Người đàn bà cả đời ôm mối hận

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Cho đến cuối đời bà vẫn chưa bao giờ được một lần cảm nhận hơi ấm từ tình mẫu tử.

Với bất kỳ người phụ nữ nào, niềm hạnh phúc lớn nhất trên đời của họ chính là được làm mẹ, được sinh ra những đứa con, yêu thương, che chở cho chúng, dù chúng có ốm đau, bệnh tật. Thế nhưng trong khi vô vàn những người phụ nữ không có được thiên chức làm mẹ ấy thì lại có những người mẹ đang tâm bỏ rơi, hắt hủi chính đứa con mình.

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Vui (62 tuổi) tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Sinh ra vốn đã yếu ớt, bà lại mang trong mình căn bệnh sài giật. Lẽ ra lúc ấy, mẹ phải là người yêu thương, che chở và bảo vệ bà thì người mẹ ấy đã hắt hủi, rồi bỏ chồng bỏ con đi theo một người đàn ông khác.

Giá như chưa bao giờ có mẹ

Gặp bà Vui ở trung tâm bảo trợ, tôi ấn tượng bởi dáng người nhỏ bé và bàn tay trái quặp lại không cử động được của bà. Khuôn mặt bà như mang một nỗi buồn vô tận, đôi mắt nhìn về xa xăm như chất chứa những tâm sự thầm kín khó trải lòng, ánh mắt khiến người khác phải chạnh lòng.

Thấy có người lạ tới nói chuyện, bà còn chưa trải lòng. Bà cười bảo: “Bà mới vào đây được gần 1 năm. Ở quê không còn người thân nào cả. Bố mẹ anh chị em cũng đều chết cả rồi. Bà cũng không có chồng”. Nhưng sau nụ cười ấy, tôi thấy khuôn mặt bà trở nên nặng trĩu, đôi mắt long lanh rớm lệ. Có lẽ đằng sau câu nói ấy là cả  một cuộc đời bất hạnh mà bà không muốn kể với ai. Đưa tay phải sang vuốt ve bàn tay trái dị tật, bà bất đầu kể cho tôi nghe về quá khứ và tuổi thơ bất hạnh của mình.

Trước đây bà cũng có một gia đình, có bố mẹ và một người em gái. Quê nội bà ở Hải Dương, còn quê ngoại ở miền Nam. Cả bố và mẹ đều là nông dân, do cuộc sống khó khăn, mẹ bà ở trong Nam ra ngoài Bắc làm thuê nên họ gặp nhau và yêu nhau. Sau khi kết hôn được vài năm, về quê nội làm ăn cũng khó khăn nên cả hai vợ chồng dắt nhau lên vùng Sơn Động, Bắc Giang để khai hoang và làm ăn sinh sống.

Đất rộng nhưng người thì ít, lại chẳng quen được ai nên cuộc sống của gia đình cứ trôi đi buồn tẻ. Họ làm nhiều năm nhưng kinh tế cũng chẳng khá lên là mấy, cuộc sống vẫn khó khăn lam lũ, đầu tắt mặt tối mà vẫn không có của ăn của để, không được giao lưu bè bạn, không được chơi bời. Mẹ bà đã quen sống sung sướng nên việc ngày ngày lên nương làm rẫy vất vả khiến bà không chịu nổi và sinh ra chán nản, lười biếng, vợ chồng xích mích, cãi cọ với nhau.

Thêm vào đó, đường con cái lại không như ý. “Hồi tôi mới sinh ra đã bị bệnh sài giật. Trong lúc đang lên cơn giật, vì thương con mẹ tôi không biết đã ôm chặt quá. Khi hết cơn thì tay bị bẻ gập vào, xương bị bẻ cong. Từ đấy bà ấy hắt hủi, ghét bỏ tôi. Bà ấy còn nói là cho mày chết, cho khổ cả một đời”, bà Vui nhớ lại.

3 năm sau, mẹ bà lại sinh được một người con gái nhưng người em gái của bà chưa đầy 3 tuổi cũng bị bệnh sưng phổi mà mất. Sẵn bực dọc trong lòng, lại thêm đứa con bệnh tật nên mẹ bà cũng không còn thiết tha gì tới chồng con nữa, chỉ mong sao có thể thoát khỏi nơi vùng sâu này để trở về với chồn phồn hoa đô hội. Thế nên lúc bị bệnh, bố mẹ cũng không được chữa chạy cho bà phần vì nhà nghèo, phần vì người mẹ nghĩ sẽ không chữa khỏi được và không trông mong gì ở đứa con bệnh tật như bà.

Đáng lẽ ra, trong lúc con bị bệnh, người mẹ phải là người lo lắng cho con nhất, thương yêu và che chở cho con nhất thì người mẹ ấy lại xa lánh, bỏ mặc và hắt hủi con mình. Còn gì đau đớn hơn khi đứa con sinh ra mà không được đón nhận tình yêu thương của mẹ. Trong ký ức của bà Vui, hình ảnh của mẹ hiện lên thật rõ nét nhưng đó không phải là những kỷ niệm đẹp, sự yêu thương, che chở đùm bọc mà là những trận đòn roi, mắng mỏ.

Bữa cơm nào bà cũng bị mẹ mắng vì xúc cơm một tay hay bị vãi: “Có miếng cơm cũng không xúc được mà ăn, ra ngoài kia mà bốc đất”. Rồi những lần không làm được việc, bà đều bị mẹ mắng là đồ ăn hại, đồ vô dụng. Những lúc ấy, bà Vui chỉ biết im lặng và khóc thầm. Cho đến cuối đời bà vẫn chưa bao giờ được một lần cảm nhận hơi ấm từ tình mẫu tử. Nhìn bạn bè xung quanh được mẹ yêu thương, chăm bẵm, nhiều lúc bà bật khóc và cảm thấy tủi thân.

Mẹ hắt hủi, ghét bỏ bà chỉ còn biết sống với bố. Mẹ thích làm thì làm, thích chơi thì chơi, bà cũng chẳng còn quan tâm nữa. Mỗi lần nhìn thấy mẹ, bà chỉ biết cúi đầu tránh xa như người ta sợ cọp. Vốn là người hiền lành, ít nói nên bố bà cũng không còn cách nào khác để khuyên bảo hay thuyết phục mẹ. Dù còn khó khăn, song bố bà cũng cho đi học để thoát cảnh mù chữ.

Lúc bà đi học, không có ai giúp đỡ, mẹ bà thường rủa: “Cái đồ què quặt thì học hành làm gì cho tốn cơm tốn gạo”. Học đến lớp 3 thì bà phải nghỉ học, về nhà giúp bố và kiếm việc làm thêm vì không còn tiền đi học nữa. Thương con nhưng cũng không còn cách nào khác, bố bà cũng động viên bà chịu khó làm lụng. Bố ở nhà làm nương rẫy, cấy lúa, chăn nuôi còn bà thì đi làm thuế, xới bờ bãi, làm nương rẫy cho bà con quanh xóm.

Trời nắng thì bà đội nón, trời mưa thì mặc áo mưa, không quản ngại khó khăn vất vả, chỉ mong kiếm được tiền giúp bố bớt khổ.Thế nhưng trong lúc hai bố con nai lưng làm lụng kiếm tiền thì cũng là lúc người mẹ vì nghèo khó mà thay lòng đổi dạ, bỏ hai bố con ra đi. Người mẹ ấy còn bảo: “Chồng thì già yếu, con thì què quặt, ở với hai bố con mày thì sau này cũng chẳng trông mong được gì”.

Thế là năm bà 9 tuổi, mẹ lẳng lặng bỏ đi theo người đàn ông khác vào Nam. Dù không nói ra nhưng cả  hai bố con đều biết bà đã phản bội lại chồng con và đi tìm cho mình một chốn bình yên, sung sướng khác. Từ ngày mẹ bỏ đi, mẹ bà chưa một lần về thăm lại bà, bà cũng không móng người đàn bà ấy quay lại tìm mình vì trong ký ức của bà, người mẹ ấy coi như đã chết. “Bà ấy không thương con đâu, chắc không bao giờ về nữa đâu” – bà Vui tâm sự.

Người đàn bà cả đời ôm mối hận - 1

Sự nếm trải những trái đắng của cuộc đời đã cho bà nghị lực sống để vượt qua những mất mát đau thương (Ảnh minh họa)

Sau đó không lâu, bố bà cũng mất vì già yếu và lao lực làm ăn, chỉ còn mình bà Vui bơ vơ giữa cuộc đời, giữa chốn đồng không mông quạnh, không một người thân che chở, không một sự an ủi động viên. Không thể tự mình làm hết những việc nương rẫy và quán xuyến việc gia đình, bà đi khắp vùng làm thuê, làm bờ bãi rồi đi ở cho những gia đình giàu có.

Cuộc đời bất hạnh

Mỗi khi có ai hỏi đến gia đình, người thân, bà đều bảo bố mẹ và em mất hết. Mỗi khi nhắc đến mẹ, lòng bà lại quặn đau, giá như trên đời này không có mẹ thì còn tốt hơn. Rồi bà cố gắng quên hết quá khứ, bà đi lang thang khắp vùng tìm việc làm thêm, kiếm miếng cơm bát gạo qua ngày. Bà có thể làm tất cả mọi việc, nhưng chỉ có thể làm được một tay vì bàn tay trái đã bị quặp lại, ngón tay teo đi, không cử động được. Thân hình cũng nhỏ bé, dáng gù vì chậm phát triển.

Ngày ngày bà đi kiếm củi, phát nương làm rẫy, xới bờ bãi cho bà con quanh vùng, rồi đi ở cho người ta, lúc thì ngủ bờ bụi, lúc thì ngủ nhà chủ. Lúc ấy bà chỉ còn biết lấy công việc làm mục đích sống của mình, làm động lực để giúp bà quên đi quá khứ bất hạnh, quên đi ký ức về một người mẹ tồi tệ.

Tình thân gia đình không có, những con người trong xã hội cũng làm ngơ trước một con người bất hạnh và bóc lột sức lao động của bà một cách tàn nhẫn. “Ngày ngày đi làm thuê, có người thì trả tiền, nhưng cũng không nhiều, thậm chí có người còn không trả vì họ bảo mình làm không được việc, làm không bằng người ta, so bì với người khỏe mạnh để quỵt tiền mình. Biết thế mà không làm gì được nên đành phải chấp nhận. Nhiều lúc cũng nghĩ mình sẽ đi tu nhưng vì tâm chưa tĩnh nên không thể vào trốn cửa phật”,  bà Vui nhớ lại.

Con người nhỏ bé, yếu ớt, bệnh tật và thiếu thốn tình thương ấy cũng đã chịu đựng được những gì đau là đau thương nhất, khổ cực nhất. 30 năm lưu lạc và sự nếm trải những trái đắng của cuộc đời đã cho bà nghị lực sống để vượt qua những mất mát đau thương, tiếp tục sống tiếp cuộc đời.

Nhắc về mẹ mình, bà vừa nói vừa khóc: “Bà ấy vào Nam lấy chồng và cũng có một đứa con rồi, nhưng cũng chẳng bao giờ trở về nữa đâu. Từ khi sinh ra đã không có tình cảm mẹ con rồi. Nhiều người bệnh tật ốm yếu, người ta vẫn thương yêu con, đùm bọc, che chở cho con. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình mà thấy buồn, tủi thân và hận mẹ mình hơn. Bị mẹ đẻ hắt hủi còn đau đớn hơn là không có mẹ”.

Biết hoàn cảnh đáng thương của bà, hơn nữa mọi người xung quanh trong thôn cũng biết bà lang thang đã nhiều năm nên cán bộ thôn đã làm đơn và gửi bà vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để bà được chăm sóc và sống nốt những ngày còn lại cuối đời.

Từ ngày vào trung tâm, bà Vui cảm thấy thoải mái, thanh thản hơn, được nói chuyện, giao lưu với những người có cùng hoàn cảnh với mình. Bà không còn nghĩ nhiều nữa, chỉ mong được sống những ngày tháng yên bình tại trung tâm. Tôi hỏi: “Nếu có một ngày người mẹ tội lỗi ấy tìm về với bà, bà có nhận không?”. Bà cười rồi khẳng định: “Bà ấy không bao giờ trở lại nữa đâu”.

Nhưng nhìn vào ánh mắt, nụ cười của bà, tôi hiểu được niềm hy vọng và niềm tin về tình mẫu tử còn tồn tại trong tâm trí bà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN