Nỗi lo của nhân viên công sở ra phố mưu sinh

Giống như rất nhiều nhân viên văn phòng khác, họ đã rời phòng máy lạnh sau giờ hành chính, để lao ra đường kiếm thêm thu nhập. Mọi thứ chưa hề dễ dàng đối với họ.

Anh Nguyễn Văn Long là chuyên viên của TS 24 Corp - công ty chuyên về công nghệ thông tin. Vẻ thư sinh với áo cổ cồn trắng được thay đổi từ 17g chiều mỗi ngày, khi anh khoác áo GrabBike vào để “cày” thêm. “Công việc làm thêm này là cơ hội tốt, nhưng mình là dân văn phòng, quen những thứ an toàn - bình lặng, giờ ra ngoài mới thấy xã hội phức tạp và bản thân phải tăng khả năng "tự bảo vệ" khi phải va chạm với quá nhiều thứ mới mẻ…”, anh Long bộc bạch.

Giống như rất nhiều nhân viên văn phòng khác, đã rời phòng máy lạnh sau giờ hành chính, để lao ra đường kiếm thêm thu nhập. Mọi thứ chưa hề dễ dàng đối với họ.

Đủ thứ chi tiêu nên "cổ cồn" cũng phải xuống phố

Anh Long quê ở Quảng Bình, cách đây 10 năm, vào Sài Gòn học ĐH Công nghiệp và lập gia đình ở đây. Lương nhân viên văn phòng cũng đủ trang trải cho hai vợ chồng với cuộc sống giản tiện. Nhưng cách đây hơn 1 năm, khi đứa con đầu lòng ra đời, hai vợ chồng “phát sốt” với bài toán chi tiêu.

Nỗi lo của nhân viên công sở ra phố mưu sinh - 1

Nghề chạy xe ôm công nghệ không đơn giản, những bác tài "cổ cồn" bị sốc với những "va đập" đường phố

“Khi tôi bảo sẽ chạy xe chở khách để kiếm thêm, vợ trợn mắt ngạc nhiên và lo lắng. Người gầy, dáng thư sinh như tôi liệu có thể xách xe ra đường bụi bặm mỗi ngày để kiếm tiền? Nhưng cuộc sống không cho phép mình dừng lại, vì con tôi cần có máy lạnh cho mát, cần thêm những hộp sữa đắt tiền để uống cho an tâm.... Thế nên, "cổ cồn" cũng phải lao ra đường phố mưu sinh thôi”- Anh kể lại.

Đủ thứ va đập… và nhiều trăn trở về hai chữ "an toàn"

Đăng kí làm tài xế GrabBike, ngày đầu tiên chạy xe ra đường, anh Long không thể tránh được hồi hộp. Vừa đến bệnh viện 115 (Q.10) định đón khách, anh đã giật bắn người khi nghe tài xế xe ôm truyền thống vốn “cát cứ” ở đó: “Mày ở đâu chui ra vậy? Đi chỗ khác chơi!”. Sợ quá, anh lủi mất, đi cả một đoạn đường dài mà trống ngực vẫn còn đập.

Ngày đầu tiên làm tài xế GrabBike, anh Long mang về cho vợ gần 200 ngàn đồng với tâm trạng khá hỗn độn. Anh bảo: “Trên đời này có công việc gì là dễ dàng đâu. Tôi cảm nhận được sự cực nhọc và thiếu an toàn khi hành nghề. Nhưng tính chất “còn có sức là còn có thể kiếm tiền” nên tôi thấy hào hứng. Cái tính cách yếu ớt, hiền lành của dân văn phòng cũng cần được va chạm để rắn rỏi hơn chứ. Nỗi lo thiếu an toàn nơi đường phố, rồi cũng sẽ có cách giải quyết”.

Khác với anh Long, chị Châu Thị Út (nhân viên phòng hành chính, Công ty xuất nhập khẩu Khang An) bị choáng theo kiểu khác khi những ngày đầu làm tài xế GrabBike. Chị Út hiền khô, ít nói. Khi chia tay với ông xã, gánh nặng nuôi con khiến chị phải táo bạo thay đổi cuộc sống. Gửi bé hai tuổi về cho bà ngoại ở Củ Chi chăm sóc, ngoài giờ làm việc ở công sở, chị quyết định làm tài xế GrabBike để kiếm thêm tiền nuôi con.

“Tôi cất đồng phục áo xanh lá trong cốp xe, sau giờ làm là thay váy công sở ra, trở nên bụi bặm hẳn. Chủ động ra phố mưu sinh, nhưng tôi vẫn sốc nặng với cuộc sống của một tài xế khi xuống phố. Đầu tiên là việc mình phải quen với môi trường giao tiếp bỗ bã của những người hành nghề xe ôm truyền thống. Sau đó là cứ thấy lành lạnh sau lưng khi chở khách nam, nhất là những khách đã có chút men. Một lần, đến bến xe Miền Tây đón khách, tôi bị những tài xế xe ôm truyền thống ở đó hùng hổ, giận dữ đuổi đi. Tính mình cũng dễ bị tủi thân, là phụ nữ mong manh, bị đối xử thô bạo một chút, dù chỉ là lời nói cũng muốn khóc rồi. Đó là chưa kể khi mình lái xe ngoài đường cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro”- Chị Út cho hay.

“Không thể nói trọn được một câu với mấy anh xe ôm ở bến xe An Sương”, Anh Nguyễn Phúc Đoàn (nhân viên công ty TNHH Toàn Thắng, Q. Bình Thạnh) chia sẻ. Anh tốt nghiệp ĐH Luật, hiện đang là nhân viên phòng marketing của công ty, nhưng hơn nửa năm nay “cày” thêm nghề tài xế GrabBike để góp tiền cưới vợ. Anh cho biết, hiện những tài xế GrabBike vẫn ngán nhất là tài xế xe ôm ở bến xe An Sương. “Ngày 30/4 vừa rồi, tôi trả khách ở bến xe An Sương, đang nấn ná để kiếm thêm khách thì bị hai người xe ôm truyền thống dáng cao lớn, xông ra giật nón bảo hiểm dọa đánh. Tôi giải thích chưa được một câu thì bị cả nhóm xe ôm truyền thống lao ra mắng chửi, đạp vào xe tôi”.

Mỗi tối, các tài xế công nghệ xuất thân từ dân văn phòng thường về đến nhà vào khoảng 10g - 12g. “Cần phải xác định rằng, rời môi trường công sở, ra phố mưu sinh là khá cực. Ai đó nói kiếm một ngày 3 - 4 trăm ngàn ngon ơ là không đúng. Cực thì sẵn sàng chấp nhận rồi, nhưng vấn đề là tôi còn cảm thấy trăn trở nhiều chuyện khác.

Tôi thấy nhiều tài xế xe ôm truyền thống có xe mới, sức khỏe tốt nhưng vẫn không tham gia xe ôm công nghệ mà kiên quyết làm tài xế xe ôm truyền thống. Có khi họ ngồi chờ cả buổi sáng mới được một cuốc xe, vì vậy nên phải “làm giá” cao lên, rồi áp lực thu nhập khiến họ không thể bình tĩnh khi thấy GrabBike liên tục đón khách trước mặt mình, trong khi mình ế chỏng chơ. Xung đột đáng tiếc và rủi ro cho những người làm nghề "tay ngang" như tôi cũng xảy ra từ đó”, Anh Long bộc bạch.

 (Đón đọc kì 2: Lựa chọn nào để mưu sinh an toàn?)

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN