Nên duyên vợ chồng nhờ “bà mối” khỉ

Chăm sóc, yêu và xem động vật hoang dã ở bán đảo Sơn Trà như người thân của mình, Lê Thị Trang (30 tuổi, trú tại Đà Nẵng) không ngờ có ngày “cưới được chồng” lại nhờ “bà mối” là loài voọc chà vá chân nâu, hay còn gọi là vua của loài khỉ - “nữ hoàng linh trưởng”.

Ngắm “nữ hoàng linh trưởng” trên bán đảo

Sau đợt rét dài ngày đầu Xuân 2016, khi trời ửng nắng, Lê Thị Trang điện thoại cho chúng tôi bảo rằng “thời tiết nắng ấm này thích hợp cho loài voọc chà vá chân nâu ra tắm nắng, anh chị có đi ngắm “nữ hoàng linh trưởng” thì em dẫn đi”. Biết và quen Trang từ lâu, nhưng để đi ngắm “nữ hoàng linh trưởng” với Trang thì đây là lần đầu chúng tôi đi cùng.

Điều bất ngờ, theo Trang, lần đi này có cả “ông xã” Nguyễn Hữu Thọ (SN 1982) - người chồng cùng sở thích, niềm đam mê loài vọoc chà vá chân nâu như Trang. Và cũng nhờ “nữ hoàng linh trưởng”, hai người đã nên duyên vợ chồng.

Nên duyên vợ chồng nhờ “bà mối” khỉ - 1

Hai vợ chồng Trang – Thọ trên rừng bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đ.H

Theo chân vợ chồng Trang, chúng tôi lên bán đảo Sơn Trà để tìm hiểu và ngắm “nữ hoàng linh trưởng”. Trang cho biết, voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện nghiên cứu từ năm 1969.

Đến nay đã có nhiều đoàn nghiên cứu khảo sát thực địa để tìm hiểu sâu về loài linh trưởng quý hiếm đặc biệt này. Loài voọc chà vá chân nâu có một đặc điểm là chúng không đi riêng lẻ mà thường sống theo bầy đàn, theo từng gia đình. Những con nào mà đi riêng lẻ là những “chàng cô đơn”, chưa tìm được bạn tình vì thế số voọc đi riêng lẻ một mình rất ít.

Để ngắm được “nữ hoàng linh trưởng” cũng lắm công phu. Theo Trang, đây là loài rất tinh khôn, hễ có động là chúng bỏ đi, ẩn nấp. Sau quãng đường vượt đèo bán đảo bằng xe máy, chúng tôi bỏ xe lại ở bìa rừng, đi bộ để tìm cơ hội ngắm voọc. Do trời vừa ửng nắng sau đợt rét dài, nên chúng tôi gặp may nhìn thấy được nhiều gia đình voọc đi kiếm ăn. Nhìn gia đình voọc âu yếm, quan tâm nhau trên ngọn cây, vợ chồng Trang cười mãn nguyện.

“Mỗi lần nhìn thấy các gia đình voọc bình yên chăm sóc nhau trên ngọn cây là chúng em vui lắm. Loài vọoc chà vá chân nâu này tập trung nhiều nhất tại sườn phía Đông Bắc núi Sơn Trà giáp biển Đông. Ở đây, phong cảnh hữu tình, có đến hàng trăm loài thực vật quý hiếm, bốn mùa xanh tốt, khí hậu hài hòa. Mùa hè thì rộn rã tiếng ve, hoa sim khoe sắc tím, từng đàn khỉ nô đùa, tự do tự tại hái quả và thân thiện với du khách.

Mùa thu thì cả khu rừng chò chai, dẻ cau thay lá khoác lên mình màu đỏ rực. Cuối đông vào xuân, cây rừng thay lá xanh mơn mởn, mọng ướt sương mai và đâm chồi nảy lộc. Khắp các triền núi trập trùng, biển biếc trải dài… như tựa chốn bồng lai”, Trang cho biết.

Được biết, hiện ở bán đảo Sơn Trà có khoảng 350 cá thể voọc chà vá chân nâu với khoảng 18 gia đình. Đây là nơi có số lượng cá thể voọc lớn nhất thế giới.

Cảm mến nhau qua tình yêu động vật

Nên duyên vợ chồng nhờ “bà mối” khỉ - 2

“Nữ hoàng linh trưởng” trên bán đảo Sơn Trà”.

Chăm sóc, yêu và xem động vật hoang dã ở bán đảo Sơn Trà như người thân của mình, Trang không ngờ có ngày “cưới được chồng” lại nhờ “bà mối” là loài voọc chà vá chân nâu. Năm 2009, tốt nghiệp ngành Công nghệ môi trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), những tưởng Trang sẽ đi theo con đường đã chọn nhưng duyên số và lòng đam mê đã đưa Trang tới làm việc tại Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV).

Đây là điều khá bất ngờ vì công việc chẳng có gì liên quan tới những gì mà Trang đã được học. Chưa hết, mới đây, Trang là một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới do Future for Nature (Quỹ tương lai cho môi trường tự nhiên) bầu chọn.

“Đam mê động vật từ nhỏ nên sau khi ra trường mình quyết định “bỏ ngành dọc” và xin vào làm ở ENV với mong muốn được tiếp xúc với nhiều loài động vật, đặc biệt là nghiên cứu, tìm hiểu loài vọoc chà vá chân nâu. Dù lên bán đảo Sơn Trà nhiều lần, thông thạo những gốc cây, ngọn cỏ… nhưng lần nào đặt chân lên bán đảo mình cũng cảm thấy tươi mới. Nghe tiếng chim hót, tiếng khỉ khẹt khẹt hay tiếng voọc gọi nhau giữa rừng xanh trong lòng mình có một cảm giác khó tả...”, Trang tâm sự.

Từ khi về làm ở ENV một thời gian, Trang quen với chàng tình nguyện viên rất yêu thiên nhiên Nguyễn Hữu Thọ. Ban đầu, giữa Trang và Thọ chỉ là tình bạn, tình đồng nghiệp. Nhưng sau mỗi lần cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu về các loài động vật ở bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt, hai người có một tình yêu chung là loài voọc chà vá chân nâu nên giữa họ ngày càng cảm mến nhau hơn.

“Chúng em đều yêu thiên nhiên, động vật nên thường xuyên vắng nhà, hay lang thang ở rừng núi. Công việc đã gắn kết chúng em lại với nhau như những cây rừng mọc tự nhiên. Hai người đều có chung niềm đam mê nên dễ đồng hành, chia sẻ công việc và những điều trong cuộc sống. Ngày em ngỏ lời yêu Trang cũng đúng vào dịp mùa Xuân sang. Hôm đó em cầu hôn Trang mà giờ nghĩ lại buồn cười lắm, em nói với cô ấy, “Nếu em chọn voọc là niềm đam mê duy nhất thì em hãy chọn anh là người sẽ đam mê voọc cùng em đến suốt cuộc đời”. Em cứ nghĩ Trang sẽ cho rằng mình dở hơi và sến, nhưng cô ấy mỉm cười và ôm chầm lấy em, đồng ý cùng em đi suốt cuộc đời”, anh Thọ tâm sự.

Được biết, sau một thời gian làm ở ENV, Trang chuyển công tác về Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) từ năm 2013 và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm. Còn Thọ làm nghề xây dựng nhưng kiêm luôn tình nguyện viên của GreenViet.

Cả hai vợ chồng Trang cùng với anh, chị em ở GreenViet thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông và giáo dục có ý nghĩa như: Chương trình “Khám phá thế giới hoang dã mùa hè năm 2013, 2014, 2015”, “Hành trình Tôi yêu Sơn Trà năm 2014 và 2015”, chương trình “Nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cho các em học sinh cấp 1 và cấp 2 quận Sơn Trà - Hiệp sĩ rừng xanh Sơn Trà năm 2014”…

“Mỗi gia đình voọc chà vá chân nâu có khoảng 5-6 con. Chúng ăn ngủ trên cây. Thức ăn của chúng cũng rất phong phú, chủ yếu là lá non và quả sung. Hàng ngày, khoảng 5-6 giờ sáng chúng thức dậy đi kiếm ăn. Đến khoảng 11 giờ thì chúng ngủ. Chiều khoảng 4-5 giờ trời mát mẻ thì chúng  kéo nhau đi ăn lại…”, Trang cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN