NS Ngọc Đại: Thằng Mõ giải thoát cho tôi

Nhạc sĩ Ngọc Đại cho rằng chỉ khi vượt qua được giới hạn của ham muốn, ích kỷ… thì lúc đó âm nhạc mới có thể thăng hoa thật sự.

Khi tôi đến, ông đang nghe lại những tác phẩm của mình. Giai điệu âm nhạc cộng hưởng với không gian của căn gác nhà sàn nhỏ khiến cuộc đối thoại giữa tôi, một phóng viên với ông - nhạc sĩ Ngọc Đại, người vừa có cú sốc âm nhạc khá ầm ĩ trong dư luận, thoải mái hơn. Phong cách một Ngọc Đại cá tính, hơi “dị” khiến tôi bất ngờ…

NS Ngọc Đại: Thằng Mõ giải thoát cho tôi - 1

"Người nghệ sĩ phải chấp nhận tất cả" - Ngọc Đại

Nghệ sĩ phải chấp nhận tất cả…

Tại sao ông lại từng có ý định tuyệt giao với báo chí?

+ Cách đây nửa tháng, nhiều nhà báo bị tôi đuổi về. Đúng là có lúc tâm lý như thế nhưng không hẳn là tuyệt giao. Tôi bị hỏi nhiều quá, hỏi những câu hỏi giống nhau quá và nhiều khi vào những vấn đề không mấy liên quan đến nghệ thuật. Tôi nghĩ nên tập trung vào CD “Thằng mõ”, tôi đã có tiếng nói thì mọi người hãy lắng nghe. Cái đó cần thiết hơn cả.

Thông điệp của báo chí cũng cần thiết lắm chứ, vì trong xã hội thông tin tôi cũng cần biết chiều hướng thông tin để nói lên tiếng nói của mình. Báo chí cũng có hai mặt nhưng đã là nghệ sĩ, đã là những người nói thật thì phải chấp nhận dư luận theo đa chiều nên tôi đã không “tuyệt giao” nữa.

Tư duy âm nhạc của ông hơi khác “gu” nghe của số đông công chúng. Nhưng một lần thành công với “Nhật thực”, lần này lại gặp rắc rối với “Thằng mõ”, vì sao lại thế?

+ Hơn 10 năm nay tôi có cho ra đời ba album, đó là thành quả của công việc sáng tạo. “Nhật thực” là khởi đầu, tuy đến “Nhật thực 2” có hơi mờ nhạt. Cái khởi đầu gặp rắc rối nhưng may mắn cũng nhiều. “Nhật thực 2” có thất bại nhưng đến “Đại-Lâm-Linh” và “Thằng mõ” là những bước cách tân tiếp theo. Sản phẩm đột phá, đổi mới nhất là “Đại-Lâm-Linh” nhưng khán giả khi đó chưa cảm nhận được và vẫn nhớ về cái “Nhật thực” đã rất cũ.

Người nghệ sĩ phải chấp nhận tất cả. Cách cấu trúc âm nhạc trong “Đại-Lâm-Linh” là một vấn đề lớn, là tâm huyết cả đời tôi dồn vào đó. “Thằng mõ” không theo đuổi tính chất học thuật, tìm tòi âm nhạc và phản ánh thực tế đời sống vốn có, không thể không vang lên. Âm hưởng quá chín, quá bùng nổ trong âm vang của đời sống vào tâm hồn đến đời sống âm nhạc. “Thằng mõ” không quá cầu kỳ và cách tân.

Đã có quyết định xử phạt ông 30 triệu đồng, ông sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?

+ Đến giờ phút này tôi vẫn chưa nhận được một văn bản chính thức nào của cơ quan quản lý và chỉ mới biết qua tin tức báo chí. Thái độ của tôi à, tôi không có gì phải lo lắng, không phải bận tâm. Họ có làm việc một buổi ở đây nhưng câu trả lời duy nhất của tôi là: “Tôi tự in và phổ biến”. Mỗi người mỗi việc mà, họ cũng phải làm công việc của họ.

Trong bốn sản phẩm của tôi trước nay là “Nhật thực”, “Nhật thực 2”, "Đại-Lâm-Linh” và “Thằng mõ” thì cái mang lại cho tôi sự tự tin, giải thoát chính là “Thằng mõ”. Tôi tự sản xuất nên không thể làm vừa lòng tất cả được. Tôi cũng có mang đến gặp gỡ bạn bè, có lời mời gọi ủng hộ về tiền. Những việc về luật, về phạt tôi không có gì quá lo lắng, tôi không có gì quá bất ngờ.

Âm nhạc khác biệt có đời sống riêng

Thưa nhạc sĩ, cá tính âm nhạc của ông kén người thưởng thức. Nhưng yếu tố hình thành nên cá tính ấy là gì?

+ Sau nghĩa vụ quân sự năm 1976 thì tôi hoàn toàn theo âm nhạc. Càng sống với âm nhạc tôi càng hiểu rằng phải hy sinh quyền lợi trước mắt rất nhiều mới có thể hiểu được chiều sâu cuộc sống. Còn cá tính là do quá trình nghiên cứu, say mê âm nhạc cộng với một chút khả năng trời cho, tôi đã tách khỏi âm nhạc theo kiểu “phổ thông” và theo một hướng riêng.

Tôi cũng được dìu dắt, học hỏi ở nhiều đàn anh trong âm nhạc, cuộc sống đã mở ra thì mình lựa chọn chứ không nghĩ là hay dở, tiên phong, mới mẻ gì. Khi giác ngộ ra rồi thì tôi cho rằng âm nhạc phải đổi mới hằng ngày.

Yếu tố gia đình, môi trường xã hội gần như là tác động trực tiếp. Khi tôi sáu tuổi đã ngồi trên các chiếu chèo, tuồng, ngấm căng mùi vị dân ca rồi. Không có nó thì không thể có Ngọc Đại hôm nay. Không gian sống của người Việt cùng với sự vận động của xã hội 60 năm nay nó đã tạo thành cái vốn, không học cũng tự ngấm vào mình rồi.

Ông là một nhạc sĩ ưa khám phá mới lạ nhưng scandal thì cũng không hiếm. Vậy điều gì làm ông hối tiếc nhất trên con đường âm nhạc của mình?

+ Cuộc sống, âm nhạc đã chọn mình rồi. Ngay từ “Đại-Lâm-Linh” hay “Nhật thực” và “Thằng mõ” cũng đều gặp khó khăn. Tôi bị áp lực rất nhiều bởi êkíp chương trình và cơ quan quản lý. Qua khó khăn, gian nan thì thành quả nó sẽ khác. Chỉ cần có một phần khán giả là tôi đã mừng rồi.

Phần đông khán giả trên mạng không thích, phản ứng có phần gay gắt. Âm nhạc đã khác biệt thì nó cần phải có đời sống riêng của nó. Cái đó cần thời gian, không chỉ ở ta mà trên thế giới cũng thế, không chỉ tôi mà các nghệ sĩ khác cũng thế. Tôi phải làm nữa, sáng tác nữa. Những thứ mà thời trẻ mình bỏ lỡ chưa làm hết được.

NS Ngọc Đại: Thằng Mõ giải thoát cho tôi - 2

"Trong âm nhạc cần có sự phát triển nhiều chiều. Nhưng chắc chắn âm nhạc sẽ phải hướng thẳng vào cuộc sống, nói lên những cung bậc xúc cảm mạnh mẽ nhất, thật nhất của con người." - Ngọc Đại

Áp lực là một thứ kích thích

Áp lực về nghề, áp lực về sức khỏe cộng với tình cảnh độc thân có bao giờ khiến ông chán nản. Động lực gì để ông vượt qua tình cảnh đó?

+ Chính áp lực cũng là một thứ kích thích. Người nghệ sĩ không cô đơn, không chịu áp lực thì đó là thiệt thòi, sẽ khó có tác phẩm hay. Tôi bị tiền đình, cả bệnh về cột sống, huyết áp nữa. Bệnh tật cũng khiến mình mệt mỏi nhưng tôi vẫn có những bạn bè thân bên cạnh, vẫn có âm nhạc. Âm nhạc là động lực phấn đấu. Khi ngồi vào âm nhạc thì tôi chỉ biết âm nhạc, không nghĩ gì khác nữa.

Ông thấy làm âm nhạc ở Việt Nam khó nhất là gì? Ông kỳ vọng gì vào nền âm nhạc hiện nay?

+ Có nhiều cái khó nhưng khó nhất tôi nghĩ là không gian sáng tạo cần thiết. Âm nhạc phải không biên giới, cần phải xoáy sâu vào cuộc sống để thấy được sự thụ hưởng đa chiều. Tôi cần một sự độc lập cần thiết nào đó trong sáng tạo tư duy. Cái độc lập là cái không vướng bận về gia đình, xã hội… và chỉ có âm nhạc thôi.

Ở tuổi 66 nhưng có vẻ ông chưa muốn dừng lại. Ông sẽ xông pha, khai phá đề tài nào tiếp theo đây?

+ Cái đó thì phải sống, tiếp tục trải nghiệm và cảm nhận. Công việc sáng tạo thì mình không thể định hướng cho nó được, bởi cuộc sống vận động không ngừng và luôn luôn được làm mới. Trong âm nhạc cần có sự phát triển nhiều chiều. Nhưng chắc chắn âm nhạc sẽ phải hướng thẳng vào cuộc sống, nói lên những cung bậc xúc cảm mạnh mẽ nhất, thật nhất của con người.

Bận rộn, trăn trở với âm nhạc như vậy chắc hẳn ông phải hy sinh rất nhiều hạnh phúc cá nhân? Ông có cho rằng cuộc sống hơi phũ phàng với mình không, thưa ông?

+ Đã làm nghệ thuật thì phải chấp nhận hy sinh. Khi vượt qua được giới hạn của ham muốn, ích kỷ… thì lúc đó âm nhạc mới có thể thăng hoa thật sự, mới có thể xoáy sâu vào cuộc sống không ngừng vận động ngoài kia.

Nếu tự tổng kết chân dung, con người Ngọc Đại?

+ Tôi cá tính, thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng và nghiêm túc lao động. Bây giờ đã nhận thức được mình phải làm nhiều nữa, sáng tác nhiều nữa, xuất hiện nhiều nữa. Tôi hồn nhiên lắm, không có đắn đo trong âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ không dám nói thẳng vào đời sống và quay lưng lại với nhân dân. Họ chạnh lòng vì tôi nói ra như vậy nhưng thẳm sâu trong họ vẫn tôn trọng Ngọc Đại.

Tôi so sánh đời âm nhạc của mình thế này. Người ta đi du lịch một nơi nào đó cũng mong muốn đem về cho mình một vài kỷ vật, kỷ niệm. Tôi làm âm nhạc mấy chục năm nay, con đường đời của tôi và nhiều người khác đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Tôi đem sản phẩm của mình ra như là một kỷ niệm về cuộc sống này cho tôi và mọi người lưu giữ. Tôi nghĩ cuộc sống cũng như một chuyến du lịch thôi, ai cũng muốn mang về một kỷ niệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BÙI TRÍ LÂM (phapluattp.vn)
Ngọc Đại gây sốc với Thằng Mõ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN