Hệ lụy giới trẻ câu like bằng tin đồn nhảm

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội, báo mạng đăng tải những thông tin gây sốc thiếu chính xác. Điều đáng lo, thông tin nhảm đó đến với đông đảo người đọc, trong đó phần đông là giới trẻ đã gây ra những tác động lan truyền mạnh mẽ, khiến dư luận lo ngại.

Sự kiện nam thanh niên cởi trần, dùng kéo đâm người phụ nữ trên phố Hàng Bè (Hà Nội) sáng ngày 15/1, ngay lập tức được tờ báo mạng vừa được Bộ TT&TT cấp phép tường thuật “Con cầm kéo đâm mẹ giữa phố cổ Hà Nội” mặc cho bà mẹ khóc lóc van xin. Tờ báo này nhận thông tin, hình ảnh của cộng tác viên gửi đến và đăng tải toàn bộ thông tin .

Bài báo lập tức gây xôn xao dư luận với lượng truy cập tăng chóng mặt, hàng chục trang xã hội, báo mạng khác dẫn lại nội dung khiến dư luận bất bình. Tuy nhiên, trong cùng ngày, sự thật được làm sáng tỏ. Người cầm kéo đâm không phải là con nạn nhân như một số báo mạng đã đưa tin.

Những người dân sống quanh khu vực đó cho biết, khoảng 7h30 sáng 15/1, họ nghe thấy tiếng xô xát từ trong ngõ 2A Trung Yên (chợ Hàng Bè cũ), tiếp đó là cảnh anh Ngô Ngọc Linh đang cầm kéo lao vào người giúp việc tên Hiền (trú tại Đồng Văn, Phủ Lý, Hà Nam).

Nguyên nhân do có cãi vã giữa chủ và người làm thuê. Người can ngăn và ôm anh Linh lúc hung hãn là bà nội anh. Khi sự thật sáng tỏ, các tờ báo mạng rút bài, xoá hết bình luận của độc giả trước đó.

Mới đây, đêm 3/3, Tú Anh (sinh năm 1983) lái xe trên phố Xã Đàn (Hà Nội) đâm vào nữ sinh Học viện Ngân hàng Nguyễn Thị Quyên (sinh năm 1994). Theo người dân có mặt tại hiện trường, sau khi va phải cô gái làm nạn nhân bị té ngã choáng và đang lồm cồm bò dậy, lái xe đã cho lùi xe đâm cô gái thêm một lần nữa khiến cô bất động.

Tuy nhiên, một số báo mạng, trang xã hội, facebook loan tin cô gái chết tại chỗ, miêu tả bằng nhiều từ ngữ rùng rợn khiến cộng đồng mạng dậy sóng thương tiếc trước sự ra đi của cô gái trẻ, căm phẫn đòi trả thù tài xế... Thực tế, vụ tai nạn đã làm chị Quyên bị thương nặng và được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Hệ lụy giới trẻ câu like bằng tin đồn nhảm - 1

Tài xế và hiện trường xe gây tai nạn ở phố Xã Đàn (Hà Nội) đêm 3/3. Ảnh: Zing.vn

Đó là 2 thông tin điển hình mới đây có sự khác biệt giữa diễn biến sự vụ và thông tin trên đăng tải trên một số tờ báo mạng, trang xã hội, facebook. Điều đáng quan tâm là những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chính xác đến với đông đảo người đọc, trong đó phần đông là giới trẻ đã gây ra những phản ứng phẫn uất mạnh mẽ, khiến dư luận lo ngại.

Trên facebook, Nguyễn Kim Oanh, sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội thốt lên: “Có không ít ngày khiến mình hoang mang bởi các luồng thông tin giật gân gây sốc, đặc biệt là xuất phát từ những tờ báo mạng được cấp phép”.

TS Vũ Mạnh Lợi, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, cám dỗ đưa tin giật gân câu khách dẫn đến thiếu chính xác, không qua kiểm chứng phần lớn thuộc về các trang mạng xã hội, blog cá nhân và báo mạng hoạt động thiếu chuyên nghiệp.

“Khó có thể chặn được luồng thông tin thiếu chính xác này trên những trang mạng xã hội, blog cá nhân, đơn vị truyền thông không chính thống và thực tế không nên quá lo lắng bởi người đọc có hiểu biết sẽ không thể tin, nghe theo vì họ biết nguồn cung cấp tin.

Tuy nhiên, với một số tờ báo chính thống thuộc sự quản lý của nhà nước thì việc câu view sai sự thật nhằm giật gân câu khách là thiếu trách nhiệm, đáng lên án. Đáng tiếc và đáng trách, tại một số cơ quan báo chí vẫn có một số phóng viên, biên tập viên thiếu trách nhiệm, coi nhẹ đạo đức nghề nghiệp nên thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận”. TS Lợi nói.

Theo TS Lợi, các cơ quan quản lý báo chí cần có biện pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp của đội ngũ làm báo; rà soát lại quy trình thẩm định thông tin trước khi đăng tải, đặc biệt là những tờ báo mạng có lượng truy cập cao.

Cầm cán hay cầm lưỡi dao?

Về vấn đề văn hóa đọc, văn hóa Vlog (ghi nhật ký bằng Video clip) của giới trẻ, tại Chung kết cuộc thi tranh luận và hùng biện 2014 do tổ chức Phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện trong cộng đồng giới trẻ (YVS Việt Nam) tổ chức, hầu hết thí sinh đã thể hiện quan điểm, nhấn mạnh vai trò quan trọng của kỹ năng và sự chủ động chọn lọc, phản biện tính xác thực của thông tin.

Thí sinh Vương Linh đề cập thái độ của người đọc đối với báo, trang thông tin điện tử và văn hóa chia sẻ thông tin trên facebook. Trào lưu câu view, thông tin thiếu xác thực chủ yếu trên mạng đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Chẳng hạn, những người bán hủ tiếu ở Tp. Hồ Chí Minh khốn đốn trong thời gian dài vì có bài viết trên mạng cho rằng nguyên liệu làm từ thịt chuột. Linh cho rằng trước các nguồn tin, người đọc cần đặt câu hỏi: “Thông tin này có cần thiết cho bản thân? Tính xác thực đến đâu?”

Nguyễn Thành Đạt (Khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội) phân tích: “Bạn đọc thông tin giống như đi mua một con dao. Quan trọng là người mua cầm cán hay cầm lưỡi dao. Đối với thông tin hỗn mang trên mạng, quyết định tiếp nhận, xử lý như thế nào phụ thuộc vào những người trẻ”.

Trước vấn đề văn hóa Vlog, trào lưu nở rộ trong giới trẻ, Nguyễn Hà Phi (Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) lo ngại về sự nô dịch hóa tư duy của giới trẻ với Vlog. Theo khảo sát của Hà Phi, thực tế có bộ phận mắc phải lối mòn tiếp nhận thông tin một cách dập khuôn, vô thức.

“Đặc tính của thông tin được đưa ra trong Vlog dễ tiếp thu khi có nội dung cụ thể, ngôn ngữ thân thuộc, thậm chí có tiếng lóng, đề tài gần gũi như tiền bạc, tình yêu, tình dục… Dù hay, cũng cần nhìn nhận Vlog vẫn là một quan điểm cá nhân, đừng tiếp thu thụ động giống như kiến thức chuẩn. Chúng ta cần có sự xem xét bản thân và xử lý thông tin đó”, Phi nói.

Hà Phi cho rằng, nếu cư dân mạng, trong đó phần lớn là người trẻ thiếu sự kiểm chứng, xác thực thông tin và nguồn tin sẽ dẫn đến ngộ nhận “lộng giả thành chân”, dễ dẫn đến việc tiếp nhận tiêu cực, xa hơn là kích động, gây hậu quả tiêu cực.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Kiều nữ cuồng "phơi xác câu like"

Teen hồn nhiên tung ảnh nóng câu like

Ảnh chế “Chỉ cần…” gây sốt dân mạng

"Hot boy" khiến cư dân mạng bức xúc

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hiếu - Xuân Tùng (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN