Rắc rối khi ở với bạn cùng phòng

Hoàn không thể chịu đựng được khi cô bạn cùng phòng cứ dẫn người yêu về ngủ.

Chơi thân với nhau từ khi mới vào học năm thứ nhất trường Đại học Hà Nội, Tâm rủ Mai về ở trọ cùng. Sau thời gian đầu vui vẻ, người này bắt đầu có những mâu thuẫn với thói quen, lối sống của người kia, chê bai nhau từ việc rửa bát không sạch, lười đổ rác, bừa bộn… Cũng may sau một vài lần xích mích cả hai cùng thẳng thắn góp ý với nhau để có thể chung sống hòa hợp.

Tuy nhiên cũng có nhiều khúc mắc mà những người cùng phòng không thể thông cảm với nhau khiến tình bạn sứt mẻ. Ở cùng với một anh học khóa trên, Thiết (sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) luôn là người phải nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa.

Không chỉ lười làm, Hưng - chàng trai ở cùng Chính còn thường xuyên rủ bạn bè về phòng nhậu nhẹt, tiền phòng và tiền ăn thì nhờ Thiết ứng trước có khi qua vài tháng chưa thấy trả. “Mình thử góp ý để anh em sống với nhau cho thoải mái thì bị anh ấy đi rêu rao là “đồ đàn bà”, tính toán”, - Thiết than thở.

Còn Minh Châu (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) khó chịu khi những đồ dùng cá nhân của mình liên tục bị Hương - bạn cùng phòng mang ra dùng mà không hỏi ý kiến. Hai người suýt cãi nhau khi Hương lén lấy quần áo của Châu ra mặc rồi khi về thì nhét đồ bẩn đặt trở lại trong tủ.

Việc đưa người yêu về ngủ qua đêm trong khi có bạn cùng phòng cũng là việc khiến nhiều bạn trẻ không thể chấp nhận. Lần đầu còn vì lý do nhỡ xe hay mưa bão nên Hoàn (Đại học Thành Đô) đành nhường phòng cho người yêu của bạn rồi ngủ nhờ bên phòng hàng xóm. Nhưng khi người yêu của bạn cứ thường xuyên chơi đến khuya mà không định về thì Hoàn thực sự bực mình và quyết định “đấu tranh”.

Cũng nhờ vậy mà Hoàn không còn phải sống như người đi ở nhờ nữa nhưng cô bạn cùng phòng từ đó lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ, khó chịu với Hoàn. Dù biết mình đúng nhưng Hoàn cũng tự động tìm nơi ở mới để sống thoải mái hơn.

Tệ hơn là trường hợp của Bích Thảo (trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội). Phòng Thảo có ba người chung sống vui vẻ với nhau cho đến khi Thảo liên tục bị mất tiền trong phòng. Tiền để trong tủ, trong túi quần, trong ống đựng bút đều mất tăm mất tích.

Rắc rối khi ở với bạn cùng phòng - 1

Chính vì sợ gặp phải rắc rối khi ở chung nên nhiều bạn sinh viên quyết định ở một mình, dù tiền phòng hơi đắt đỏ (Ảnh minh họa)

Trong một tháng mà tiền tích cóp để mua điện thoại mới, tiền gia đình gửi lần lượt không cánh mà bay. Một mất mười ngờ, nhưng không dám nghĩ oan cho bạn mình nên Thảo đành cam chịu và vay mượn tiền của mọi người để trang trải qua lúc thiếu thốn. Nhưng rồi đến cả tiền đi vay mượn cũng biến mất. Lúc khó khăn nhất cũng là lúc Thảo phát hiện cô bạn cùng phòng chính là người lấy tiền của mình.

Chính vì sợ gặp phải những rắc rối tương tự như trên mà Trang (Học viện Hành chính Quốc gia) quyết định ở một mình. Dù chỉ là khác biệt trong chuyện ăn uống, sinh hoạt nhưng sau một lần ở chung với bạn, Trang từ chối ở chung với bất kỳ ai khác.

Trang thẳng thắn chia sẻ: “Mình không thích bị gò bó, mình ăn ở không theo nề nếp, thích ngủ lúc nào thì ngủ, ăn lúc nào thì ăn nên tốt nhất là ở một mình. Hơi tốn tiền phòng hơn một chút nhưng không ảnh hưởng đến ai nên cũng chẳng làm ai mất lòng”.

Suy nghĩ như Trang không sai nhưng không phải vì vậy mà các bạn sinh viên chỉ nên lựa chọn ở một mình. Có một người bạn cùng phòng ngoài việc chia sẻ gánh nặng về vật chất, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, học tập, bạn sẽ sống có trách nhiệm hơn. Đồng thời bạn còn có thêm một người đôi khi còn gần gũi hơn cả những người ruột thịt để tâm sự. Những lúc ốm đau thì nỗi mệt mỏi, buồn tủi cũng thuyên giảm ít nhiều khi có một người bạn cùng phòng hỏi han, chăm sóc.

“Nhân bất thập toàn” vì vậy hãy lựa chọn đối tượng thích hợp trước khi quyết định chung sống với ai đó và tìm cách thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với nhau để giải tỏa mâu thuẫn. Mang tâm trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng” cũng không thể giữ hòa khí lâu dài với một người mà bạn tiếp xúc thường xuyên nhất.

Hãy hóa giải mọi rắc rối để những tháng ngày sinh viên luôn vui vẻ không chỉ trên giảng đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Ngọc ([Tên nguồn])
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN