Ngày 8.3 của những phụ nữ lao động chân tay

Ngày 8/3, dường như là một điều xa xỉ đối với những người phụ nữ lao động chân tay, quanh năm đầu tắt mặt tối, bon chen giữa dòng đời để mưu sinh.

Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, ngày “một nửa thế giới” chìm trong niềm hân hoan lời chúc và quà tặng. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ nữ từ nông thôn trôi dạt về Hà Nội để kiếm sống, gánh nặng cơm áo gạo tiền biến họ trở thành trụ cột của gia đình, không biết đến 8/3 là gì.

Ngày 8.3 của những phụ nữ lao động chân tay - 1

Chị Vi Thi Hoa tất bật với những gánh hàng rong.

Họ vẫn là những người mẹ nhưng có số phận hoàn cảnh thiệt thòi, lao động vất vả, không quản hôm sớm mưu sinh, bán hàng rong, bòn nhặt rác trong đêm chỉ mong con cái thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Khi được hỏi về ngày mùng 8.3, chị Vi Thị Hoa, 46 tuổi, Ân Thi, Hưng Yên, có 6 năm bán hàng rong ở Hà Nội cho biết: “Tôi nhiều tuổi rồi nên thấy ngày nào cũng vậy, sáng sớm dậy chuẩn bị đồ để bán hàng. Chỉ mong hôm đó nhiều khách, bán hàng chạy tăng thu nhập lo cho con cái học hành”.

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bỏ chồng con sau lưng, chị Nguyễn Thị Hương, Xuân Trường, Nam Định lên Hà Nội buôn phế liệu, thu gom rác.

Ngày 8.3 của những phụ nữ lao động chân tay - 2

Niềm vui của chị Hương là nhặt được nhiều chai, lọ để bán phế liệu.

Niềm vui lớn nhất với chị Hương trong ngày 8/3 là nhặt nhạnh từng chai nước khoáng, giấy bọc quà để kiếm thêm mấy chục nghìn, trang trải cuộc sống.

Trường hợp chị Hương không phải là hiếm, chị Phạm Thị Hằng làm nghề thu gom phế liệu ở Hà Nội đã 3 năm, trình độ học vấn dừng lại ở bậc tiểu học khiến chị chỉ biết quanh quẩn với những công việc lam lũ, vất vả.

Chị thuê một căn phòng nhỏ, tiền thuê đã được coi là rẻ so với mặt bằng chung nhưng nhiều lúc đến tháng vẫn phải chạy vạy. “Chị quen như vậy rồi nên dần dà 8/3 không còn là ngày gì đặc biệt với chị nữa, có nhớ ra cũng chỉ để nó trôi qua lặng lẽ”, chị Hằng nói.

Ngày 8.3 của những phụ nữ lao động chân tay - 3

Gánh nặng cơm áo khiến chị Hằng không mảy may đến ngày 8.3.

Đối với những phụ nữ là công nhân vệ sinh thì đó lại là một ngày vất vả hơn so với ngày thường.

“Ngày thường thì từ 4 giờ chiều đến qua 9 giờ tối, những dịp lễ, chúng tôi thường xuyên được bố trí tăng ca, vì lượng rác thải dân sinh cũng như từ các cơ quan, doanh nghiệp những ngày này đều nhiều hơn. Đi làm cả ngày, thời gian ngồi với nhau ăn bữa cơm còn chả có, nói gì đến hoa và quà”, Chị Lê Thị Tâm, công nhân môi trường chi nhánh tại quận Đống Đa bộc bạch.

Ngày 8.3 của những phụ nữ lao động chân tay - 4

Với những phụ nữ là công nhân vệ sinh thì đó lại là một ngày vất vả hơn so với ngày thường

Là người dân trồng hoa Mê Linh, với chị Đặng Thị Bộ, 49 tuổi, ngày 8.3 là một trong những dịp bận rộn nhất năm. Những ngày này, chị dậy thật sớm lấy hoa trong quê ra bán.

Ngày 8.3 của những phụ nữ lao động chân tay - 5

Chị Bộ mong bán được nhiều hoa trong ngày này.

Thời tiết mưa phùn khó chịu, giao mùa, người mệt rã rời nhưng vẫn phải phải đi, có khi từ 3-4 giờ sáng. Những bông hoa rực rỡ, khoe sắc được gói cẩn thận thành các bó đem tặng nhưng bản thân các chị là người bán lại chưa khi nào được nhận hoa.

Năm nay đã bước sang cái tuổi 57, bà Lê Bích Ngọc, Sơn Tây, Hà Nội vẫn tất bật với công việc buôn bán rau. Bà bảo: “Sức ép kinh tế, từ trước đến nay tôi chưa được tặng quà trong ngày 8.3. Tôi chỉ mong bán hàng không bị công an bắt.

Biết là mình bán vỉa hè là sai luật nhưng cuộc sống phải mưu sinnh. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, cầu mong chị em khỏe mạnh, trở thành người mẹ, người vợ tốt của gia đình”.

Ngày 8.3 của những phụ nữ lao động chân tay - 6

Bà Lê Bích Ngọc chỉ mong không bị công an "bắt" trong ngày Quốc tế Phụ nữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Thi ([Tên nguồn])
Ngày quốc tế phụ nữ 8.3 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN