Thí sinh Olympia mất vòng nguyệt quế do lỗi BTC lọt vào vòng thi tháng

Dù mất cơ hội bước nhận vòng nguyệt quế nhưng chàng trai Bình Dương vẫn được tiếp tục tranh tài

Kết thúc cuộc thi tuần 3, tháng 1, quý 3, “Đường lên đỉnh Olympia” đã tìm ra bốn cái tên tranh tài trong cuộc thi tháng. Đó là: Vũ Tuấn Chiến (trường THPT Kiến An, Hải Phòng); Tôn Thất Chính (trường THPT Hai Bà Trưng, Thừa Thiên – Huế); Nhân Thanh Tùng (Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) và Phạm Phú Vinh (Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, Bình Dương).

Thí sinh Olympia mất vòng nguyệt quế do lỗi BTC lọt vào vòng thi tháng - 1

Phạm Phú Vinh - chàng trai đạt số điểm Nhì tuần cao nhất, lọt vào vòng thi tháng 1, quý 3

Trong đó, đáng chú ý hơn cả là hai cái tên Phạm Phú Vinh và Nhân Thanh Tùng. Trước đó, hai chàng trai này đã gặp nhau trong cuộc thi tuần 2 (tháng 1, quý 3).

Do sai sót của ban tổ chức chương trình (Thanh Tùng dù trả lời sai nhưng vẫn được cho điểm), Phạm Phú Vinh đã mất vòng nguyệt quế vào tay Nhân Thanh Tùng. Đây là sự cố đáng tiếc, khiến người hâm mộ sân chơi trí tuệ Olympia xôn xao suốt thời gian vừa qua.

Sau đó, BTC chương trình đã công khai xin lỗi Phú Vinh và trao vòng nguyệt quế danh dự cho chàng trai Bình Dương. Với tư cách đại diện của “Đường lên Đỉnh Olympia”, nhà báo Tùng Chi cũng trực tiếp gọi điện cho gia đình Phú Vinh gửi lời xin lỗi về sự cố.

Thí sinh Olympia mất vòng nguyệt quế do lỗi BTC lọt vào vòng thi tháng - 2

Nhân Thanh Tùng (người đội vòng nguyệt quế) có thêm cơ hội tranh tài với Phú Vinh

Tuy nhiên, phía ban tổ chức lại quyết định giữ nguyên kết quả, để lại thắc mắc cho không ít người hâm mộ chương trình.

Theo luật chơi của Olympia, người có số điểm Nhì cao nhất ba cuộc thi tuần sẽ lọt vào cuộc thi tháng. Và ở cuộc thi tháng 1, quý 3, người đó chính là Phạm Phú Vinh.

Ở cuộc thi tuần 2, tháng 3, quý 1, Phú Vinh giành được 220 điểm (chỉ kém Thanh Tùng 5 điểm), bỏ xa hai chàng trai về Nhì trong cuộc thi tuần 1 và 3.

Dù mất cơ hội nhận được vòng nguyệt quế nhưng chàng trai Bình Dương vẫn được tiếp tục tranh tài trong “Đường lên đỉnh Oympia”. Đó là kết quả xứng đáng giành cho Phú Vinh.

Hai lần trả lời sai vẫn được điểm của Nhân Thanh Tùng

Ngày 8/3, một khán giả thường xuyên theo dõi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chỉ ra một sai sót lớn của chương trình trong cuộc thi tuần 2, tháng 1, quý 3 (diễn ra ngày 5/3/2017).

Trong đó, thí sinh Nhân Thanh Tùng trả lời sai hai câu hỏi Hóa học nhưng vẫn được cho điểm, dẫn đến kết quả chung cuộc thiếu thỏa đáng. Vòng nguyệt quế đáng lẽ thuộc về Phạm Phú Vinh lại được trao cho Nhân Thanh Tùng.

Ngày 9/3, ban tổ chức Đường lên Đỉnh Olympia công khai thừa nhận sai sót, gửi lời xin lỗi thí sinh Phạm Phú Vinh và tuyên bố giữ nguyên kết quả.

Đồng thời, ban tổ chức cũng đưa ra đáp án đúng cho hai câu hỏi Hóa học gây thắc mắc trên.

“Câu 1: Người ta có thể bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép bằng cách gắn những tấm kẽm vào phần vỏ tàu chìm trong nước biển (nước biển là dung dịch chất điện ly). Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời mà bạn Thanh Tùng đưa ra là: Người ta thường gắn thép vào vỏ sắt của tàu biển vì khi đó sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot. Khi đó thì kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ.

Ở câu hỏi này, học sinh đã trả lời được ý đúng là "kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ", tuy nhiên giải thích của học sinh về "sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot" là sai. Chương trình đã không phát hiện ra ý sai này trong câu trả lời của học sinh nên đã cho điểm.

Câu 2: Đốt cháy que đóm và dây magie rồi lần lượt cho vào bình đựng khí CO2. Tại sao que đóm tắt ngay, còn dây magie thì lại cháy sáng?

Câu trả lời mà bạn Thanh Tùng đưa ra là: Bởi vì CO2 là một khí không duy trì sự cháy nên khi cho que đóm vào, nó sẽ tắt đi. Còn việc magie phát sáng là do đốt lên sẽ có MgO và đấy là chất phát sáng khi cháy.

Ở câu hỏi này, chương trình đã có sai sót khi cho rằng học sinh đã trả lời được chất tạo thành sau phản ứng, đã nói đến sự cháy của Mg trong CO2 nên đã cho điểm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Đường lên đỉnh Olympia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN