Cổ tích cô gái trẻ đòi cưới người đàn ông bại liệt

Khi bạn trai bị tai nạn, lâm vào tình cảnh “bán thân bất toại”, chị tự nguyện chăm sóc. Chị vượt lên định kiến, viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Ký ức kinh hoàng

Trưa, Đà Nẵng nắng gắt, chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Châu (SN 1990, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Anh nằm bất động trên giường, tỏ vẻ ái ngại khi có khách: “Tôi không cử động được. Chú chờ tí, vợ tôi đi giúp việc sắp về rồi đấy”.

Giọng yếu ớt, anh kể, mẹ anh bị mù bẩm sinh. Hơn 30 tuổi, bà “xin” một đứa con để nuôi, vui vầy khi về già. Anh là kết quả của cuộc xin – cho ấy. Hàng ngày, mẹ anh đến trung tâm massage dành cho người mù làm việc. Anh lớn lên trong cảnh bữa no, bữa đói. Điều khiến người mẹ lo lắng nhất, một ngày nào đó, đôi mắt của con cũng mù như mình. Nhưng, thật may mắn, điều ấy đã không xảy ra.

Tuổi đến trường, anh cũng được đi học. Ngày ấy, anh học giỏi, thường được thầy cô khen ngợi. Năm nào cũng có hai tờ giấy khen mang về tặng mẹ. Anh từng ao ước, lớn lên trở thành bác sỹ để chữa mắt cho mẹ. Chưa kịp chạm đến ước mơ thì năm lớp 9, không có tiền nộp học phí, anh đành gác nghiệp bút nghiên.

Nghỉ học hôm trước, hôm sau, anh Châu ra chợ gần nhà xin bốc vác, quét dọn kiếm tiền về giúp đỡ mẹ. Cuộc chiến cơm áo gạo tiền từ đó đeo đẳng, không có đủ thời gian để buồn cho số phận của mình. Lòng mừng rơn khi nhận được tiền công, mua con cá, miếng thịt về nấu cho mẹ ăn, đối với anh, nụ cười của mẹ là cả bầu trời hạnh phúc.

Anh Châu không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu công việc. Cứ hễ ai thuê gì, hễ có tiền và không phạm pháp là làm. Công việc gần nhất và có lẽ là cuối cùng chính là phụ thợ hồ. Anh bảo, lúc ấy, nhờ sức khỏe tốt, anh làm, các nhà thầu thích lắm, trả lương cao hơn những người khác. Anh tạm thỏa mãn với niềm vui ấy.

Nhưng rồi, tai họa ập đến. Vào chiều 30/11/2010, anh ứng 200 nghìn đồng định về mua gạo nấu cơm cho mẹ thì bị tai nạn giao thông. Anh ngã sóng soài giữa đường. Tỉnh dậy, anh thấy mình đã nằm trong bệnh viện, toàn thân đau đớn, không cử động được. Anh mơ hồ nghĩ đến việc bị tàn phế. Nước mắt rơi, anh cầu xin bác sỹ giúp đỡ, chữa trị cho mình. Anh sợ, mình có mệnh hệ gì, người mẹ mù lòa làm sao sống?

Bác sỹ thông báo, anh bị đa chấn thương, giập tủy... chỉ có thể sống thêm vài tháng. Anh từng nghĩ đến cái chết. Nhưng, ngẫm lại tình cảm của mẹ, của người vợ hiện tại là chị Lê Thị Trang (SN 1985), anh tự hứa với lòng phải cố sống. Nhờ vào tình yêu thương, gần năm năm trôi qua, anh vẫn sống nhưng với tình trạng “bán thân bất toại”. Nhưng, như thế cũng là một kỳ tích.

Cổ tích cô gái trẻ đòi cưới người đàn ông bại liệt - 1

Chị Trang đang chăm sóc cho chồng.

Vượt qua dư luận để sống

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đang dở dang, thì chị Trang về. Gạt mồ hôi lấm tấm, chị cho biết, hôm nay, có người thuê dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nên để anh ở nhà một mình. Vừa nói, chị vừa dùng hết sức nâng anh dậy để thay đổi tư thế nằm.

Một lúc sau, chị mới ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng trò chuyện, nhưng đôi mắt vẫn không ngừng nhìn về phía chồng. Chị là con gái lớn trong gia đình có bốn người con ở xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Khi tròn mười tuổi, cha bỏ đi, để lại đàn con nheo nhóc. Mẹ chị một mình làm lụng, nuôi đàn con khôn lớn. Trong ký ức, chị vẫn còn nhớ rõ, nhiều tuần liền, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhưng cũng không được no bụng. Tuổi thơ, chị chỉ mong, có một ngày, cả nhà được ăn ba bữa thật no. “Bây giờ, nhớ lại, mới thấy giá trị, công sức của mẹ to lớn như thế nào”, chị nói.

Vừa tròn đôi tám, chị ra Đà Nẵng xin làm công nhân trong một công ty may. Cuối tháng, nhận lương, chỉ chừa một ít để chi tiêu cá nhân, còn lại gửi về quê giúp mẹ lo cho các em. Trong khoảng thời gian này, chị thuê trọ ở gần nhà anh Châu. Vào tháng 8/2010, anh chị bắt đầu chơi cùng một nhóm bạn.

“Thuở ấy, anh đen và già trước tuổi. Anh giả vờ sinh năm 1985, cũng chẳng ai nghi ngờ. Nhóm bạn gán ghép tôi và anh thành một cặp. Nhưng, cả hai chỉ xem nhau là bạn, không có tình ý gì”, chị kể.

Lúc anh bị tai nạn, chị về quê thăm gia đình. Ba hôm sau, chị được một người em cùng cha khác mẹ của anh Châu gọi điện thông báo sự việc. Chị bắt xe đến bệnh viện thăm. Lúc ấy, trên cơ thể anh vẫn bình thường, chỉ có một chút xây xát nhẹ ở mặt. Chị không thể ngờ, về sau, anh bị nặng, phải nằm liệt một chỗ.

Thấy cảnh mẹ anh Châu mù lòa, không thể chăm sóc cho con trai, nên chị Trang tình nguyện ở lại bệnh viện giúp đỡ. Lúc đầu, anh cũng ngại ngần, nhưng vì không còn cách nào khác nên đành chấp thuận. Khoảng thời gian này, do số tiền chữa trị quá lớn, mẹ anh Châu phải vay mượn khắp nơi. Đến căn nhà cũng phải thế chấp cho một người quen. Đến bây giờ, mỗi tháng, bà vẫn phải trả lãi.

Hết tiền chữa trị, anh phải xuất viện. Thương tình, chị ở lại trong nhà chăm sóc cho anh. Chị vừa trở thành đôi chân, đôi tay của anh lại vừa là đôi mắt của mẹ anh. Chị giấu không cho gia đình biết.

Gần hai năm, chị sống trong lời xì xầm của hàng xóm. Chị biết hết những điều ấy, nhưng cố cắn răng chịu đựng. Bởi chị nghĩ: “Nếu mình bỏ đi, ai sẽ chăm sóc cho mẹ con anh?”.

Đám cưới đặc biệt

Thời gian trôi, chị yêu anh từ lúc nào không hay. Chị cũng cảm thấy mệt mỏi trước sóng gió của dư luận. Một hôm, chị ngỏ ý muốn kết hôn để không phải chịu đựng những lời gièm pha.

Anh khước từ với lý do: “Tôi thế này, không thể đem lại hạnh phúc cho cô”. Chị hiểu tâm tư của anh, mỗi ngày, chị “rót mật” vào tai anh những điều tốt lành. Có khi, anh phản kháng, bẳn tính bằng cách đuổi chị, và dọa sẽ tự tử nếu còn nhắc đến chuyện trăm năm. Nhưng, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, anh cũng gật đầu đồng ý.

Thuyết phục được anh, nhưng khó khăn hơn gấp bội lần là gia đình. Chị về nhà, lựa lời trình bày với mẹ và ba đứa em. Tất cả mọi người đều ngăn cản. Bởi, họ không muốn chị chọn con đường gian nan ấy. Chị khóc lóc, nhịn ăn, người thân vẫn cương quyết phản đối. Thậm chí, mẹ còn khóc, quỳ gối, cầu xin chị hãy từ bỏ ý định điên rồ. Nhưng, chị vẫn quyết bảo vệ tình yêu của mình.

Hơn nửa năm trôi qua, chị sống trong những lời cằn nhằn của người thân. Chị cam chịu tất cả, không một lời ca thán, chỉ với hy vọng người thân hiểu cho tình cảm của mình. Rồi, giữa năm 2012, mẹ cùng ba đứa em đồng ý cuộc hôn nhân trong miễn cưỡng. Họ ra nhà anh Châu để tham dự đám cưới.

Gọi là đám cưới, nhưng thực chất chỉ là vài mâm cơm sơ sài trước sự chứng kiến của người thân. Không có hoa, váy áo cô dâu hay veston của chú rể. Cũng không có chụp hình, quay phim hay lễ rước dâu. “Thế nhưng, đó là ngày hạnh phúc nhất, tôi cười nhiều nhất vì hạnh phúc”, chị nói. Đêm động phòng của chị cũng hoàn toàn khác với những cặp vợ chồng khác. Nhưng, chị mãn nguyện với những lời ân tình của anh.

Bốn năm trôi qua, chị vẫn là đôi mắt của mẹ, đôi chân của chồng. Có lẽ, điều chị buồn nhất là mong ước có một đứa con khó có thể trở thành hiện thực. Đôi lúc, nằm bên nhau, chị tâm sự, nếu có tiền, sẽ đưa anh đi khám, biết đâu, anh vẫn có thể có con. Mỗi lúc như thế, anh chỉ im lặng, ôm chị vào lòng. Nhưng, nhiều khi chị nghĩ, chỉ có hai vợ chồng và mẹ thì có thể cơm, rau qua ngày. Vài năm nữa, biết đâu mẹ đau, chồng ốm, có thêm đứa con thì mình chị biết phải xoay sở ra sao? “Hai suy nghĩ ấy cứ đan chéo trong tâm tư của tôi”, chị rơi nước mắt chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Linh (Người đưa tin)
Những câu chuyện tình yêu cảm động nhất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN