Những âm thanh quanh xóm trọ (P.1)

Thanh vừa dẫn mấy người bạn ra khỏi phòng đã bị bà mông to làu bàu, lườm nguýt.

Bà chủ nhà Thanh kể sân chung trước là cái giếng làng, sau người ta lấp đi, trở thành cái sân chung như thế. Mà đã là giếng làng, là sân chung thì hẳn nhiên là đông vui. Cái sự đông vui của giếng làng xưa giờ thành sự đông vui của sân chung mới.

Lần đầu tiên nhìn thấy căn phòng tầng hai rợp bóng cây cảnh với ban công rộng rãi,  Thanh đã gật đầu đồng ý thuê luôn mặc cho bà hàng xóm bên cạnh rỉ tai cô "bà chủ nhà khó tính lắm". Thanh hối hả thuê xe chở đồ đến với niềm tin chắc như đinh đóng cột đây sẽ là điểm trọ cuối cùng trong quãng đời sinh viên của mình sau năm lần bảy lượt vật vã chuyển nhà. Nhà nằm trong ngõ sâu, Thanh yên tâm là đủ tĩnh lặng cho cái sự nghiệp ăn, học, ngủ, nghỉ của mình.

Bình minh ngày đầu ở nơi trọ mới, vọng xa xa Thanh nghe thấy tiếng xe cộ chạy trên đường Láng phía bên kia con sông Tô Lịch quanh năm “hương sắc”. Thanh trở mình. Đúng là thành phố, âm thanh ầm ĩ ngày đêm. Cũng đã trải qua gần một năm trời ở Hà Nội nhưng cô thấy mình vẫn chưa thể hòa nhập được với những nhộn nhạo, xô bồ của cuộc sống nơi đây.

Cô ngửa mặt lên trần nhà. Những vệt vôi trắng bong thành từng mảng mỏng, lơ thơ sắp sửa rơi. Những đường vỡ lượn quanh như sợi chỉ mảnh chạy ngang, chạy dọc. Ở một mình nhiều khi rất ảm đạm, nhưng Thanh không nghĩ sẽ chia sẻ cuộc sống này cùng ai. Bạn thân của cô đi học trên mảnh đất Hà Nội này cũng có, nhưng trường hai đứa lại ở rất xa nhau. Nhiều khi nói chuyện đến chơi với nhau còn ngại, huống hồ mỗi ngày đi học, một trong hai đứa lại phải chật vật ngược xuôi?

Rồi Thanh chẳng thấy những âm thanh nhộn nhạo đó nữa. Cô nằm im, lắng tai nghe. Tiếng chổi tre lạo xạo cất lên trong buổi sớm. Yên bình quá. Thanh không mở mắt, nhưng đầu óc đã thấy tỉnh táo. Thanh nhớ đến ông nội mình ở nhà, sáng sáng cũng đều quét sân bằng chổi tre như thế. Nước mắt Thanh chợt ứa ra, chảy vòng quanh má. Từ ngày ông nội mất, mẹ cũng quét sân, nhưng chỉ tranh thủ quét vào lúc chiều khi mẹ đi làm về. Thành ra, Thanh không còn được nghe thấy tiếng chổi tre thân thương mỗi sáng như thế nữa. Thanh chợt thấy chốn xa xôi có chút máu thịt của mình.

Những giọt nắng đầu tiên rơi qua cửa sổ, đậu lên mí mắt Thanh. Tiếng chuông báo thức reo vang đẩy cô ra khỏi những kỉ niệm xưa cũ. Cô dậy, bắt đầu cho một ngày mới, ở một chốn mới.

***

Nhưng rất nhanh chóng Thanh nhận ra rằng, cái sân chung với tiếng chổi tre không là mộng tưởng của mình.

Trưa về nhà, Thanh đã trông thấy sân chung tấp nập hẳn. Người chơi cơ, người nhặt rau, người bế con, bế cháu ra sân chơi. Cũng hiếm nơi nào ở thành phố này mà hàng xóm lại quây quần với nhau đến vậy. Âu cũng là nhờ cái sân chung rộng rãi này.

- Cháu vào nhờ với ạ!

Thanh hơi cúi người xin phép một bà tuổi chừng ngoài sáu mươi đang ngồi nhặt rau trên bậc thềm nhà trọ của mình. Nhưng cái mông to bản của bà ấy không hề nhúc nhích. Thanh đột nhiên thấy bối rối. Có đôi khi những thứ nhỏ nhặt như vậy lại khiến người ta băn khoăn không biết làm thế nào.

Khi Thanh đang chuẩn bị mở miệng xin phép câu thứ hai thì một bà khác ngồi gần đấy huých tay bà kia:

- Bà xích ra cho cháu nó còn vào kìa.

Thanh nuốt câu nói của mình vào trong miệng. Thật may. Nhưng ngay lập tức cô bắt gặp ánh mắt lườm sắc lẹm và cái ngữ điệu chua như dấm:

- Mày không có mồm à, muốn vào thì phải nói chứ?

À vâng, người ta trước khi vào nhà mình cần xin phép hàng xóm chứ còn hàng xóm nhất định không tự động biết ý mà tránh ra đâu. Thanh thấy hơi khó chịu, nhưng cô vẫn nhã nhặn đáp lời.

 - Vâng, cháu có nói rồi nhưng chắc bà không nghe thấy!

Thanh ngậm bồ hòn làm ngọt.

- Mày phải nói to lên, tai tao bị điếc đấy.

Điếc mà chỉ cần bà kia nói nhỏ mà đã nghe thấy, thật là cũng hay quá, Thanh thầm nghĩ, nhưng không dám cãi. Bà ấy tuy có quá đáng thật nhưng vẫn là người lớn, Thanh không muốn đôi co nhiều.

Bà hàng xóm khó chịu xịch cái mông to bản quản một bên, Thanh khép nép dắt xe vào nhà, chỉ sợ xe mình mà chẳng may quệt vào bà ấy thì khổ.

Thanh thở phào khi cuối cùng mọi chuyện cũng bình an. Thanh lọ mọ trèo lên cầu thang, với cái khăn rửa mặt rồi treo lên móc thì nghe thấy tiếng quát tháo của một bà mẹ trẻ:

- Mở miệng ra, tao bảo mở miệng ra cơ mà.

Rồi sau đó là tiếng tát đét vào người. Đứa bé bị đánh, bao nhiêu bột ăn trước đó theo tiếng khóc mà phun ra cả. Và tiếng quát tháo của bà mẹ càng ngày càng to hơn.

Tiếng chổi tre thân thương tự dưng biến mất trong trí óc Thanh không dấu tích. Hai từ “sân chung” nghĩ đến mà Thanh cảm thấy gai người.

***

Những âm thanh quanh xóm trọ (P.1) - 1

Thanh lại nghe thấy tiếng chổi tre, nhưng chổi tre lần này nhịp khác... (Ảnh minh họa)

Sáng hôm sau, Thanh vẫn đón bình minh trong tiếng chổi tre. Tiếng chổi tre chậm và đều, gần gũi như những thanh âm quen thuộc thường thấy của cuộc sống. Thanh không nằm im nữa mà thức dậy ngó ra ban công. Một bác gái tầm trên năm mươi tuổi đang cúi người quét, từng nhát chổi của bác đều và dày. Bác gạt khẽ lọn tóc vừa xòa ra, tiếng chổi tre bị đứt khúc một nhịp rồi lại vang lên, đều đặn. Thanh hít căng lồng ngực chút không khí thanh mát buổi sáng hiếm hoi của một ngày trời dịu. Giữa thế giới lộn xộn này, vẫn còn những người đang để người ta yêu thương như thế.

Thanh định quay người thì ánh mắt Thanh chợt bị níu lại ở người bên cạnh. Một anh trai gần ba mươi nhưng có vẻ lơ ngơ. Anh níu áo mẹ đang quét sân, như trẻ con níu áo vậy. Bác gái dừng quét, tiếng chổi tre cũng im. Bác xoa đầu con trai, anh ngây ngô cười đáp lại.

Thanh chợt cảm thấy chạnh lòng. “Ở hiền gặp lành”. Đời không phải là mơ.

Lúc chiều Thanh đi chợ về - cái chợ cóc con con đầu ngách ít thứ nhưng cũng đủ cho một bữa cơm sinh viên đạm bạc qua ngày thì bắt gặp anh trai ban sáng. Anh đứng dưới cây cột điện, tay đang cầm vốc hạt hướng dương còn miệng thì tóp tép nhai. Anh ngây ngô cười chìa tay ra trước mắt Thanh, ý bảo ăn đi này. Nhưng Thanh lắc đầu bước qua. Tự dưng Thanh thấy mắt mình nhòe đi, tai thoáng nghe tiếng chổi tre ban sáng.

Trưa hôm sau, Thanh thấy xác bóng bay nổ tung đầy chỗ sân chung, cứ như người ta vừa làm một đám cưới ở đây.

Thanh thấy tiếng mấy bà buôn chuyện phía dưới. Thì ra có đám cưới thật. Nhưng đám cưới sao mà chớp nhoáng.

- Gái quê lấy chồng phố bố mẹ cười tít cả mắt.

Giọng người đàn bà dài ra khiến Thanh có thể thấy ngay được cái bĩu môi và ánh mắt khinh thường người khác. Thanh cũng là gái quê, Thanh chả thích gì thành phố. Thành phố đấy. Hào nhoáng nhưng mục ruỗng. Sân chung, bới ra biết bao điều.

Thanh lại nghe thấy tiếng chổi tre, nhưng chổi tre lần này nhịp khác. Nhịp chổi quét chưa đều và có cái gì đó như còn bần thần. Thanh ngó người qua ban công. Một cô gái trẻ, có lẽ chỉ hơn tuổi Thanh một chút đang quét sân. Thanh chợt hiểu. Cô dâu mới. Chú rể đứng bên cạnh, níu áo cô dâu như từng níu áo mẹ.

Tiếng chổi tre, Thanh như thấy ở đâu đó, có hai bà mẹ đang khóc thầm.

Đám cưới vội với những màu hồng của xác bóng bay…

***

Một người đàn ông ré lên cái điệu cười kinh dị mỗi khi ông ta ăn được một quân cờ của đối thủ. Cái điệu cười khiến một người ngoài cuộc như Thanh cũng cảm thấy khó chịu. Thanh thấy thương cho người chơi cùng với ông ta, ngày nào ông ta cũng cười lên cái điệu cười khinh người như thế. Thanh chỉ cầu mong cho ông ta thua, để ông ta không còn cười được như thế nữa. Thanh thấy đau đầu. Tiếng đập những quân cờ vang lên chát chúa.

Hôm nay Thanh có bạn vào. Mấy đứa nhờ Thanh chỗ cắm hoa để bán ngày lễ. Mỗi đứa một câu, vui vẻ cắm hoa.

Lúc Thanh tiễn bạn ra cửa, mấy đứa lập tức bắt gặp cái lườm của bà mông to.

- Chúng mày trưa phải để cho người khác ngủ chứ, cười nói nó vừa vừa thôi. Bà chủ nhà chắc ngại không dám nói chúng mày, tao nói. Ngày nào trưa cũng ầm ầm làm sao ngủ được.

Ngày nào? Thanh chỉ ở một mình, nói chuyện với ai mà có thể ầm ầm đây? Thanh định xin lỗi, nhưng nghe bà ấy nói vậy liền thôi.

Bà chủ nhà bênh Thanh:

- Tôi đâu có nghe thấy gì đâu.

Vậy thì chắc là Thanh đã không ồn đến nỗi hại mọi người như bà ấy nói. Thanh cảm ơn bà chủ nhà lắm, ai nói bà khó tính. Đúng thật chỉ là đặt điều.

Bà mông to làu bàu một lát nữa. Thanh không muốn nghe thêm. Cô lên phòng. Chồng bà chơi cờ, phá cả làng xóm đau đầu, sao bà không nói. Thật là mệt.

Tiếng kẻng đổ rác leng keng vang lên. Thanh xách túi rác đi đổ, tiện thể đổ giúp luôn cả bà chủ nhà. Bước châm cô chậm lại. Thanh thấy cô dâu mới, chủ rể mới đi đổ rác cùng nhau. Cô dâu hơi cúi đầu, còn chú rể lại ngây ngô cười.

Tiếng chổi tre, bao giờ lại đều như ngày xưa cũ…

(Còn nữa)

Thanh - một cô bé nhà quê lên thành phố học đại học. Dù đã sống ở đây hơn một năm nhưng cô vẫn không thể hòa nhập được cuộc sống nơi này! Những âm thành ầm ĩ, nhốn nháo của xe cộ, thành phố hay những âm thanh chát chúa của bà hàng xóm mông to, tiếng cười kinh dị của gã đàn ông chơi cờ... và những âm thanh to nhỏ của những người đàn bà rủ rỉ tai nhau nói xấu nơi xóm trọ điều khiến cô khó chịu... Nhưng cuộc sống sẽ giúp Thanh hòa nhập với cuộc sống với những âm thanh bình yên, hỗn tạp nơi đây. Cô sẽ đón nhận những điều mới mẻ đó như thế nào? Và cảm nhận của cô về cuộc sống mới ra sao? Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo vào lúc 11h00 ngày 16/07/2013!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trịnh Trần ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN