhưng thực quyền đó đến đâu luôn là câu trả lời đầy mập mờ. Bài viết tiếp theo trong loạt bài Bàn tay ma thuật làng giải trí sẽ it nhiều gơi mở những câu hỏi nói trên. Đón đọc trên mục Ca nhạc MTV lúc 0h30 ngày 19/5/2013!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dạ Vũ ([Tên nguồn])
Bàn tay ma thuật làng giải trí Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN