Tâm sự đau xót của nữ sinh bị bố ruột khinh bỏ

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Chỉ vì người bố có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà cô gái phải chịu đủ thiệt thòi.

Tâm sự của nữ sinh năm 3 trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) bị bố ruột khinh rẻ chỉ vì mình là “vịt giời” khiến nhiều người thương cảm. Chia sẻ trên trang confession của trường, dòng tâm sự của nữ sinh hút hơn 24.000 lượt thích cùng hàng nghìn lượt chia sẻ.

Tâm sự đau xót của nữ sinh bị bố ruột khinh bỏ - 1

Cô gái từng phải một mình khăn gói ra Hà Nội thi đại học (ảnh minh họa)

Nữ sinh năm 3 kể, ngay từ khi còn nhỏ cô đã luôn bị bố gọi là cái giống “vịt giời vô tích sự”. Vốn nghĩ đó là lời trêu đùa bình thường nhưng khi lên 10 tuổi, chứng kiến cách hành xử đối lập nhau của bố với mình và em trai, cô đã biết mình thực sự bị ghét bỏ.

Những nỗ lực của cô gái trong cuộc sống và học tập cũng chưa bao giờ được bố thừa nhận. Đỉnh điểm là khi thi đại học, trong khi cô cố gắng ôn luyện từng ngày để có kết quả tốt thì bố cô lại lạnh lùng nói: “Mày đi đại học thì tiền đâu nuôi mày, học hết lớp 12 rồi đi làm kiếm tiền đi, còn định làm khổ bố mẹ đến khi nào?”.

Trong khi đó, cậu em trai vốn học kém lại hay chơi bời của cô lại được bố mẹ chạy vạy, lo lót để được học tại trường cấp 3 công lập.

Bỏ qua lời nói chua chát của bố, sự im lặng của mẹ và cái nhìn thơ ơ của em trai, cô gái vẫn cố gắng ôn thi và đã đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Cho đến giờ, cô vẫn nhớ, ngày thi ĐH cô chỉ có trong tay 1 triệu đồng, một mình khăn gói lên Hà Nội ứng thí.

Năm đầu tiên đại học, mỗi tháng cô chỉ được bố chu chấp 1 triệu. Để có đủ tiền trang trải học phí, sinh hoạt, cô phải làm thêm đủ thứ từ dạy thêm, PG, mẫu ảnh cho đến bưng bê, lau dọn… cùng với việc nỗ lực giành học bổng. Từ năm 2, cô đã không phải xin tiền bố.

Giờ đây, chuẩn bị bước sang năm cuối của trường Kinh tế, cô gái đã có thể kiếm tiền từ chính kiến thức chuyên môn mình học được. Cô đang nuôi trong mình ước mơ được đi du học để  mở mang tri thức.

Nữ sinh chia sẻ, cô sẽ cố gắng bằng mọi cách để một ngày nào đó bố mẹ và ông bà thừa nhận cô như một người con ruột thịt trong nhà.

Dòng tâm sự của nữ sinh Kinh tế bị bố ghét bỏ nhận được sự đồng cảm từ dân mạng. Nhiều người lên tiếng phản đối tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của người bố và xót thương cho cô gái giỏi giang, xinh đẹp chịu nhiều thiệt thòi chỉ vì trót mang giới tính nữ.

Đọc câu chuyện của bạn mà thấy buồn. Tại sao đến giờ vẫn có những vị phụ huynh mang tư tưởng con trai, con gái. Nhưng bạn hãy cứ cố gắng lên. Cố gắng không phải để được bố mẹ công nhận mà cố gắng cho chính tương lai của bạn và con bạn sau này”, một nick name bình luận. 

Trích nguyên văn tâm sự của nữ sinh trường Kinh tế:

#7852

Bố luôn nói: "Mày là cái giống vịt giời, nuôi cho tốn cơm, sau này lại cuốn gói đi chẳng được cái tích sự gì". Con luôn tự nhủ, đó chỉ là câu nói đùa vui của các ông bố trêu chọc con gái họ nhưng thời gian trôi qua, câu nói đó như một con dao vô hình vô tình làm con đau.

Hồi nhỏ, bố đi làm trên tỉnh cuối tuần mới về. Đó là lúc con háo hức, con mong bố về mang theo quà rồi dắt con cùng em đi sang nhà này, nhà kia chơi. Nhưng lúc nào bố cũng bắt con ở nhà và chỉ dắt em theo, quà bố mua về chủ yếu dành cho cả nam lẫn nữ nên con lại phải nhường em vì nó đòi.

Năm con lên 10, con và em sang nhà hàng xóm chơi, chó bên đó dữ nên bác hàng xóm đã nhắc mấy đứa đừng lại gần hay trêu nó. Mặc kệ lời con nói, em vẫn chạy vào trêu, con chó đứt dây xích xông ra, con chỉ biết chạy lại đỡ và bảo em và mấy đứa chạy đi. Con bị chó cắn 1 miếng vào đùi, cảm giác đau chưa kịp tới thì con thấy em ngồi khóc vì bị ngã trong lúc chạy.

Cuống cuồng đưa em về nhà, con dấu nhẹm vết chó cắn đang đẫm máu vào chiếc khăn buộc tạm dưới lớp quần lửng màu đen, em thì cứ ngồi khóc nấc lên, nấc xuống vì vết trầy trên đùi gối. Đúng lúc bố mẹ về, nó càng gào thét và khoe vết thương, bố gọi con ra vừa chửi, vừa đánh vì tội không trông nổi em. Con chỉ biết khóc và xin lỗi bố. Đến giờ vết sẹo chó cắn ấy vẫn còn trên đùi con, chẳng ai biết lần ấy con bị chó cắn và cũng may lần đó không phải chó dại.

Con càng lớn, bố càng nghiêm khắc. Còn thằng em thì ngày càng coi con như người ở của nó, cách nhau 3 tuổi mà chẳng khi nào nó gọi con là chị, chỉ gọi tên hay lúc cãi nhau thì nó quất luôn "mày - tao" cả trước mặt bố mẹ cũng không ai nói gì. Con không quan tâm vì cái đó cũng không mất mát gì, con biết thân biết phận nên chỉ chăm ngoan mà học hành.

Nhiều lần con muốn chứng tỏ và làm cho bố mẹ, ông bà vui bằng thành tích học tập của mình, nhưng cuối cùng con vẫn chẳng nhận lại được thứ tình cảm con muốn. Ông bà thì nói: "Con gái học hành làm gì nhiều cho tốn tiền, học hết lớp 12 thì lo chuyện chồng con". Bố thì lạnh nhạt: "Mất tiền cho mày ăn học, không học tốt thì còn làm cái trò gì".

Khi ấy con chỉ biết tự nhủ cố gắng của mình là chưa đủ và cố gắng hơn nữa. Hồi lớp 11, con được lớp đề cử thi nữ sinh thanh lịch. Sau buổi thi ấy con được thằng lớp trưởng cũng là bạn thân con chở về bằng xe máy. Khi vào nhà con đang vui mừng muốn khoe bố mẹ chiến tích của mình thì bị ăn ngay 1 cái tát trời giáng từ bố, cái cúp thủy tinh nhỏ nhỏ rớt ra từ tay con vỡ toang.

Bố chửi con là con đĩ, nuôi ăn học cho lắm vào rồi đi với trai xong trai chở về tận cổng rồi vài ba bữa nữa theo nó luôn đi. Con bắt đầu hiểu mọi chuyện và hiểu sự hiểu lầm của bố nhưng dù thế nào cũng đúng là con đi với trai và được trai đưa về tận cổng. Từ lần đó, con rút kinh nghiệm, con nói với mấy đứa bạn để ý hơn vì gia đình mình có ác cảm với chuyện nam nữ ở tuổi này.

Lớp 12, bạn bè học thêm này kia, chỉ mình con tự học ở nhà vì con biết nếu xin sẽ nhận được sự tức giận của bố mà thôi. Con chuẩn bị thi Đại học cũng là lúc em chuẩn bị lên cấp 3. Thời điểm ấy nó đánh nhau làm con nhà người ta phải vào viện, bố mẹ phải chạy vạy để nó không bị đuổi học và bị người ta kiện tụng. Êm xuôi vụ đó thì lại lo tới chuyện nó học dốt thi không nổi vào trường cấp 3 nhà nước, bố mẹ lại phải chạy vạy, đút lót tiền long để nó đỗ.

Còn con, trong cái thời điểm nước rút của mấy tháng cuối chuẩn bị thi ĐH, con cố gắng tập trung tự học trên lớp rồi ở nhà mà không mất một đồng học thêm ở đâu. Rồi khi bố nói: “Mày thi ĐH thì tiền đâu nuôi mày, học hết lớp 12 rồi thì đi làm kiếm tiền đi, còn định làm khổ bố mẹ đến khi nào?". Lúc đó bao hi vọng trong con bỗng tối sầm lại, con cố gắng tìm kiếm một ai đó để nhận được sự đồng cảm nhưng cái con nhận được là sự đồng tình với ý kiến của bố từ ông bà nội, cái im lặng của mẹ, cái nhìn thờ ơ của thằng em, lời khuyên "từ bỏ" chua chát của các cô.

Con không khóc vì con ghét nước mắt nhưng có cái gì đó cay cay cứ sộc thẳng lên mắt mũi con và có cái gì cứ đè chặt làm tim con không đập được. Con vẫn cố học cùng nỗi đau đớn đầu đời từ chính gia đình mình. Bạn bè chuẩn bị này kia ra Hà Nội thi ĐH, còn con thì vẫn ở nhà với hi vọng vô hình nào đó nhưng mãi chẳng có.

Cuối cùng, con cũng lấy hết can đảm xin bố cho ra HN đi thi mặc kệ bố đánh chửi ra sao. Con khóc, dùng hết những gì có thể nói để thuyết phục bố mẹ, ông bà. Mẹ thương con quỳ lạy xin xỏ, thuyết phục bố giúp. Cuối cùng bố đồng ý để con đi thi nhưng tất cả những gì bố cho là 1 triệu bạc và sự bỏ mặc vô tâm. Con khăn gói chuẩn bị lên đường một mình, trước khi đi mẹ có nhét cho con thêm 200 nghìn đồng và bảo cầm theo cái điện thoại cục gạch của mẹ lên đó có gì còn liên lạc được.

Đi thi ĐH đúng chuẩn nông dân ra thành phố, cái gì với con cũng bỡ ngỡ. Con liên lạc với anh họ đằng ngoại đang học  ở Hà Nội nhờ anh giúp đỡ, may sao anh hiểu hoàn cảnh con nên hết lòng đưa đón rồi còn xin cho con ngủ nhờ ở phòng nữ cạnh phòng anh.

Thi xong khối A, con lại lội qua HD thi khối B. Lần này thì con phải thuê xe ôm và thuê trọ ké với 1 đứa bạn cùng lớp. Những vất vả, cố gắng của con cuối cùng cùng cũng được đền đáp, con đậu khối A với số điểm cao, khối B thiếu nửa điểm là đỗ đa khoa nhưng con vẫn cảm thấy hài lòng.

Nhưng con lại phải đối mặt với nỗi lo lớn hơn từ gia đình. Sau bao lần van nài, xin xỏ kèm theo cả nước mắt, bố cũng đồng ý cho con đi học ĐH và nói mỗi tháng chỉ chu cấp cho 1 triệu. Vậy mà ngày qua ngày con cũng đã vượt qua với số tiền ít ỏi ấy để học hành tốt.

Đến năm thứ 2 thì con chính thức không cần khoản tiền chu cấp ấy của bố mẹ nữa. Ngay từ năm nhất, con đã làm đủ thứ việc từ dạy thêm, bưng bê, lau dọn, PG, mẫu chụp ảnh... và giành học bổng trong từng kì. Tất cả đã giúp con trang trải đủ mọi thứ trên đất Hà Nội khắc nghiệt này. Bố mẹ sẽ chẳng biết 1 ngày sinh viên của con diễn ra thế nào đâu, sáng đi học, chiều đi dạy, chiều tối đi học thêm ngoại ngữ rồi về tắm gội, nhét vội thứ gì vào bụng và ngủ tranh thủ tới 22h30 đêm lại đi làm ở cửa hàng tới 6h sáng. Dù vậy, con chưa bao giờ cho phép mình gục ngã hay buồn phiền.

Năm nay, con đã kết thúc năm thứ 3 và chuẩn bị bước sang năm thứ 4. Con cũng không còn vất vả như trước nữa vì có thể bắt đầu dùng kiến thức của mình để kiếm tiền thay vì bỏ nhiều thời gian cho những công việc trước kia. Nhưng con người đúng là chẳng bao giờ biết thỏa mãn với những gì đang có, con đang nuôi trong mình một ước mơ lớn hơn là có thể đi du học sau ĐH để mở mang nhiều thứ hơn  và con cũng muốn chứng tỏ cho mọi người thấy con có thể làm nhiều thứ mà khối thằng con trai chẳng thể.

Bố bây giờ đang vất vả chạy vạy để lo cho em có một môi trường học tập tốt hơn. Bố hãy cứ làm những gì cần lo, em ở trên này thi ĐH cứ để con lo mặc dù nó chẳng coi con ra gì. Nhưng con tin, có ngày ông bà, bố mẹ và tất cả mọi người phải công nhận con, em con sẽ có 1 ngày nó phải gọi con tiếng "chị" cho đúng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN