Vì sao anh không nhận con? (P.1)

Chị nhìn trân trân vào bờ ngực vạm vỡ của anh, tim đập loạn xạ, cảm thấy xấu hổ với chính mình.

Khuôn ngực vạm vỡ dần lộ ra theo những chiếc cúc được cởi. Chị cảm nhận rõ nhịp tim loạn dần nơi lồng ngực, cơ thể chị nóng bừng, rạo rực. Cảm giác này khiến chị vừa thích thú vừa tội lỗi. Chị tự đập nhẹ vào má mình để trấn tĩnh lại, nhưng không thể kìm nén nhịp thở dần dốc hơn khi đôi tay chị cứ cọ sát nhiều hơn vào khuôn ngực của anh, mà thật ra chị cũng muốn chúng vô tình chạm vào nhau.

Vì sao anh không nhận con? (P.1) - 1

 Chị cảm nhận rõ nhịp tim loạn dần nơi lồng ngực, cơ thể chị nóng bừng, rạo rực (Ảnh minh họa)

Anh nằm thuỗn, cả cơ thể mềm oặt. Trận say đã rút cạn sức lực của anh. Chiếc áo dính đầy hậu quả của trận rượu được chị cởi ra, để lộ khuôn ngực cuộn bắp của một chàng trai tuổi đương xuân nóng hổi. Chị nhìn trân trân vào anh mà tim đập loạn xạ, chợt xấu hổ với những cảm xúc trong tim khiến chị đỏ mặt quay đi.

Từ đằng xa vọng lại tiếng xe minsk rên phành phạch trong đêm, khuấy động cả một góc rừng. Chồng chị bước vào, lơ láo nhìn anh bán khỏa thân, nằm thuỗn trên giường, rồi lại quay sang nhìn chị đang ngượng ngùng đỏ mặt.

- Ra ngoài để tôi thay quần cho nó, chứ cứ để thế này làm sao ngủ được.

Chị lặng lẽ ra khỏi phòng, bắt gặp ánh mắt chồng, chị chợt cảm thấy xấu hổ về những khoảnh khắc cảm xúc vừa ào qua. Nhưng trách sao được, một khuôn mặt thanh tú, một cơ thể vạm vỡ, săn chắc thật khiến cho người ta có những phút giây xao lòng.

- Về đi! - Chồng chị ra khỏi phòng, khép cửa lại rồi nói với chị. - Liệu cậu ta có sao không?

- Cho ngậm rễ cây rồi, không sao đâu, ngủ một giấc dậy là khỏe ngay.

Chị ngồi sau ôm chặt lấy chồng, cố xua những cảm xúc say nắng vừa đi qua. Tiếng xe minsk lại rên lên phành phạch rồi mất hút trong đêm. Cả khu nhà hành chính chìm trong im lặng, chỉ còn văng vẳng tiếng cú đêm gọi bạn từ rừng xa vọng lại.

***

Đã hơn ba năm kể từ ngày anh nhận được quyết định chuyển công tác về làm phó chủ tịch xã, không biết anh đã trải qua bao gian nan, thăng trầm để bám trụ với mảnh đất biên giới khó khăn này. Có những lúc anh tưởng như mình phải bỏ cuộc nhưng rồi không hiểu sao cũng chính những khó khăn nơi đây lại níu kéo bước chân anh ở lại.

Nhớ ngày đầu mới nhận công tác, ủy ban đã thu xếp cho anh ở một phòng kho của khu nhà trụ sở. Điện lưới không có, chỉ có ánh sáng mờ mờ hắt ra từ bóng điện nhập nhoạng được sản sinh từ máy phát điện chạy bằng dòng nước với hai dây dài ngoằng dẫn điện từ khe suối lên, cứ mưa to là đứt dây, mất điện.

Đêm xuống, cảm giác rùng rợn, nguy hiểm bao quanh. Những người khóa trước nửa đùa nửa thật trong câu chuyện phiếm kể cho anh nghe về ma cà rồng. Rằng bản có ma cà rồng, cứ đêm đêm là tìm đến những nơi có hơi trai. Trăng càng sáng, ma cà rồng càng đẹp, càng về đêm, ma cà rồng càng xinh. Ma cà rồng sẽ dẫn dụ những chàng trai vào sâu trong rừng, rồi nằm chết trong ấy.

Cũng có những người may mắn thoát chết nhưng trở nên điên dại. Anh có hỏi người nào đã từng gặp thì họ chỉ tủm tỉm cười. Đến khi đêm về một mình trong phòng vắng, anh nhớ lại câu chuyện mà rùng mình, nhưng rồi lại trấn an “cũng muốn gặp ma cà rồng một lần xem ma xinh đến đâu”. Ấy vậy mà ở mãi chưa thấy ma đến dẫn đi chơi bao giờ.

Hay lại chuyện rắn chúa, rắn hổ mang rừng báo oán, tìm đến nơi phá đất của chúng xây nhà. Chúng lựa lúc nửa đêm, sẽ kéo đến cuộn chặt lấy anh, tiêm nọc độc vào cơ thể anh, khiến anh tím tái mà chết. Nghe xong những câu chuyện thêu dệt, anh cũng thấy khâm phục trí tưởng tượng của họ.

Thật ra, có những lúc anh nghĩ rủi, có một anh chàng người dân tộc nào khát cơm, thiếu tiền đánh liều vào xin tiền anh, anh cũng sẽ lột sạch mà cho hắn để bảo toàn tính mạng. Giờ thấy những ý nghĩ ấy thật buồn cười bởi đến nay đã hơn ba năm, chưa bao giờ có màu áo dân tộc nào vào hăm dọa anh, ngược lại, họ còn hay mang cho anh những củ khoai, củ sắn luộc. Dân bản hiền lắm, thật lắm.

Đến tận bây giờ, điều anh sợ nhất không phải là ma cà rồng, không phải là rắn báo oán, càng không phải là anh chàng người dân tộc khát cơm mà chính là sự cô đơn.

Sinh ra và lớn lên vùng quê Việt Trì đông đúc, học đại học ở Hà Nội, chưa bao giờ anh từng nghĩ rằng mình sẽ về vùng nông thôn làm việc chứ nói gì đến việc lên núi, vào tận khu vực biên giới heo hút này để công tác.

Đêm về, một mình đối diện với bản thân, anh mới thấy rõ thế nào là nỗi buồn, là sự cô đơn. Gia đình ở xa, bạn bè chưa có mà kể ra có cũng không thể lúc nào cũng thăm nhau được. Những lúc như vậy, anh nhớ cô da diết, nhớ người yêu từng gắn bó với anh bốn năm đại học.

Khi anh quyết định theo chương trình sáu trăm tri thức trẻ tình nguyện làm phó chủ tịch ở những xã khó khăn cũng là lúc người yêu anh khóc rất nhiều. Cô không muốn anh đi nhưng anh đã quyết định, cô biết tính anh nên đành im lặng nguyện một ngày anh ổn định công tác sẽ lên cùng anh.

Nhưng những mâu thuẫn từ anh cứ ngày càng nhiều lên khiến cô mệt mỏi rời xa. Anh không oán trách cô vì điều đó. Mới đây, anh nghe nói, cô đã nhận lễ dạm hỏi và chuẩn bị tổ chức đám cưới với người ta. Anh buồn thật nhiều nhưng thật lòng, anh luôn chúc cô hạnh phúc bởi, anh biết, người gây ra sự đổ vỡ của cuộc tình này chính là anh.

Nhưng đấy là những chuyện của ba năm về trước, giờ anh không còn quan tâm đến điều ấy nữa bởi, công việc bận rộn và cuộc sống nghèo khó của con người nơi đây đã cuốn trôi đi những cảm xúc yếu mềm trong anh. Chỉ là, cảm giác cô đơn thì không sao biến mất, nó cứ trực chờ những lúc rảnh rỗi để xâm chiếm vào từng tế bào cảm xúc của anh. Đang thả hồn theo những vòng xoay từ ký ức, bất ngờ Lan thập thò ngoài cửa.

- Anh ơi, sang ăn cơm.

- À, ừ.

Anh không nấu cơm, cũng không có nồi niêu xoong chảo để nấu, tất cả đều ăn ở quán cách ủy ban mấy trăm mét. Nhưng kể từ khi Lan được phân về làm công chức văn phòng của xã thì anh lại bắt đầu ăn cơm đúng bữa và đúng giờ như hôm nay.

Cô bé luôn nấu cơm cả phần của anh, dù anh có ăn hay không cô cũng mặc, cứ nấu, cứ phần. Có lần anh cáu, quay ra gắt với Lan: "Tôi đã bảo không ăn, tại sao em cứ nấu?”, Lan rơm rớm nước mắt ấp úng: “Vì có một mình, em thấy buồn quá thôi, anh ăn cùng cho vui”.

Vì sao anh không nhận con? (P.1) - 2

Dù Lan tình nguyện lên miền núi công tác nhưng cô vẫn mong muốn sau này được về xuôi làm việc (Ảnh minh họa)

Lan thẽ thọt, cảm giác cô độc của cô gái mới đến làm việc khiến anh thấy khó chịu. Anh ngồi vào bàn, quát lên: “Thế thì vào ăn đi, nhanh lên, còn đứng đấy làm gì? Đợi tôi mời nữa hả?”. Vậy là từ đó, cô hiển nhiên nấu cho anh ăn.

- Anh này, sau này anh có định chuyển về dưới xuôi không?

- Không. Mà sao tự nhiên em hỏi thế?

- Em nói, nhưng anh đừng nghĩ em xấu nhé! Bố mẹ em bảo em chịu khó làm đây một thời gian, sau này có cơ hội sẽ xin chuyển về xuôi anh ạ.

Anh im lặng, không nói, kéo không khí trùng hẳn xuống. Lan bối rối như kiểu sợ hãi vì mình đã lỡ nói lời không nên nói và ấp úng giải thích.

- Vì ở đây toàn người dân tộc, sau này em còn chồng, còn con cái, nên… nên…

- Anh hiểu mà, em không cần phải giải thích gì nhiều đâu. Em còn tương lai, cứ gắng làm tốt, vào được biên chế rồi xin về.

Anh nhìn cô với ánh mắt cảm thông, tự nhiên cô thấy có phần xao xuyến, trống ngực đập liên hồi. Vị phó chủ tịch đẹp trai này dành hết thời gian cho công việc, ngoài công việc ra cô chỉ thấy anh nhìn đăm chiêu vào dòng Nậm Hẹ chảy mạn trái sườn ủy ban.

Nhưng anh tính ở đây cả đời sao? Sẽ gắn bó với mảnh đất biên giới nghèo này đến suốt đời sao? Có xứng không với một người đầy tài năng như anh? Cô vô thức thở dài, anh lên tiếng khiến cô giật mình.

- Sao tự nhiên thở dài thế, nhớ người yêu hả? - Anh cười.

- Không, em… em chưa có người yêu.

- Anh không tin đâu.

- Thật ra thì cũng từng có nhưng ra trường thì chia tay anh ạ vì bạn ấy ở tận Nghệ An, về quê có việc luôn, còn em lên đây thi công chức... nên chia tay.

- Ừ, tình sinh viên thường thế.

- Này, anh cũng thế hả? - Cô vừa cười vừa nói.

- Không, cô ấy đòi theo anh lên đây nhưng anh không muốn cô ấy khổ nên chủ động chia tay.

- Anh chị yêu nhau lâu không ạ?

- Bốn năm.

- Bốn năm mà còn chia tay? Quê chị ấy ở đâu ạ?

- Cùng quê anh, khác huyện thôi em.

- Vậy mà...?

- Ừ.

Bao giờ cũng thế, bữa cơm nhanh chóng kết thúc với vài ba câu hỏi qua lại, nhưng cũng chỉ cần thế thôi cũng khiến cô thêm yêu mến anh thì phải.

***

Người ta bắt đầu nhìn cô và anh xì xèo bàn tán, có người nói nhỏ sau lưng, nhưng cũng có người nửa đùa nửa thật: “Thôi, cô cậu cưới nhau đi cho cả xã ăn cỗ!”. Cô ngượng ngập, đỏ mặt ấp úng, anh lặng im không nói gì. Cũng đúng thôi, cả dãy nhà có hai gian sát nhau thì hai người một nam, một nữ đơn thân, hằng ngày lại ngồi ăn cơm cùng nhau.

Cũng vì những xì xầm bàn tán đó mà anh bắt đầu giữ khoảng cách với cô. Tự nhiên cô thấy hụt hẫng...

- Lan này, từ mai đừng nấu cơm anh nữa nhé!

- Anh sợ những lời bóng gió ấy sao?

- Không, bao khó khăn anh không sợ, sao mấy lời vu vơ ấy khiến anh sợ.

- Thế anh sợ gì mà không để em nấu cơm nữa.

- Anh sợ em bị tổn thương thôi.

Tự nhiên nước mắt cô chảy dài. Chính bản thân cô cũng không muốn anh tổn thương, nhưng quả thật cô vẫn muốn anh và cô có gì đó như người ta đang nói, thật tâm trong cô muốn vậy mà anh thì cứ chập chờn, lúc ấm áp gần gũi, lúc lạnh lùng cách xa khiến cô luôn trong trạng thái trông chờ mà tủi thân vô hạn.

(Còn nữa)

Trai chưa vợ, gái chưa chồng, lại đồng cảnh xa quê tình nguyện lên miền núi công tác sẽ khiến hai trái tim cô đơn nhanh chóng tìm đến nhau. Nhưng "Vì sao anh không nhận con?" là câu hỏi của cô gái khi cô phát hiện ra mình có thai với anh? Vì hai người khác chí hướng? Vì xa quê? Vì anh có người con gái nào khác?... Hay vì một điều gì đó mà anh không thể chia sẻ cùng cô? Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo vào lúc 10h00 ngày 22/10/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Bích ([Tên nguồn])
Những câu truyện hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN