Cuốn sách lý giải sự thành công của đất nước Nhật Bản

Sự kiện: Sách hay

Cuốn sách “Nhật Bản duy tân 30 năm” của nhà sử học, tác giả Đào Trinh Nhất được xuất bản lần đầu tiên năm 1936. Sau gần 80 năm sau được tái bản, vẫn giữ nguyên tính thời sự, với nhiều bài học và giá trị không thể phủ nhận.

Cùng là một quốc gia châu Á có nhiều phần diện tích tiếp giáp với biển, chịu ảnh hưởng của Nho giáo và văn tự Trung Hoa, thậm chí Việt Nam còn có nhiều điều kiện về địa lý, tài nguyên, khí hậu… vượt trội hơn hẳn Nhật Bản nhưng tại sao Nhật Bản có thể cải cách, duy tân để từ một nước lạc hậu vươn lên hàng các quốc gia thứ nhất trên thế giới, tại sao Việt Nam lại không thực hiện được điều đó? Đây hẳn là những câu hỏi làm đau đầu nhiều bậc trí sĩ nặng lòng với sự phát triển đất nước. 

Cuốn sách lý giải sự thành công của đất nước Nhật Bản - 1

Cuốn sách "Nhật Bản Duy Tân" vẫn đầy ắp tính thời sự.

Và nhà sử học, tác giả Đào Trinh Nhất cũng là một người như vậy. Ông đã dành hơn hơn hai năm trời công phu tìm kiếm góp nhặt những tài liệu cần dùng để viết nên cuốn sách “Nhật Bản duy tân 30 năm” để những người cùng thời với ông, cũng như lớp hậu sinh tâm huyết với sự phát triển của đất nước có thể soi chiếu và tìm thấy hướng đi đúng đắn cho tương lai của dân tộc.

 Lý giải sự thành công của Nhật Bản, tác giả đưa ra mấy nguyên do chính. Thứ nhất, từ xa xưa người Nhật Bản đã có nhiều tính cách đặc biệt: kính thần, tự tôn, coi trọng danh dự, thượng võ, hiếu chiến, coi cái chết như không và đặc biệt là biết dung hòa tốt. Đây chính là nền móng tạo nên quyết tâm duy tân không gì lay chuyển nổi của người Nhật. 

Giữa thế kỷ thứ 19, nhìn thấy sức mạnh của Tây phương dồn dập sang Đông, người Nhật tự nghĩ nếu không mau tự cường bình đẳng với phương Tây, thì cũng sẽ đứng trước họa mất nước như bao quốc gia phương Đông khác. Tức thời, từ triều đình, mạc phủ, quan lại cho đến sĩ phu, hào kiệt, nhân dân đều tỉnh giấc thủ cựu, dốc lòng thực hiện công cuộc duy tân trong vẻn vẹn chỉ 30 năm, trong khi các nước Âu Mỹ phải mất đến ba, bốn thế kỷ mới đi xong con đường đó.

Thứ hai về văn hóa, tuy cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, theo đạo Khổng Mạnh, nhưng người Nhật không theo khoa cử, kinh nghĩa, thi phú; sĩ phu không bị bả vinh hoa của cử nhân, tiến sĩ làm cho mê muội đi. Họ cũng không chịu theo sự mê tín của người Tàu, không tin phong thủy, bói toán, không đốt vàng mã, không tin quỷ thần. Đầu óc của họ không vướng víu những thứ tối tăm, cho nên khi thấy có Tây học văn minh thì họ không chần chừ, nghi ngại mà theo ngay.

Thứ ba, tầng lớp tinh hoa của Nhật Bản, ngay từ tiến hành cuộc cải cách đã biết mấu chốt của công cuộc cải cách phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng trở đi, bởi lấy tinh thần cũ thì không thể nào làm ra sự nghiệp mới. Chính vì vậy, tư tưởng công lợi của người Anh, người Mỹ được Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) ra sức truyền bá, làm cho sĩ phu hướng về thực học, quốc dân được bồi dưỡng về tự do độc lập. 

Ông Bản Viên Thoái Trợ (Itagaki Taisuke) thì dịch Dân ước luận của J.J Rousseau, và truyền bá tư tưởng tự do của nước Pháp, từ đó dấy lên nhiều cuộc vận động về chính trị. Tinh thần của đạo Cơ đốc giáo cũng được ông Tân Đảo Tương (Nijima Jou) dốc lòng truyền dụ bởi theo ông “Nếu không dùng đạo Cơ đốc giáo  để cảm hóa quốc dân thì không thể truyền bá được cái chân tinh thần của văn minh Âu châu được”. 

Trong khi ông Gia Đằng Hoằng Chi (Kato Hiroyuki) viết ra cuốn sách Nhân quyền tân thuyết, du nhập tư tưởng quốc gia của người nước Đức. Người Nhật ngày nay đã cường thịnh, bèn nêu cao tinh thần bảo tồn quốc túy; nhưng trong nhiều cuốn sách người Nhật vẫn công nhận bốn tư tưởng ấy là điểu tiên quyết tạo nên cuộc duy tân thành công của họ.

Tác giả Đào Trinh Nhất viết: “Cuộc hưng vong suy thịnh của quốc gia dân tộc này vẫn có thể làm tấm gương nên soi hay là dấu xe nên tránh cho quốc gia dân tộc kia. Nếu muốn soi gương sáng, theo dấu hay, tự nhiên chúng ta nên biết chuyện Nhật Bản duy tân tự cường cũng như nên học sử Pháp quốc văn minh cách mạng, cùng là các nước tấn hóa hùng cường khác trong thiên hạ vậy”.

Có lẽ chính bởi vậy cho nên cuốn sách này còn ích hữu ích cho người Việt Nam đến tận khi nào Việt nam có thể đứng ngang hàng với các quốc gia thứ nhất trên bản đồ thế giới.

Đào Trinh Nhất (1900-1951) tự Quán Chi, được mệnh danh là người viết sử kỳ tài. Sau 30 năm cầm bút ông đã để lại khá nhiều tác phẩm, tiêu biểu: Thế lực khách trú và vấn đề di dân Nam Kỳ (1920), Việt sử giai thoại (1934), Nhật bản duy tân 30 năm (1936), Phan Đình Phùng- một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Đông Kinh nghĩa thục (1938)… 

  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Sách hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN