Những chàng trai là tỷ phú sáng tạo

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Những sáng kiến của họ không chỉ mang lại tiền tỷ. Nên có thể gọi các chàng trai trẻ này là tỷ phú sáng tạo với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thành công từ nghề tay trái

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Công nghiệp (Thái Nguyên) nhưng Nguyễn Văn Bách (sinh năm 1981) quyết định về quê ở xã Phú Yên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) làm nông dân.

Những chàng trai là tỷ phú sáng tạo - 1

Nguyễn Văn Bách

Bách cho hay: “Ở quê tôi quanh năm người dân lam lũ với hai vụ lúa, ngô, không đủ sống. Tôi thấy ở nhiều nơi có mô hình chuyển đổi giống cây trồng thành công, tôi nghĩ tại sao mình không làm được trong khi mình còn trẻ, được học hành đàng hoàng. Tôi quyết định tìm hiểu về cây trồng phù hợp”.

Bách đi tìm hiểu cây chanh và nhận thấy ở miền Trung có giống chanh trái mùa, ở Đà Lạt có chanh tứ mùa.

Năm 2010, Bách bán xe máy, vay mượn bạn bè được tất cả 20 triệu làm vốn lên Đà Lạt mua giống cây và học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu với 100 cây giống Bách đã thành công.

Khi được hỏi là dân công nghệ thông tin lại đi làm nông nghiệp có gặp khó khăn gì không? Bách cười: “Tôi phải tự trang bị kiến thức nông nghiệp cho mình bằng cách đi thực tế các nhà vườn và tìm hiểu kỹ thuật cây trồng trên mạng”.

Hiện, Bách đã nhân rộng mô hình, cây chanh cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương. Anh vừa được T.Ư Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của và được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng bằng khen thanh niên làm kinh tế giỏi.

Nông dân 8x kiếm 9 tỷ đồng/năm

Giống Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Sỹ Luận (sinh năm 1985) cũng chọn quê nhà ở Mỹ Đức (Hà Nội) để lập nghiệp với mô hình kinh doanh trang trại lợn sạch.

Thành lập Cty và làm giám đốc từ năm 23 tuổi, Nguyễn Sỹ Luận đã đầu tư trang trại với tổng diện tích 70.000m2 với kinh phí 30 tỷ đồng, trong đó diện tích chuồng trại 12.600m2 với 5.700 con lợn và diện tích ao thả cả 11.000m2.

Những chàng trai là tỷ phú sáng tạo - 2

 Nguyễn Sỹ Luận

Trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo vệ sinh và phương pháp chăn nuôi theo hướng sinh học. Là giám đốc nhưng Luận thường trực tiếp vào chuồng trại, làm việc cùng công nhân. Hiện, công ty của anh có doanh thu 9 tỷ đồng/năm và lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động.

Chia sẻ về những táo bạo trong đầu tư, Luận cho rằng, vừa làm vừa mở rộng, nhưng lúc nào cũng thấy còn nhiều khó khăn.

Kinh doanh có nhiều rủi ro, Luận luôn bám sát chuồng trại, chăm sóc cẩn thận đề phòng dịch bệnh khi thay đổi thời tiết. Anh từng chia sẻ, không dám đi xa nhà quá nửa ngày, vì anh lo lắng cho đàn lợn, đàn cá.

Với những nỗ lực của mình, Nguyễn Sỹ Luận được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của, là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2013 và nhận bằng khen của Bộ trưởng NN&PTNT vì có thành tích xuất sắc trong chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội năm 2011.

Cây sáng kiến

Được mệnh danh là cây sáng kiến, dám nghĩ, dám làm, Trương Anh Văn (sinh năm 1983, Cty TNHH MTV Cao su Thống nhất- Tổng Cty Công nghiệp Sài Gòn) vừa được Thành Đoàn TPHCM tôn vinh là 1 trong 7 công dân trẻ tiêu biểu.

Năm 2012, Anh Văn chế tạo thành công máy đóng gói sản phẩm Deck (sản phẩm dùng lợp mái nhà làm bằng inox kết hợp cao su). Sản phẩm này xuất sang thị trường châu Âu.

Những chàng trai là tỷ phú sáng tạo - 3

 Trương Anh Văn

Chế tạo của Văn góp phần giúp Cty cao su Thống Nhất làm trọn gói sản phẩm hoàn thiện thay vì chỉ làm một khâu như trước đây. Việc đưa máy vào sử dụng làm lợi cho Cty hơn 100 triệu/năm, được đối tác nước ngoài đánh giá cao và đã đặt mua thêm.

Anh Văn còn là tác giả của nhiều công trình có giá trị khác như cải tiến hệ thống gia nhiệt nóng - lạnh cho máy cán; Cải thiện hệ thống lưới điện Cty với tổng giá trị tiết kiệm làm lợi 1,2 tỷ/năm. Anh chia sẻ: “Tôi có đam mê chế tạo. Trong quá trình làm việc tôi vận dụng những kiến thức về cơ khí và tự động hóa đã học được để góp phần làm lợi cho Cty và giải phóng sức lao động cho công nhân”.

Làm lợi 900.000 USD/năm

Có nhiều sáng tạo đột phá, Mai Văn Phương (sinh năm 1982), kỹ sư trưởng bộ phận vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02 (Cty TNHH MTV dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC) mỗi năm làm lợi cho Cty gần 900.000 USD.

Anh chia sẻ “giải pháp chống bỏ line do hỏng solenoid và pigtail ở súng có volime” của anh năm 2012 là đột phá tiết kiệm cho Cty 500-600 USD mỗi chuyến đi (6 tuần/ chuyến đi).

Những chàng trai là tỷ phú sáng tạo - 4

Mai Văn Phương

Bên cạnh đó giải pháp đồng bộ tránh hư hỏng và tăng tuổi thọ làm việc của Umbilicals (một loại dây trong bộ phận điều khiển nguồn nổ) đã làm lợi cho Cty 200.000 USD/năm. Giải pháp tích hợp nâng cao an toàn các Emgency Stop cho tất cả hệ thống Hydraulics năm 2013 của Mai Văn Phương cũng được đánh giá cao bởi tính an toàn. Những cải tiến này đều đạt giải cao trong phong trào cải tiến của Cty.

Anh Phương cũng là kỹ sư trưởng người Việt Nam đầu tiên điều hành bộ phận nguồn nổ tại tàu Bình Minh 02. Khi xảy ra sự cố trên tàu tháng 5/2011, anh đã quản lý chỉ đạo bộ phận điều khiển nguồn nổ xử lý tình huống, nhanh chóng khắc phục khó khăn đưa tàu Bình Minh 02 trở lại hoạt động bình thường làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Mai Văn Phương tốt nghiệp hai trường đại học là Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Kinh tế, khoa Quản trị kinh doanh. Anh cũng nhận được nhiều giải thưởng như Người thợ trẻ giỏi năm 2013, nhận được nhiều bằng khen của đơn vị và T.Ư Đoàn.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Sống, cống hiến cho cộng đồng

Gặp cao thủ học tập và nghiên cứu khoa học

Người trẻ cần được truyền cảm hứng

Nữ thần đại học xứ Hàn xinh đẹp chỉ số IQ cao

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Yến (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN