Học tiếng Anh để "làm gái"

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Thời bây giờ, muốn công việc thuận lợi thì nhất thiết phải biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngay cả các cô gái bán thân cũng đi học ngoại ngữ vì ‘mục đích nghề nghiệp’.

Trau dồi ngoại ngữ để ‘đi khách’

Kiên sửng sốt khi Hạnh, bạn gái, thỏ thẻ đề nghị anh tài trợ kinh phí để học tiếng Anh: “Sao tự nhiên lại học cái đó? Em còn chưa hết lớp 8, nếu máu học tiếp thì kiếm lớp bổ túc để lấy cái bằng tốt nghiệp cấp 2, rồi cấp 3 đi đã chứ”. Hạnh bảo bằng cấp mà làm gì, cốt là thực chất. Dù trình độ văn hóa của cô thấp thật, nhưng chẳng lẽ vì vậy mà cam phận nghèo khó suốt đời, cần phải vươn lên chứ. “Em muốn học tiếng Anh để sau này có thể xin vào làm nhân viên bán hàng của các hãng trong trung tâm thương mại, công việc nhàn hơn mà lại lương cao”, Hạnh nói.

Hạnh 19 tuổi, còn Kiên 23, là đồng hương, yêu nhau từ hồi còn ở quê. Kiên đã tốt nghiệp cấp 3, nhưng nhà nghèo và học lực cũng yếu nên không thi đại học hay cao đẳng. Từng lên thành phố bán sức ở các chợ lao động, thu nhập bữa đực bữa cái, anh tính chuyện xin đi xuất khẩu lao động, nhưng không thành vì bố mẹ anh sợ con trai gặp bất trắc ở xứ người, còn bản thân Kiên cũng sợ mất người yêu sau mấy năm đi xa. Đang chưa biết tính bề nào thì có người anh họ xa ở Hà Nội muốn Kiên lên giúp anh ta quản lý cửa hàng và chạy việc lặt vặt, thế là anh nhận lời.

Sợ cô người yêu xinh đẹp da trắng như trứng gà bóc của mình bị trai làng cuỗm mất, Kiên thuyết phục Hạnh lên thành phố, thuê trọ gần cửa hàng mà Kiên ở. Cô kiếm được chân phục vụ trong nhà hàng. Nghe về “dự án” tiếng Anh của cô, Kiên nghĩ, người yêu mình xinh chẳng kém các cô bán hàng trong Vincom, mỗi tội nhà quê thôi, nếu được học tiếng Anh thì chắc sau này sẽ khá hơn. Anh OK vụ học phí.

Kiên không biết tiếng Anh nên cũng chẳng rõ bạn gái học hành tiến bộ thế nào, chỉ thấy cô cũng chịu khó nói xì xồ lúc ở nhà, cách ăn mặc, nói năng, đi đứng cũng ngày càng ra chất thành thị. Hạnh lý giải, cô có tiền mua nhiều đồ mới vì bà chủ quý cô nhanh nhẹn, cất nhắc lên chân quản lý, nhưng công việc cũng sẽ bận rộn hơn. Nhiều hôm Kiên đến nhà trọ chờ đến 12 giờ đêm mới thấy Hạnh về. Cô nói khách toàn nhậu khuya, dọn dẹp, kiểm kê xong cũng không thể trước nửa đêm được. Kiên nghe có lý, nhưng rồi anh lại thầm băn khoăn khi có những hôm, Hạnh 1 - 2 giờ sáng mới về nhà.

Ít lâu sau, Hạnh bảo thỉnh thoảng cô sẽ phải ngủ lại nhà hàng để trông coi, khi người vẫn nhận nhiệm vụ này đi vắng. Kiên sinh nghi, bảo sẽ cùng đến trông nhà hàng với cô cho đỡ sợ nhưng Hạnh bảo bà chủ không đồng ý “đưa giai vào nhà”.

Kiên nghi ngờ, tìm hiểu và biết được sự thật: Từ lâu Hạnh đã nghỉ làm ở nhà hàng cũ. Nghề chính của cô bây giờ là ‘đi khách”, trong đó có nhiều khách Tây, Tây da trắng có, Tây da vàng có. Kiên không hiểu nổi bằng cách nào cô bạn gái xuất thân thôn quê của mình đi vào con đường này, nhưng anh cay đắng nghĩ rằng chính mình cũng góp một phần “công lao” cho “sự nghiệp làm gái” của cô bằng món tiền học tiếng Anh.

Học tiếng Anh để "làm gái" - 1

Phượng nghe nói, khách ngoại quốc sẽ trả tiền nhiều hơn, nên cũng muốn “gặp” (Ảnh minh họa)

Học ít bữa là đủ “hành nghề”

Phượng, 20 tuổi, cũng “đầu tư” cho công việc bán thân của mình bằng một khóa tiếng Anh cấp tốc. Cô gái này vốn làm việc trong một khách sạn của một khu du lịch ven biển, nơi có rất nhiều khách quốc tế ghé thăm. Hồi đầu, cô cũng chỉ chăm chú làm tròn phận sự của mình, mong được cất nhắc và tăng lương. Nhưng sau vài lần bị du khách gạ gẫm, lại “ngó nghiêng” xung quanh thấy các bạn mình cũng làm vậy, Phượng tặc lưỡi nhận lời một lần thử xem sao, vì dù sao cô cũng không còn là con gái. Rồi cứ thế, cô “quen việc” dần, nghiễm nhiên coi đó là một cách để tăng thu nhập.

Phượng nghe nói, khách ngoại quốc sẽ trả tiền nhiều hơn, nên cũng muốn “gặp” Tây. Tuy nhiên, cô không biết tiếng nên toàn bị các “đồng nghiệp” có đôi chút tiếng Anh bồi nhanh miệng tranh khách mất. Điều này làm cô quyết định đăng ký học ngoại ngữ. Học được hơn 1 tháng, Phượng thấy những thứ được dạy bắt đầu quá khó so với khả năng tiếp thu của cô. Nản, đồng thời cũng nghĩ  mình chẳng phải học kỹ thế làm gì, chừng ấy tiếng Anh là đủ phục vụ công việc rồi, Phượng quyết định thôi.

Quả thật với vốn liếng ngoại ngữ ít ỏi đó, cô cũng đã hết thua kém chị em trong việc “giao dịch” với khách nước ngoài. Thực ra “công tác chuyên môn” của cô chẳng cần đến ngôn ngữ, dù là tiếng Tây hay tiếng Ta, nên chỉ vài câu nói là đủ cho Phượng “thăng tiến”.

Anh Trọng Khôi, 39 tuổi, một người đàn ông vẫn tự hào về sự từng trải của mình, cho biết các cô làm “gái” bây giờ không chỉ học tiếng Anh mà còn học cả tiếng Trung Quốc. “Tôi mắt một mí, da trắng nhưng người cũng cao to, mọi người vẫn bảo trông giống người Trung Quốc, Hàn Quốc. Những lần vào các khu ăn chơi, các điểm du lịch, từ người bán hàng rong, nhân viên nhà hàng cho đến các ‘em út’ đều hớn hở giở tiếng nước ngoài ra để chào mời tôi”, anh Khôi nói.

Khôi kể, có lần anh đi với mấy người bạn, đều có vẻ bảnh bao thành đạt. Các “em út” lập tức tiếp cận. Nhìn Khôi “có tướng” nhất, các em cứ hướng vào anh mà xổ một tràng tiếng Tàu. Anh đang không biết họ nói gì thì một em giật váy đồng nghiệp, bảo: “Chắc thằng này người Hàn Quốc, không biết tiếng Tàu đâu. Mày nói với nó bằng tiếng Anh đi”. Lại một câu mời mọc lả lơi bằng tiếng Anh, khiến anh bạn Khôi phì cười: “Nó người Thanh Hóa em ơi, còn anh dân Nam Định, em cứ nói tiếng Nam Định hay tiếng Thanh Hóa với bọn anh là được”.

Sau này, đám bạn Khôi còn nhắc lại chuyện đó mấy lần để vui cười. Tuy nhiên, Khôi cho biết, tuy cười cợt các cô gái đó, anh vẫn thấy có chút thương xót họ, những người mà ngay cả sự học cũng bị đặt vào mục đích lầm lạc, để bị người đời coi khinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khả Khanh (Tuổi trẻ Thủ đô)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN