Tết xa xứ của những cánh chim ‘đi mây về gió’

Với đặc thù công việc “đi mây, về gió”, thời gian các tiếp viên hàng không hay phi công trong ngành ở dưới mặt đất cũng rất hiếm hoi, bởi thế việc không về ăn Tết với gia đình là điều dễ hiểu.

Năm hết Tết đến, mọi người háo hức chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Hầu hết những ngành nghề được hưởng 7-10 ngày nghỉ trong năm, không ít những con người được mệnh danh là luôn "đi mây về gió" trong ngành hàng không vẫn phải miệt mài làm việc trên bầu trời.

Tết nơi đất khách

Nhiều năm trở lại đây, tiếp viên hàng không được xếp là một trong những ngành nghề “hot” bởi đặc thù công việc được cho là nhẹ nhàng, tự do và lương cao. Không ít những cô gái trẻ, chàng trai đều mơ ước được khoác lên mình bộ đồng phục của các hãng hàng không nổi tiếng và đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Tết xa xứ của những cánh chim ‘đi mây về gió’ - 1

Bất kể dịp lễ, Tết, phi công luôn phải làm việc ngày đêm trên bầu trời (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh hào nhoáng bên ngoài của các “nam thanh, nữ tú” này, không phải ai cũng biết được rằng những công việc gắn với ngành hàng không vốn luôn vất vả và đầy cám dỗ.

Với đặc thù công việc “đi mây, về gió”, thời gian các tiếp viên hàng không hay phi công trong ngành ở dưới mặt đất cũng rất hiếm hoi. Do vậy, việc họ không có nhiều khoảnh khắc dành cho gia đình hay được thưởng thức những giờ phút sum họp ngày lễ Tết cũng là điều dễ hiểu.

Phạm Hải Yến (24 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) tuy mới vào nghề được 3 năm nhưng cả 3 năm cô đều không được ăn Tết ở nhà. “Do đảm trách nhiệm vụ lữ hành quốc tế, nên nếu tính cả năm nay là 4 năm mình không được đón Tết cổ truyền Việt Nam. Nghề tiếp viên hàng không không có khái niệm ngày lễ hay ngày Tết. Trong khi mọi người háo hức về quê ăn Tết, bọn mình lại phải xách vali đi phục vụ những chuyến bay chở hành khách về đoàn tụ cùng gia đình”, Hải Yến tâm sự.

Nhớ lại Tết đầu tiên xa nhà, cô gái sinh năm 1993 cho hay: “Từ lúc học xong phổ thông, thi vào Học viện hàng không Việt Nam, mình cũng đã xác định công việc sẽ như vậy nhưng vì chưa quen nên 1, 2 năm đầu xa nhà nỗi nhớ nhà cứ thường trực. Cứ hạ cánh, việc đầu tiên là mua sim nội địa gọi về gia đình, được nghe bố mẹ, chị gái kể chuyện gia đình đón Tết mà nước mắt cứ trào ra...”.

Cô gái 24 tuổi cũng nói thêm, thật ra không phải 100% quân số trong ngành phải trực bay dịp Tết, nhưng cũng do muốn có thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình nên cô gái trẻ vẫn cố gắng vượt qua nỗi nhớ nhà mỗi khi Tết đến, xuân về.

Cùng tâm trạng với Hải Yến, tiếp viên Đ.K.O. (27 tuổi, Đống Đa, Hà Nội – nhân vật xin được giấu tên) đã gắn bó với công việc này gần 5 năm, suốt thời gian đó, người thân trong gia đình phải quen với việc không còn thấy con gái ở nhà thường xuyên mỗi dịp sum vầy ngày Tết.

K.O. chia sẻ: “Tiếp viên hàng không chúng tôi không có khái niệm ngày lễ, ngày Tết khi ngày nào cũng có nhiều chuyến bay phải phục vụ. Nếu may mắn, mỗi dịp Tết Nguyên đán tôi dành được 1 ngày ở nhà quây quần cùng người thân. Không thì sẽ đón Tết ngay trên máy bay hoặc tại một đất nước khác.

Ví dụ, nếu có chuyến bay đúng đêm giao thừa, những thành viên trong tổ bay cùng chuyến sẽ chuẩn bị đồ ăn Việt Nam mang đi để cùng phá cỗ bên nước ngoài. Dù là chuyến bay đêm hay sáng sớm, chúng tôi vẫn có nhiệm vụ phục vụ khách hàng về thăm quê hương hoặc đi du lịch xuyên Tết. Sau công việc mới dành thời gian đón Tết cùng đồng nghiệp và gia đình”.

Lý giải đặc thù khắc nghiệt của công việc này, K.O cho biết đã xác định gắn bó với nghề tiếp viên hàng không hay phi công đều phải tập quen với lịch làm việc dày đặc như vậy.

“Trở thành tiếp viên hàng không là niềm tự hào và vinh dự của chúng tôi. Nhìn bên ngoài trông chúng tôi có vẻ vất vả, cô độc với cảnh “ăn hàng, ở không” nhưng nghề này đem lại cho tôi nhiều điều tuyệt vời không gì so sánh được. Tiếp viên hàng không không phải chỉ có ăn ngon, mặc đẹp, đi du lịch nhiều mà giống “làm dâu trăm họ”.

Chúng tôi được học hỏi nhiều nền văn hoá của các nước trên thế giới và đóng nhiều vai trò trong mỗi chuyến bay, vừa là người phục vụ chu đáo, pha chế giỏi, vừa trở thành y tá, cứu hộ, bảo mẫu, thậm chí cả nhân viên cứu hoả..."

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Anh ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN