Sống, cống hiến cho cộng đồng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (SN 1984), thầy giáo hotboy của trường ĐHSP TPHCM cũng là một trong 20 đề cử cho Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013.

Không chỉ nổi đình đám với những đoạn phim, những hình ảnh tư vấn tâm lý, tình cảm lứa tuổi cho học sinh, sinh viên, Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu còn là tác giả của rất nhiều cuốn sách tư vấn về tư duy sáng tạo, tâm sinh lý lứa tuổi, tâm lý học giao tiếp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…

Anh còn sở hữu nhiều tài lẻ như tham gia vào các vai diễn trong chính các clip tư vấn cho giới trẻ mà nổi bật nhất là serie “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” như: Đối phó yêu râu xanh, đối phó cướp giật, các thế võ thoát hiểm…hay mới đây nhất là clip Nhỏ to tâm sự với thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Cũng vì những việc làm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này mà Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đoạt giải Gương mặt trẻ được cộng đồng mạng yêu thích do một trang mạng tổ chức bình chọn. Thời gian gần đây, Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng thường xuyên xuất hiện trên báo chí với các lời khuyên, tư vấn tâm lý cho giới trẻ.

Lại Văn Điệp (SN 1980, Kiến Xương, Thái Bình) lại ghi một dấu ấn khác trong hoạt động xã hội. Là người khuyết tật nhưng vươn lên trong cuộc sống, anh Điệp hiện là giám đốc công ty TNHH đồ gỗ Mỹ nghệ người khuyết tật tại xã Vũ Ninh.

Sinh ra khỏe mạnh, nhưng đến lúc 10 tháng tuổi, anh Điệp bị sốt nặng và liệt toàn thân. “Nhiều lúc, gia đình cũng nghĩ hay là bỏ mình đi cho đỡ khổ”, anh Điệp nói. Như một phép lạ, sau vài năm nằm một chỗ, anh có dấu hiệu hồi phục và đến năm 8 tuổi thì có thể bắt đầu di chuyển dù nhiều khi ngã chảy máu. Khi học lớp 7, 8 anh Điệp có thể đi lại được gần như bình thường.

Sống, cống hiến cho cộng đồng - 1

Lại Văn Điệp

“Từ năm lớp 3, mình đan lát được để kiếm tiền thêm cho gia đình. Đến năm lớp 7, mình tự kiếm tiền được bằng cách đánh đàn thuê cho đám cưới”, anh Điệp kể. Hết lớp 9, anh thôi học văn hóa và đi học nghề trạm trổ đồ gỗ mỹ nghệ.

“Năm 2002, sau khi đi làm thuê để có vốn, mình mở xưởng. Ban đầu cũng không có tiền, không có máy, không có thợ, mình phải tín chấp với người ta nếu làm sản phẩm không đạt yêu cầu thì không lấy tiền”, anh Điệp nói.

Cứ thế, phấn đấu dần dần, lại có tay nghề cao về việc làm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp nên công việc làm ăn ngày một thuận lợi. Năm 2006, anh mua đất, đầu tư máy móc và mở xưởng, vừa làm vừa dạy nghề cho lao động tại địa phương trong đó có những người khuyết tật. Đến tháng 11/2011, Cty Đồ gỗ mỹ nghệ của anh ra đời.

Đến nay, mỗi năm công ty thu nhập vài tỷ đồng/năm. Hiện, anh Điệp thuê 30 lao động, trong đó có 16 lao động là người khuyết tật, thu nhập ổn định 3 – 4 triệu/ tháng. “Những người khuyết tật như mình luôn có khát vọng, thèm muốn được như người bình thường. Nếu có cơ hội thì sẽ phát huy được năng lực của mình. Giải thưởng là nguồn động viên lớn cho bản thân mình và những người như mình tiếp tục cố gắng”, anh Điệp nói.

Tuổi trẻ tài cao

Dù mới là học sinh lớp 6/8 trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình, TPHCM), Nguyễn Dương Kim Hảo đã sở hữu một danh sách dài những sáng tạo và những giải thưởng quốc gia, quốc tế.

Biết sử dụng vi tính từ những ngày còn học mẫu giáo và rất say mê những đồ chơi mô hình, đến năm học lớp 5, Kim Hảo sáng tạo bảng điều khiển thông minh giúp người sử dụng dễ dàng tắt các thiết bị điện khi đi ra ngoài.

Sống, cống hiến cho cộng đồng - 2

Nguyễn Dương Kim Hảo

Công trình này được mang đến triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng chế 2013 tại Malaysia, Indonesia, đoạt HCV sáng tạo trẻ quốc tế IEYI của Malaysia 2013, HCV Viện sáng tạo trẻ Indonesia 2013, Giải đặc biệt của Viện Hàn lâm Hàn Quốc. Kim Hảo cũng vừa hoàn thiện mô hình bảng điều khiển từ xa và máy tính bảng hóa học sau khi nghe các thầy cô giảng dạy trên lớp.

Ngoài niềm đam mê sáng tạo, Kim Hảo còn học rất giỏi Tin học và Sử. Năm 2013, Kim Hảo đạt giải nhì và giải ba cuộc thi Tự hào sử Việt, giải nhất và ba phần mềm sáng tạo Hội thi Tin học trẻ, Giải nhất phần mềm sáng tạo khối THCS hội thi Tin học trẻ TPHCM.

Bố Hảo là thầy giáo dạy môn tự nhiên. Bà Dương Trần Thanh Thảo, mẹ Hảo cho biết, ngay từ bé, mỗi khi bố Hảo soạn giáo án, Hảo đều hỏi rất tỉ mỉ, chi tiết. Hảo cũng rất thích xem các chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ trên truyền hình.

Sớm nhận thấy tài năng của con, gia đình quyết định chuyển Hảo từ Tiền Giang lên TPHCM. Lên thành phố, hai mẹ con ở nhờ nhà người quen, tuy điều kiện không được tốt nhưng Hảo vẫn phát huy được khả năng sáng tạo, ham học hỏi của mình. Theo bà Thảo, việc lọt vào top 20 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 là bước đệm cho Kim Hảo biến ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi trong tương lai thành sự thực.

Sống, cống hiến cho cộng đồng - 3

Nguyễn Trọng Thủy

Đang là học sinh THCS tại Lộc Hà (Hà Tĩnh), Nguyễn Trọng Thủy (SN 2000) cũng là một trường hợp tuổi trẻ tài cao. Mô hình đèn Led điện tử do Thủy sáng tạo đã mang về cho Thủy và gia đình giải ba cấp tỉnh, giải nhì toàn quốc và huy chương vàng quốc tế tại Malaysia. Năm 2013, Thủy sáng chế thành công mô hình Robot mang lại giải nhì cấp tỉnh và giải nhất toàn quốc. Ông Nguyễn Trọng Tình, bố Thủy chia sẻ, Thủy học đều các môn, nhưng xuất sắc Toán, Lý, Hóa.

Lý giải về việc đam mê khoa học công nghệ của con, ông Tình nói, lúc Thủy 4 tuổi, nhà có mở quán net, nên hằng ngày, Thủy đều vào mạng tìm hiểu thêm kiến thức. “Được 4 năm, thấy con ham mê quá, tôi phải bỏ kinh doanh quán net”, ông Tình nói.

Cũng nhờ những năm tháng đó, lại có những tấm gương học giỏi cùng quê, và được bố mua trang thiết bị nghiên cứu nên Thủy rất đam mê sáng tạo. Chia sẻ về việc Thủy lọt vào 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013, ông Tình nói, đây là bước đệm, một sự cổ vũ lớn cho cá nhân Thủy và gia đình trong tương lai.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học

Thầy giáo hot boy tung bộ ảnh về tình cảm gia đình

Gặp gỡ "thầy giáo hot boy"

Thầy giáo hot boy lên tiếng vụ Bà Tưng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trường Phong (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN