Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa

Ba lần ra Trường Sa đã để lại cho ca sĩ Nguyễn Phi Hùng những kỷ niệm khó quên, đặc biệt là chuyến biểu diễn trong cơn bão biển ở nhà giàn DK1 gần đây.

Trong số các văn nghệ sĩ, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng có lẽ là người may mắn nhất vì được 3 lần ra  Trường Sa. Mỗi chuyến đi ra nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đều để lại những kỷ niệm và ký ức không bao giờ quên đối với chàng ca sĩ đất Bắc.

- Khi đặt chân lên các đảo ở Trường Sa, hình ảnh nơi đây có giống hình dung của anh trước đó?

Khi đến với những đảo lớn, Hùng thấy nơi này giống như đất liền vậy. Tất cả những hình ảnh như vườn cây ăn trái, vườn rau, gia cầm, gia súc... rất thân quen khiến Hùng xúc động.

Đặc  biệt, đảo còn có cả chùa (chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn, chùa Song Tử Tây - pv). Trải qua một hành trình dài đến đây, được bước vào dải xanh mướt của những cây phong ba, cây bàng vuông... khiến Hùng cảm giác mình như đang ở một resort vậy.

Khi gặp mặt các chiến sĩ trên đảo, Hùng có cảm giác như thân thiết từ lâu, như gặp người thân trong  gia đình. Ai cũng vồn vã, háo hức khi gặp nhau. Giữa người mới và người cũ không hề có bất cứ rào cản gì.

Đến cả những câu chuyện riêng tư nhất như tình yêu cũng được mọi người chia sẻ chân thành, tin tưởng.

Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa - 1

Nguyễn Phi Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn nghệ sĩ, thanh niên tình nguyện tại chùa Song Tử Tây.

- Câu chuyện nào mà các chiến sĩ kể khiến anh nhớ nhất?

Hùng được nghe các chiến sĩ đảo kể về tàu Bình Minh của Việt Nam hai lần bị tàu Trung Quốc gây hấn cắt cáp. Các anh đã khiến Hùng ý thức hơn sứ mệnh của mình. Đó là ý thức hy sinh vì tổ quốc mọi lúc khi cần. Chính cảm xúc này là nguồn cảm hứng để Hùng sáng tác ca khúc Gửi người lính đảo Trường Sa.

Trường Sa hiện lên đẹp đẽ trong MV Gửi người lính đảo Trường Sa.

- Trong những lần ra Trường Sa sau đó, có gợi nên cảm hứng cho các sáng tác của anh về biển đảo quê hương?

Trong chuyến đi thứ hai đến với đảo Trường Sa Lớn, Hùng cùng đoàn đại biểu vào thăm chùa Trường Sa. Trong chùa có bài thơ của thầy Thích Tâm Trí viết cho học trò của mình khi ra nhậm chức ngoài Trường Sa. Bài thơ có tựa đề là Đi, nội dung như lời kêu gọi thúc giục người dân Trường Sa hướng về biển đảo: "Đi ra đi vì biên cương biển đảo, đi ra đi cưỡi sóng vượt trùng dương, đi ra đi giữ biển trời quê hương".

Từ tứ thơ đó, Hùng đã lựa những câu thơ đắt nhất và phát triển thêm để viết nên ca khúc Tiếng gọi non sông. Hùng rất bất ngờ khi được sự đón nhận của mọi người. MV có sự tham gia của các tình nguyện viên, nhóm áo lính không quân, hải quân, các lãnh đạo của thành phố.

Mọi người dành cho Hùng một ngày để quay những cảnh trên tàu. Đây cũng như một món quà cho lính nơi đảo xa hiểu rằng, đất liền luôn bên các anh.

Chuyến đi mới nhất là chuyến biểu diễn ở Nhà giàn DK1 trong chương trình Hát về DK1 thân yêu, là chuyến đi gian nan hơn hai lần trước. Lần này Hùng cũng viết nên ca khúc Vẫn hát bài tình ca. Ca khúc này Hùng đang xin tư liệu của đài, dự định phát hành thời gian sớm nhất.

Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa - 2

Ca sĩ Phi Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ đảo Trường Sa.

Ca khúc Vẫn hát bài tình ca.

- Được biết, lần thứ ba ra đảo, Nguyễn Phi Hùng đã gặp biển động...

Trong lần ra với Nhà giàn DK1, từ trên tàu nhìn xuống, mọi người thấy những đàn cá heo nhảy tung tăng long lanh rất đẹp trước mũi tàu. Ai cũng vui và thích thú với hình ảnh này. Nhưng những người đi biển kinh nghiệm lại nói rằng, khoan vội mừng vì thấy cá heo coi chừng có biển động, và quả thực là vậy.

Trước ngày biểu diễn, biển nổi sóng lớn kèm theo những cơn giông to. Những người làm hậu đài và nghệ sĩ tham gia không thể đứng vững trên tàu. Sóng biển lắc dữ dội, nhiều người bị say, chịu không nổi phải bò rạp trên sàn. Trời nổi mưa giông lớn khiến ai cũng lo lắng cầu truyền hình sẽ không thực hiện được.

Ngày hôm sau trời bớt giông bớt mưa nhưng biển vẫn động và nhà giàn vẫn rung lắc. Những nghệ sĩ như Hùng đều nghĩ, đã ra đây rồi mà không biểu diễn được thì rất tiếc. Vì vậy, mọi người đã làm mọi cách để có thể hát phục vụ các chiến sĩ. Cuối cùng, Hùng và các đồng nghiệp ngồi xuống sàn, tựa vào nhau, nắm tay nhau và hát.

Hùng thấy, chỉ ở nhà giàn mới có cảnh các nghệ sĩ đứng giang hai chân và nắm chặt tay nhau để diễn. Lúc sóng lớn quá thì dìu nhau cùng ngồi xuống sàn. Hoàn cảnh ấy khiến tình cảm của chiến sĩ và nghệ sĩ càng thêm gắn bó. Hùng rất hạnh phúc khi chương trình hoàn thành tốt đẹp.

Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa - 3

Dù bão tố mưa giông nhưng ca sĩ Phi Hùng cùng thành viên đất liền vẫn cố hết sức đề thực hiện chương trình cầu truyền hình tại Nhà giàn DK1.

- Không phải MV ca nhạc của ca sĩ nào cũng được quay cảnh ở Trường Sa, nhưng bài hát Tiếng gọi non sông của anh lại được phép quay ở đây?

Hùng cảm thấy may mắn vì ít người có ê-kip ra đảo để quay. Hùng đã tranh thủ những ngày ở đây để ghi lại cảnh đẹp và cảnh sinh hoạt ở đảo. Tất cả những người thực hiện MV này đều không lấy cát-xê bởi đây là tình cảm của mọi người hướng đến Trường Sa.

Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa - 4

Phi Hùng chụp hình lưu niệm cùng lính đảo.

- Chắc hẳn phải có những quy định đối với người trong đất liền trước khi ra đảo quay phim?

Hầu hết những phong cảnh hay cảnh sinh hoạt ở trên đảo đều được quay, ngoại trừ kho chứa vũ khí. Trong MV của Hùng còn dùng cả tư liệu của các đài cho phép sử dụng  nên cũng phong phú hơn và chuyên nghiệp hơn.

MV ca khúc Tiếng gọi non sông.

- Tâm lý trong lần đầu ra Trường Sa so với lần thứ hai và thứ ba với anh có gì khác nhau?

Mỗi lần cũng có khác nhau một chút, đặc biệt lần thứ ba biểu diễn trên tàu trong một cơn bão dữ như vậy. Còn hai lần đầu Hùng đi nhiều đảo hơn, lịch làm việc khá dày đặc, nhiều khi một ngày đi 4 đảo, phải dậy từ 4-5h sáng. Hùng đặt vị trí của mình như một người lính, đến giờ là hành động, không để người khác phiền lòng.

Trường Sa đủ tiêu chuẩn cho du lịch

- Anh có nhớ mình đã được đặt chân lên những đảo nào ngoài Tường Sa không? Trong con mắt của anh thì đảo nào đẹp nhất và để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất?

Hùng đi được hơn chục đảo, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Đa lát, Nam Yết, Đá Đông, Sinh Tồn Đông, Đảo Đá Tây... các nhà giàn Phúc Nguyên, DK17, DK1... nói chung khá nhiều. Hùng nhớ, đi vào đảo chìm hay đảo nổi có khi phải lội bộ xa, nước sâm sấp qua đầu gối,  thuyền nhỏ để chở hành lý. Các đại biểu và chị em phụ nữ được ưu tiên có người cõng.

Hùng thấy cái đẹp ở đây không phải sự trù phú giàu có mà ở ý thức của những người nơi đây. Chỉ với 7-8 lít nước/ ngày mà các chiến sĩ có những khoảnh rau xanh mướt. Với những đảo lớn như An Bang, Song Tử Tây, Trường Sa Đông còn có nhiều cây bàng vuông, cây phong ba tạo thành một dải xanh đẹp mắt, như có cảm giác bước vào khu sinh thái. Mỗi lần trở lại, Hùng đều thấy đảo thay đổi, đậm dấu ấn các chiến sĩ.

Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa - 5

Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa - 6

Cảnh đẹp Trường Sa đủ tiêu chuẩn của những thắng cảnh du lịch.

- Trên đảo có bãi tắm nào để cho mọi người trên đảo và khách thăm quan có thể nghỉ ngơi như ở trên đất liền? Anh có thể ví với bất kỳ bãi biển nổi tiếng nào mà anh từng gặp hay không?

Dù diện tích không lớn nhưng đủ để cảnh đẹp trên các đảo ngoài Trường Sa đạt tiêu chuẩn về du lịch. Cảnh đẹp nơi đây rất hài hòa, tất cả mọi thứ đều gọn gàng, xinh xắn như ngắm một hòn non bộ vậy.

Những lúc trước khi biểu diễn, mọi người trong đoàn thường tranh thủ đi thăm đảo, gặp lính đảo, tới nhà người dân ở Song tử tây hay Trường Sa Lớn. Hùng đặc biệt ấn tượng với những em nhỏ ở nơi đây. Các em thường dẫn mọi người đi vòng quanh đảo, nhặt vỏ sò vỏ ốc. Lúc về, được mọi người  tiễn ra tận cầu cảng khiến Hùng cảm giác đây như quê hương của mình.

Nguyễn Phi Hùng và kỷ niệm bão táp ở Trường Sa - 7

Các em nhỏ trên đảo chụp ảnh lưu niệm cùng ca sĩ Phi Hùng.

- Qua những chuyến đi tới Trường Sa, với anh, chiến sĩ và người dân nơi đây cần nhất điều gì, cả vật chất lẫn tinh thần?

Với những đảo nhỏ, nguồn nước rất quý và mọi người phải hết sức tiết kiệm. Còn lương thực đã được cung cấp đầy đủ. Thông tin từ đất liền cũng được cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn rất mong được gặp người thân. Có lẽ vì thế mà Hùng được coi là người thân của các anh mỗi khi đến đây.

Cho đến giờ, Hùng thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm của các chiến sĩ. Có chuyện gì họ cũng tâm sự khiến Hùng càng cảm thấy gần gũi hơn.

Có một kỷ niệm vui thế này, khi Hùng ở Trường Sa về, có một sĩ quan trẻ tặng Hùng mấy lon thịt hộp. Hỏi ra mới biết, rau xanh trên đảo khan hiếm nên thịt hộp là món ăn thường ngày. Vì thế, Hùng được tặng làm kỷ niệm.

Cảm ơn ca sĩ Phi Hùng về những chia sẻ thú vị trên!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Nam/Ảnh:NVCC ([Tên nguồn])
Những ca khúc về biển đảo gây sốt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN