Khi sinh viên trắng đêm “cày” game thuê

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nghề mới này đang thu hút đông đảo sinh viên, học sinh tham gia, coi như công việc hằng ngày.

Sự phát triển mạnh mẽ của game online đã mang lại cho nhà cung cấp game những khoản thu khổng lồ. Kéo theo đó, các quán game mọc lên như nấm bao quanh các trường đại học, cao đẳng, ký túc xá, khu trọ đông sinh viên. Thậm chí, nhiều trường học, KTX cũng bị sinh viên biến thành “đấu trường” của các game thủ.

Do game online phát triển nên đã sinh ra một nghề khá đặc biệt - nghề “cày” game thuê. Nghề mới này đang thu hút đông đảo sinh viên, học sinh tham gia, coi như công việc hằng ngày.

Ăn, ngủ tại quán nét

Theo khảo sát của phóng viên, ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Từ Liêm, quanh các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), ký túc xá (KTX), khu trọ sinh viên… trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, các quán game online mọc lên như nấm. Hầu hết các quán game đều mở quá giờ quy định, thậm chí nhiều nơi mở thâu đêm phục vụ các “thượng đế” nghiện trò chơi trên thế giới ảo.

Theo chân Văn Long (quê Hòa Bình), sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một cao thủ “cày” game thuê đến một quán internet ở đường Lê Thanh Nghị lúc 1h sáng. Mặc dù bên ngoài cửa khóa, nhưng khi có khách đến, chủ quán ngay lập tức mở cửa. Theo chủ quán, do quá giờ quy định nên phải khóa cửa và tắt điện vì sợ công an kiểm tra.    

Khi sinh viên trắng đêm “cày” game thuê - 1

Hơn 1h sáng, các sinh viên là “chiến binh” cày game thuê đang miệt mài với công việc ở một quán internet trên đường Lương Thế Vinh.

Trong căn nhà rộng khoảng 30m2, từ tầng 1 đến tầng 3 có gần 50 máy tính chật cứng khách. Ở đây, các game thủ, đa phần là sinh viên, đang dán mắt vào màn hình, tay liên tục nhấp chuột. Long cho biết, đây là “quán ruột”, một tuần thì ít cũng 4-5 ngày cậu thức đêm để “cày” game thuê ở đây.

Khách chơi game cũng có nhiều loại. Có người mê game nhưng lại thiếu khả năng và thời gian để chăm sóc cho nhân vật nên thuê các game thủ khác chơi cho nhân vật mình tăng cấp đến mức nào đó, thù lao hai bên tự thỏa thuận. Dạng nữa là những “cò” game chuyên nghiệp.

Những vị khách lắm tiền ganh đua, ham muốn trang bị vũ khí, đồ đẹp cho nhân vật của mình. Họ sẽ thuê người chơi để nhân vật trong game tăng “level” (cấp độ) hoặc kiếm các đồ độc để bán thu lời. “Tối nay mình nhận cày thuê cho nhân vật trong game Liên minh huyền thoại, sáng mai khách sẽ trả công 200 nghìn đồng”, Long khoe.

Long chỉ cho tôi vị khách trẻ ngồi bên cạnh là Nguyễn Văn Hưng, quê Thái Bình, sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với cặp kính cận, nhìn bề ngoài ít ai biết được cậu là một trong những sinh viên nghiện game nặng. Tóc tai bù xù, Hưng cho biết, là sinh viên năm cuối nên không phải lên trường nhiều, gần 1 tuần nay không về phòng trọ mà ăn ngủ luôn tại quán.

“Chơi game nhiều nên học hành sa sút, kết quả học tập thấp, tốt nghiệp muộn nên gia đình cắt mất khoản tiền tiêu vặt hằng tháng. Giờ cày game kiếm tiền tiêu”, Hưng nói. Được biết, Hưng là con nhà nông, khi mới vào ĐH, cậu học giỏi, hai năm đầu giành học bổng cho học sinh có thành tích học tập tốt. Nhưng kể từ khi chơi game, Hưng bỏ bê học tập, nợ nhiều môn nên chưa ra trường.

Ở quán này, Hưng không phải là trường hợp ngoại lệ. Lê Huy, quê Vĩnh Phúc, sinh viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng đã gần 1 tuần nay không về phòng mà chơi game thuê tại quán. “Ở đây mình tắm trong nhà vệ sinh quán, ăn uống thì ăn luôn mỳ tôm, xôi, bánh mỳ của quán. Nhận hợp đồng lên đời nhân vật  rồi, không kịp giao hàng là bị trừ tiền”, Huy nói.

Nhận diện công ty cày game thuê

Khác với công việc mang tính chất thời vụ, tự phát, chỉ cày game thuê khi kiếm được khách hàng (như Long, Hưng, Huy), nhiều sinh viên khác đã gia nhập công ty cày game thuê để có thu nhập “ổn định” hơn. Lê Vĩnh Nam, sinh viên Trường ĐH Hà Nội, làm việc cho một công ty cày game thuê ở quận Thanh Xuân gần 3 tháng nay.

Gọi là công ty cho oai chứ thực ra chỉ là một tổ chức. Ông chủ thuê hàng loạt những game thủ cày game nâng level nhân vật rồi trả tiền lương theo tháng chứ không có hợp đồng”, Nam nói.

Mỗi ngày công ty Nam chia làm 2 ca làm việc. Ca sáng bắt đầu từ 7h đến 19h; ca tối từ 19h đến 7h sáng hôm sau. “Dân cày” được quản lý giao cho một tài khoản game. Công việc của họ là chạy level cho các nhân vật trong game. Tùy vào năng lực mỗi cá nhân, nếu cày lên level nhanh, công ty sẽ có thưởng; ngược lại, sẽ bị trừ lương.

Nam cho biết, công ty cậu có hàng trăm thành viên chủ yếu cày game thuê Liên minh huyền thoại, mỗi người được trả một mức lương khác nhau tùy theo năng lực, thường dao động từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng.

Để thu hút khách hàng, công ty mở hàng chục fanpage trên Facebook rồi kêu gọi cả mấy chục nghìn thành viên tham gia trò chơi. Bảng giá cày thuê từng cấp bậc, số điện thoại liên hệ được thông tin cụ thể trên fanpage. Fanpage của công ty Nam có gần 60.000 người like (thích).

Ngoài cày game cho một số công ty game trong nước, nhiều sinh viên còn tham gia cày game thuê cho những ông chủ người Hàn Quốc. Các game đều có máy chủ đặt ở Hàn Quốc. Tài khoản game đều do công ty ở Hàn Quốc trả tiền, sau đó họ thuê nhân viên người Việt chơi để lấy các vật ảo trong game như vũ khí, quần áo…

Theo Phan Kiên, sinh viên Trường ĐH Thương mại Hà Nội, một thành viên chia sẻ trong fanpage của nhóm cày thuê game, mỗi ngày cậu dành 12 tiếng cày game Hàn Quốc và được trả lương 5 triệu đồng/tháng. Nhiều hôm mệt hay bận học, khi được nghỉ phải làm bù luôn cả 24 tiếng, không sẽ bị công ty phạt trừ lương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Lộc ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN