Hoang mang khi biết mình dậy thì

Lần đầu có kinh nguyệt, bụng đau dữ dội, Hoa tưởng mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo quái ác nào đó.

Trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, có những thời điểm xuất hiện tâm lý “gần bạn – xa mẹ”, túm tụm vào nhau bàn bạc, thảo luận, rồi nhìn nhau ngơ ngác trước những thay đổi khó lý giải của cơ thể. Ấy là lúc trẻ dậy thì.

Hoang mang khi biết mình dậy thì - 1

Liệu có bao nhiêu bậc cha mẹ sẵn sàng ngồi xuống thủ thỉ, tâm tình nói cho con biết thế nào là dậy thì? (ảnh minh họa)

Cũng có những thời điểm, trẻ nhận ra trong mình những xúc cảm rất lạ, muốn được quan tâm, chăm sóc, muốn được nhận những cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm nhưng không phải từ cha mẹ mà là từ người khác giới. Ấy là lúc trẻ có những “rung động đầu đời”.

Vào những thời điểm ấy, liệu các bậc cha mẹ có sẵn sàng ngồi xuống “làm bạn” thủ thỉ tâm tình với trẻ hay phần lớn đều cho mình là vai trên, nhất quyết “không chịu lớn cùng con”?

Khoảng đời “tự lớn”

“Tôi vẫn nhớ mãi những ngày tháng ấy, lũ con gái có thể ngồi thảo luận hàng giờ về những điều “kỳ dị” đang diễn ra trong cơ thể mình. Có đứa còn dấm dúi đưa ra cuốn sách “Hành trang cho người con gái bước vào đời”, cả lũ chúm đầu vào đọc, cùng nhau phân tích nhưng rồi lại ngơ ngác nhìn nhau lắc đầu không hiểu. Tôi từng nghĩ liệu mấy đứa có mắc bệnh gì không khi suốt ngày nọ qua tháng kia chỉ nói duy nhất về chuyện lập dị ấy. Sau này tôi mới hiểu, cô gái nào rồi cũng phải trải qua khoảng đời này, chỉ có điều với chúng tôi đó là khoảng đời tự lớn” - Linh, một sinh viên đại học tại Hà Nội chia sẻ. 

Tâm sự của Linh cũng là tâm sự của rất nhiều bạn trẻ từng trải qua tuổi dậy thì. Đó là lúc họ thắc mắc và cần được giải đáp nhiều nhất về cơ thể. Nhưng bởi tâm lý ngượng ngùng mà những bài học về giới tính trên lớp bị những đứa trẻ bỏ lơ, xấu hổ không dám học. Còn với cha mẹ thì luôn cho rằng, con mình còn rất nhỏ, chưa đến lúc phải hiểu đầy đủ về những điều “tế nhị” này. Bởi vậy, những đứa trẻ không còn cách nào khác là phải tự tìm hiểu cùng bạn bè, mà những sự tìm hiểu đó thì rất khó đầy đủ, trọn vẹn.

Linh chia sẻ: “Hồi đó tôi học lớp 9, trên đường đi học, cô bạn tôi ấp úng hỏi: “Liệu hôn nhau có thai không mày nhỉ? Tôi chết đứng người một lúc, ngẫm nghĩ mãi cũng không biết trả lời con bạn ra sao vì quả thật tôi cũng không biết. Thế là tối hôm đó, lũ bạn chúng tôi lại “tổ chức” một “cuộc họp” khẩn cấp, lôi sách vở ra tìm hiểu. Tuyệt nhiên, không có đứa nào đề cập đến việc đem chuyện này đi hỏi bố mẹ mình vì sợ sẽ bị mắng là nhí nhố, hư hỏng”.

Còn Hoa (hiện đang là nữ sinh trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội) cũng tự loay hoay lớn lên bằng những kiến thức giới tính eo hẹp do cô tự tìm hiểu được qua sách, báo và bạn bè.

Lần đầu có kinh nguyệt, bụng đau dữ dội, Hoa tưởng mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo quái ác nào đó. Khi chia sẻ với bạn bè, Hoa mới biết là mình đã dậy thì.

“Bây giờ nhớ lại, mình chỉ ước ngày đó được nói trước về những điều sẽ xảy ra với cơ thể, có sự chuẩn bị trước để không bị sốc và xáo trộn tâm lý như vậy” – Hoa tâm sự.

Việc không được giáo dục đầy đủ về những kiến thức giới tính, đặc biệt ở tuổi dậy thì có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý cho trẻ. Nhiều đứa trẻ phải “tự” lớn lên trong những thời điểm cần được nâng đỡ nhất. Để rồi, “lỡ” như quá trình “tự” lớn ấy không trọn vẹn và đầy đủ thì rất dễ dẫn đến những hành động sai lầm.

Những rung động đầu đời bị chặn đứng

Hầu hết các bậc cha mẹ đều không muốn con mình yêu sớm bởi sợ xao nhãng học hành, quan hệ tình dục dẫn đến những hậu quả đáng tiếc… Cái “sớm” ở đây không có quy định nhất định về độ tuổi mà tùy vào quan điểm của từng bậc cha, mẹ. Có người cho rằng, lớp 3, 4 biết yêu là sớm, còn có người thì lại quan niệm cứ còn đi học là chưa đến tuổi yêu.

Bởi những quan điểm đó mà nhiều bậc cha mẹ nhất định phải “sống thay con”, chặn đứng những rung cảm đầu đời là bản năng của con trẻ. Thay vì lắng nghe, chia sẻ một cách nhẹ nhàng, họ thường dùng các biện pháp mạnh để cấm đoán, ngăn cản con mình tiếp xúc với “nửa kia”.

Hoang mang khi biết mình dậy thì - 2

Nhiều bậc cha mẹ nhất định phải “sống thay con”, chặn đứng những rung cảm đầu đời là bản năng của con trẻ (Ảnh minh họa)

Rung động đầu tiên của Huyền (hiện đang là sinh viên trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội) dành cho một cậu bạn cùng trường hồi năm lớp 10. Lần đầu tiên cầm bông hoa hồng đỏ về nhà vào ngày 8/3, Huyền đã bị bố mẹ tra hỏi như tội phạm rồi chốt lại một câu “yêu bây giờ thì nghỉ học”. Dĩ nhiên, Huyền không nghỉ học, lại càng không “nghỉ yêu” mà chỉ là yêu giấu giếm.

Huyền chia sẻ: “Bố mẹ chỉ chăm chăm cấm mà không hề biết rằng, chúng mình vẫn thường xuyên động viên nhau phải thi đỗ đại học. Chỉ là, thay vì được công khai cùng nhau ngồi ôn bài ở trường, thư viện, ở nhà thì chúng mình phải tìm đến những nơi khuất hơn. Thiết nghĩ, nếu hồi đó, chúng mình không bảo ban nhau, không quyết tâm học tập thì ở những nơi như thế, không biết chuyện gì sẽ xảy ra...”.

Và cái “chuyện gì” ấy đã xảy ra với một cô bé tên Thu giống hệt cách mà Huyền đã nghĩ. Thu và Quân yêu nhau khi đang là học sinh lớp 11. Cả hai đều bị bố mẹ “cấm tiệt” chuyện yêu đương, thậm chí từng bị mắng thậm tệ giữa chốn đông người khi bị phát hiện bí mật hẹn hò.

Nhưng “càng cấm, càng yêu”, hai đứa trẻ 17 tuổi quyết định có bầu để được cưới. Cho đến khi Thu phải vào viện do có thai ngoài dạ con, bố mẹ hai bên mới sững sờ bởi hàng rào mà họ tạo ra đã bị phá vỡ và quan trọng hơn là con họ đã rất đau.

Không ít bạn là sinh viên đại học năm cuối vẫn thường xuyên phải nghe điệp khúc từ những người trong gia đình: “Ra trường có công ăn việc làm ổn định rồi hãy yêu”. Phần lớn trong số họ đều “vâng dạ” làm yên lòng các bậc phụ huynh nhưng tình yêu thì vẫn “chảy” một cách kín đáo trong tim họ. Bởi đơn giản, cha mẹ luôn muốn quy định “tuổi yêu” cho con cái trong khi con cái sinh ra lại không được thiết lập chế độ trì hoãn tình yêu.

Liệu câu chuyện về tình yêu – giới tính ấy xuất hiện trong bao nhiêu gia đình như một câu chuyện rất thường ngày mà cha mẹ, con cái cần đề cập đến? Liệu có bao nhiêu bậc cha mẹ sẵn sàng ngồi xuống thủ thỉ, tâm tình nói cho con biết thế nào là dậy thì? Liệu có bao nhiêu rung động đầu đời của con trẻ được cha mẹ chấp nhận và coi đó như một phần của sự lớn lên? Và nếu tình yêu – giới tính cứ mãi là vấn đề “thầm kín” thì sẽ có bao nhiêu đứa trẻ phải trải qua những khoảng đời tự lớn để rồi khó tránh được sai lầm?

***

Hãy cùng đón đọc bài phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thu Hương (chuyên nghiên cứu giáo dục giới tính trẻ vị thành niên) vào lúc 0h00 ngày 28/2/2015 để cùng lắng nghe những câu chuyện về giáo dục giới tính trẻ vị thành niên của các ông bố, bà mẹ, cũng như những bài học quý giá dành cho các bạn trẻ đã, đang vướng vào những chuyện "khó nói" về tình yêu, giới tính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Kiến thức giới tính Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN