Mẹo cho dâu mới ngày Tết

Tết đến, hầu hết các cô dâu mới đều có tâm trạng lo âu, hồi hộp, ngại ngần và trên hết là rất sợ mẹ chồng “thử tài” con dâu trong ngày Tết. Tất cả những nỗi lo ấy khiến bạn kém vui, kém háo hức đón chờ Tết đến. Làm thế nào bây giờ được nhỉ?

Tham gia công việc cùng gia đình chồng

Cho dù bạn có là người thành công trong xã hội nhưng khi về nhà chồng bạn vẫn là người vợ, người con dâu trong gia đình. Do đó, hãy tập quán xuyến, chăm sóc nhà cửa từ bây giờ để bố mẹ chồng yên tâm “ trao trọn” người con trai mà họ rất yêu quý cho bạn.

Ngày tết, gia đình nào cũng muốn cho ngôi nhà mình mới đẹp và khang trang hơn. Hãy tham gia cùng bố hoặc em chồng việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Bạn sẽ mệt lắm đấy, nhưng hãy cố gắng xem công việc bạn đang làm như khi ở nhà mình. Nếu không có bố hay em chồng phụ giúp hãy lôi kéo anh ấy vào công việc của bạn. Có thể nhờ anh ấy lau bộ ấm chén, đánh lại bộ lư đồng đã cũ hay cùng nhau ra chợ chọn thêm vài cây cảnh cho phòng khách. Bạn sẽ hào hứng hơn khi có người giúp sức và tự thấy hài lòng vì từ bây giờ ngôi nhà sẽ có thêm sự chăm sóc của mình.

Chồng phải là “đồng minh” của bạn

Hãy khéo léo khai thác chồng bạn để anh ấy kể cho bạn những điều rất riêng của gia đình anh ấy trong ngày Tết. Điều này bạn rất cần biết để có kế hoạch, khỏi bị lúng túng, khỏi làm phật lòng những người thân trong gia đình chồng khiến ngày Tết mất vui.

Ví dụ như bố chồng bạn thích nhất quà gì trong ngày Tết, cả mẹ chồng bạn nữa, món nào khiến bà cảm động nhất.Cô dì, chú bác, các anh chị, em các cháu… món quà nào đem lại sự vui sướng cho họ mà lại phù hợp với khả năng tài chính vợ chồng bạn. Đừng coi thường chuyện này bởi nó rất quan trọng khiến bạn thêm điểm hoặc mất điểm vào ngày Tết. Cũng qua chồng bạn, bạn phải biết được lịch gặp gỡ, sum vầy của gia đình anh ấy trong ngày Tết, những món ăn đặc trưng của gia đình mà mẹ chồng bạn vẫn làm…

Cô Dâu mới ngày Tết – Kế thừa và sáng tạo

Biết về món ăn “tủ” mà mẹ chồng bạn vẫn làm trong ngày Tết, nếu mẹ chồng bạn là người xởi lởi, vui vẻ, thì bạn có thể nhỏ to để bà hướng dẫn cho bạn cách nấu món ăn đó. Còn nếu mẹ chồng bạn là người nghiêm khắc hoặc vẫn còn giữ một khoảng cách với bạn thì hãy “cắp sách” về nhà học mẹ đẻ, hoặc qua bạn bè; không loại trừ việc bạn nên mua một quyển sách hướng dẫn nấu ăn về để tra cứu, tập dượt. Ngoài ra, bạn cứ tự tin chuẩn bị một “món tủ” của mình, món mà bạn thành thạo nhất, đã được sự “kiểm nghiệm” của gia đình bạn, bạn bè bạn ấy. Chắc chắn gia đình chồng, nhất là mẹ chồng sẽ rất vui và phục bạn đấy.

Trổ tài nội trợ

Tài nội trợ của các cô dâu mới sẽ được bố mẹ chồng trông đợi nhiều đây. Nhưng đừng vì thế mà cảm thấy áp lực. Trước khi về nhà chồng bạn nên học lấy vài món “tủ” để trổ tài. Không quên tham khảo anh chồng mới về khẩu vị cũng như những món ăn khoái khẩu của cả nhà. Bạn sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình ngay khi đánh vào chiếc dạ dày của họ.

Mẹo cho dâu mới ngày Tết - 1

“Lời chào cao hơn mâm cỗ” câu nói này đúng hơn bao giờ hết nếu bạn bắt đầu về làm dâu (Ảnh minh họa)

Chinh phục nhà chồng bằng tài nội trợ Trước khi về nhà chồng, bạn cũng nên “giắt lưng” cách làm mâm cỗ, và các lễ cúng trong gia đình từ hôm tất niên, cúng giao thừa cho đến cỗ đưa tiễn ông bà. Nếu bạn là người vụng về với công việc bếp núc, nên “kề vai sát cánh” bên mẹ chồng để nhờ bà chỉ bảo. Phụ giúp lau chùi, dọn dẹp việc bếp núc, nhặt rau hay phụ bếp giúp bà sẽ phần nào che bớt “khuyết điểm” của mình. Hãy thành thật rằng bạn không giỏi nội trợ và muốn học những món ăn từ mẹ chồng. Chắc chắn bà sẽ tận tình “ đào tạo” cô con dâu mới.

Mua sắm ngày tết

Hãy hỏi ý kiến mẹ chồng về những loại bánh mứt, hoa quả cho gia đình, kể cả đồ ăn dự trữ trong ba ngày tết. Liệt kê chúng vào một tờ giấy, bạn sẽ ước tính được số lượng mình cần phải mua. Nếu bạn muốn một cái tết tươm tất hơn cho gia đình khi có con dâu mới, có thể đề xuất thêm với mẹ chồng vài món bạn muốn. Nhưng không nên quá tay, có thể bố mẹ chồng sẽ không hài lòng vì nghĩ rằng cô con dâu tiêu pha phung phí. Bí quyết đón Tết của nàng dâu mới khi về nhà chồng

Chào hỏi họ hàng

“Lời chào cao hơn mâm cỗ” câu nói này đúng hơn bao giờ hết nếu bạn bắt đầu về làm dâu. Hãy theo chồng đi chào hỏi những người họ hàng và hàng xóm ở gần, đây là dịp để chàng ra mắt cô dâu. Việc chào hỏi tương đối quan trọng, nhưng nếu không khéo léo bạn sẽ dễ bị họ hàng chê trách. Nên hỏi bố mẹ về việc xưng hô đối với người mà bạn sắp gặp, bạn cũng có thể “xi nhan” trước cho chồng, xem anh chào hỏi người lớn như thế nào để học theo. Không quên mang theo phong bì mừng tuổi khi gặp trẻ con hoặc người lớn tuổi.

Chú ý đến ăn mặc

Cách ăn mặc của cô dâu mới cũng rất dễ bị các thành viên trong gia đình “soi”. Đặc biệt vào ba ngày tết, gia đình bạn sẽ đón tiếp rất nhiều khách. Họ không chỉ thử tài ăn nói, nội trợ con dâu mà còn quan sát phong thái bên ngoài của bạn nữa. Do đó, bỏ qua những chiếc quần short ngắn ngũn hay những chiếc váy khoét cổ sâu, hãy chọn cho mình một bộ đồ kín đáo và lịch sự để bố mẹ bạn có thể tự tin khoe con dâu với khách của mình.

Tạm thời quên đi cuộc sống độc thân, vô tư khi đang ở cùng bố mẹ, bạn hãy tập làm quen với cuộc sống ở nhà chồng. Sẽ có không ít bỡ ngỡ, khó khăn, lạ lẫm ban đầu, nhưng hãy chân thành và ý tứ trong cách đối xử.Bạn sẽ thấy cuộc sống của cô dâu mới không hoàn toàn khó khăn như đã tưởng.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Bi hài dâu mới lần đầu ra mắt

Con dâu sầu vì mẹ chồng ghẻ lạnh

Ôi, cái duyên con gái nay còn đâu?

Con dâu rầu vì Tết

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Anh (Người đưa tin)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN