Cô chủ quán bar (P.2)

Khi ngồi sau xe tôi, An vẫn giữ khoảng cách vừa phải, không va chạm nhưng cũng đủ tôi cảm thấy hơi ấm của một người con gái.

Tóm tắt kỳ trước

Trong cuộc hẹn gặp với cậu bạn thân, Pi – chàng sinh viên năm cuối đang đi thực tập – không thể rời mắt khỏi cô gái đặc biệt, chủ nhân một quán bar dành cho dân du lịch trẻ. Cô gái là người quen của Minh, cậu bạn thân luôn đi cùng Pi.

Không như dự đoán, rằng mọi ảo giác huyễn hoặc sẽ tan biến khi thứ hiệu lực lâng lâng của chai bia và ly cocktails tan biến, vài ngày sau cuộc gặp khó tin ở bar góc phố Tây, hình ảnh của An bắt đầu hiện lên trong tôi, với tần suất càng lúc càng cao và độ sống động như thể thời gian đang di chuyển theo chiều ngược lại. Vì đóng vai một kẻ lạnh nhạt nên tối hôm ấy, tôi đã bỏ qua động tác thông thường giữa những người bạn thông thường là xin số điện thoại cô ấy. Một mình tới bar của An là việc xem chừng dễ dàng. Nhưng nếu thế, chỉ cần liếc qua, cô ấy sẽ biết ngay lý do có mặt của tôi. Kỳ quặc hơn nữa là dù rất muốn, vẫn có điều gì đó ngăn cản tôi đề cập về nữ chủ quan cao bồi với Minh.

Mọi thứ giống như một cơn ốm màu xám. Mỗi khi ý định gợi chuyện vừa nhen nhóm, tự tôi sẽ bẻ ngoặt nó sang một hướng khác, đôi khi, hết sức ngớ ngẩn. Cậu bạn thân dè dặt hỏi tôi về cường độ công việc tại văn phòng thực tập, về bản hợp đồng tôi đang theo dõi, về bản luận văn tốt nghiệp mà tôi đang bước đầu triển khai. “Tất cả đều ổn!”, tôi chán nản, đá nhẹ viên sỏi không hiểu sao cứ lăn trước mũi giày mềm. Tên bạn mỉm cười, thành thật chứ chẳng có chút gì chế giễu: “Cậu luôn là người giỏi nhất trong việc kiểm soát tình hình!”.

Với tính bình lặng cố hữu cộng thêm thói quen dành hết ưu tiên cho công việc và sách vở, rõ ràng, cậu bạn thân không suy luận sâu xa hơn các dấu hiệu bất thường nơi tôi. Chưa kể dạo gần đây, thỉnh thoảng Minh biến mất cả nửa ngày. Tức là khi tôi điện thoại, cậu ấy không trả lời máy. Lúc gọi lại cúng đã qua vài tiếng. Mấy cuộc cà phê buổi chiều giữa hai thằng chỉ xoay quanh giáo trình đang học, khá hơn thì nói về phòng thí nghiệm bạc tỉ mà bên trường đang lắp đặt và có khu vực cho các sinh viên năm cuối như cậu ấy sử dụng toàn thời gian. Từ vị trí một kẻ nói liên tục trong các cuộc gặp gỡ, tôi trở nên im ắng. Còn cậu bạn thân thì cố gắng thốt ra những câu nói ngắt quãng, trợn tròn mắt, nhìn tôi thăm dò, rồi lại nói tiếp, miễn sao không tình trạng hai tên nhìn nhau câm lặng đừng kéo dài quá. Rốt cuộc, không thể chịu đựng nổi tình trạng ngược đời này nữa, Minh băn khoăn:

-    Nói nghe coi, cậu đang ốm phải không?

-    Không ốm, mà chán.

-    Có lẽ chúng ta đi chơi đâu đó?

-    Từ bao giờ cậu có thói quen sử dụng đại từ “chúng ta” vậy? – Tôi chợt chú ý.

-    Tức là không phải chỉ cậu và tớ, mà có thể rủ thêm An nữa! – Tên bạn giải thích đều đều, như thể đang bàn về việc mua thêm hóa chất cho một thí nghiệm độc lập.

Khối cơ trong lồng ngực chậm vài nhịp. Nhưng tính giả dối khốn kiếp vẫn thay tôi giành lấy vai trò điều khiển:

-    Tại sao phải có thêm An?

-    Tớ nghĩ, cô ấy cũng cần được nghỉ ngơi, làm một điều gì đó hơi điên rồ, thay đổi không khí. Cậu cũng vậy. Nhưng nếu cậu không thích có người thứ ba, lại là một cô nàng, thì chỉ có tớ cũng ổn. Tớ sẽ không rủ An nữa.

-    Đừng bận tâm. Cứ để cô ấy đi cùng tụi mình! – Tôi lấy giọng thản nhiên, dù thực lòng chỉ muốn nhảy phốc lên thật cao trong không trung, như một tên điên đấm tay vào không khí.

-    Vậy thì tốt rồi. Cậu thật thoải mái và rộng lượng, đúng như tớ vẫn nghĩ về cậu! – Minh thở phào, tặng cho tôi một lời khen. Rồi vẫn bằng giọng tin cậy và thành thật, cậu ấy hỏi tiếp – Này, cậu có tiền nhiều không?

-    Còn. Để làm gì? – tôi nhẩm lại con số hai triệu đồng, mới được văn phòng thưởng nóng vì tìm được khách hàng đầu tiên. Ngoài ra còn một khoản kha khá tiền học bổng và tiền mua giáo trình.

   Tốt rồi. Cứ giữ tất cả những khoản đấy trong tài khoản thể để chi dùng cho cả nhóm. Tiền để dành của tớ sẽ mua vé, bay ra đảo. Đêm nay, tớ thức canh vé giảm giá.

Khi tôi còn chưa hết sửng sốt trước kế hoạch lẫn quyết định chóng vánh, tên bạn thân đã mở điện thoại, đọc một dãy số, yêu cầu tôi chép lại:

   Hãy gọi cho An và bắt chuyện tử tế với cô ấy. Coi như cậu chuẩn bị tâm lý cho cả ba chúng ta vui vẻ trong chuyến đi sắp tới. Ngoài ra, tớ muốn nhắc cậu một việc…

-    Hai việc cũng được! – Tôi sốt sắng.

-    Cứ thoải mái nói với An tất cả mọi đề tài mà cậu hứng thú. Cậu biết rồi đấy, cô ấy cực kỳ thông minh. Không những hiểu ngay điều cậu đang nói, cô ấy còn có thể đoán trước những điều cậu sắp nói nữa kia. Chỉ có điều, nhớ nhé, đừng có nhắc đến những từ chán, mệt, vô nghĩa, mặc kệ hay chết quách trong bất kỳ câu chuyện nào. Ngoài ra thì chẳng có gì là cấm kỵ hết!

Hiếm bao giờ có một đề nghị lạ lùng như thế. Tôi muốn hỏi rõ thêm, ít nhất là ở khía cạnh sử dụng ngôn từ. Tuy nhiên, vẻ mặt kỳ khôi của Minh lúc ấy chỉ có thể hiểu rằng cậu ấy chẳng muốn hé lộ thêm thông tin nào nữa vì hôm nay, cậu đã nói nhiều hơn thường lệ đến mười lần. Còn tôi thì còn hơn cả may mắn khi giờ đây đã có số điện thoại cần thiết trong tay cùng chuyến du lịch cùng cô gái như giấc mơ đang chờ phía trước.

Cô chủ quán bar (P.2) - 1

Minh dặn dò tôi rất kỹ, rằng không được nói đến những từ ngữ tiêu cực với An (Ảnh minh họa)

Bạn nói gì với một cô gái bạn thích ở cuộc gọi đầu tiên trên điện thoại? Tất cả những gì từng ba hoa dưới sự cổ vũ của chai bia trước đây ở bar đều bị xóa sổ. Trong trạng thái tỉnh táo, bạn trở thành một kẻ khác. Hoặc thực sự là bạn, chính bạn. Hoặc là một kẻ khác nữa mà bạn chủ ý tạo nên, hòng theo đuổi mục thiếu chinh phục giọng nói dịu nhẹ đầu máy bên kia. Trong trường hợp của tôi, phương án một được sử dụng. Với một cô gái thông minh, tốt nhất là thành thật.

Khi nghe tên tôi được nhắc kèm với tên Minh, cô gái cao bồi nhận ra ngay. Vang lên tiếng cười ấy, hiện ra trước mắt tôi gương mặt cô. Rất xinh, đương nhiên. Đôi vai thẳng. Mái tóc xanh óng. Và ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt đen thẫm nói lên rất nhiều điều, cả về sự nồng nhiệt lẫn tinh quái của cô. Tuy nhiên, khi tôi hỏi thẳng tôi có thể đến quán và ngồi nói chuyện hay không, đầu máy bên kia tức khắc thôi cười. Lời từ chối đưa ra, được khoác lên sắc thái công việc, thứ mà tôi cũng thường dùng tới khi trả lời các cuộc điện thoại vô bổ ở văn phòng. Tôi còn đang tê điếng vì hụt hẫng lẫn thất vọng, giọng nói bên kia tiếp tục vang lên:

-    Nhưng anh có thể đến đón tôi vào lúc 10h30!

Từ đáy nước sâu trồi lên, tôi im sững, rồi mới thốt ra vài từ ngắn ngủi:

-    Tôi sẽ đến, chắc chắn.

Một cái áo khoác denim bụi bặm vắt trên tay sẽ hoàn thiện hình ảnh một gã đàn ông trẻ, tự do và bụi bặm, tôi tin vậy. Thế nhưng, chiếc áo đã làm nên chuyện khi tôi đưa nó cho cô gái cao bồi, đề nghị cô mặc thêm vào vì khuya lạnh. Quả thật, trời rất lạnh, nhất là khi ngồi sau chiếc xe máy của tôi. Cô giữ khoảng cách vừa phải, không va chạm nhưng vẫn đủ để tôi cảm thấy hơi ấm từ một người khác. Chiếc mũ bảo hiểm dự phòng, vốn là mũ của Minh, tôi vẫn để sẵn trong cốp xe, lúc này An đội. Nó quá rộng, che khuất cả nửa mặt trên. Nói chính xác là che khuất mái tóc rất ngắn và đôi mắt không còn gắn hàng mi giả dày rợp. Trông cô lại như một cậu bé mới lớn, lớn quá nhanh nên gầy gò và hơi nhợt nhạt. Chốc chốc, cô gái lại đưa tay đẩy vành mũ để nó đừng sụp xuống. Lúc đó thì khuỷu tay nhòn nhọn chạm vào lưng tôi. Sự tiếp xúc thoáng qua, kỳ lạ.

Từng có vài mối quan hệ trước kia nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác bồn chồn ngạc nhiên và cả chút gì như nỗi sợ hãi lúc này. Sợ hãi trước điều gì đó tựa như một ảo giác đẹp đẽ, một tiếng gọi bên kia màn sương, một hy vọng thiết tha mà từ lâu ta chờ đợi. Phía sau lưng tôi, cô gái cũng im lặng, đuổi theo một ý nghĩ vô hình nào đấy. Cho đến lúc nhận ra, tôi vẫn chạy thẳng thay vì rẽ ở ngã ba về hướng nhà cô thì đã lỡ một quãng đường dài.

Tôi áy náy:

-    Có muộn không?

-    Hôm nay anh đến đón nên tôi về sớm hơn thường ngày – An cho biết, như không có gì tự nhiên hơn.

-    Bar của cô vẫn chưa đóng cửa! – Tôi nhắc.

-    Không sao. Bố tôi còn ở đấy. Ông mới là chủ nhân thực sự của nó. Bố tôi biết tất cả mọi thứ về kinh doanh ẩm thực. Tôi chỉ là người phụ việc. Dù sao thì mọi người vẫn nghĩ rằng, một cô gái như tôi làm chủ thì hình ảnh bar sẽ đặc biệt hơn. Bố tôi không phản đối sự hiểu nhầm ấy. Miễn đông khách là ổn.

-    An còn đi học không?

-    Không! – Cô gái nói thêm, sau hồi lâu im lặng – Tôi nộp đơn xin nghỉ đầu năm nay. Đại học năm cuối.

-    Vì mai mốt An sẽ là chủ nhân thực sự của quán bar nên chẳng cần tốt nghiệp và tìm một công việc như những người khác?

Người ngồi sau suy nghĩ khá lâu trước khi đưa ra câu trả lời bình thản:

-    Tôi nghỉ học vì cần phải như thế. Mặt khác, tôi rất thích kể từ khi bố tôi mở bar hai năm trước. Tối nào tôi cũng ra đấy, phụ giúp pha chế, thu ngân, có khi cả phục vụ bàn. Nhưng thích nhất là được hóa trang. Một mái tóc giả. Một bộ quần áo đặc biệt. một lớp trang điểm dày. Và biến thành người khác.

-    Người nào kia? – tôi nhìn thẳng con đường vắng lặng phía trước, lạnh toát sống lưng.

-    Người mà chung quanh có thể nhìn thấy. Như anh đã nhìn thấy.

(Còn tiếp)

Cô chủ quán bar (p.1)

Liệu An có phải là cô gái mạnh mẽ như cách cô vẫn thể hiện với mọi người? Và nếu như vậy thì tại sao Minh lại không cho "tôi" nhắc đến những từ ngữ tiêu cực như: chán, mệt, vô nghĩa, mặc kệ...? Phải chăng đằng sau một cô gái luôn tỏ ra bản lĩnh như vậy là một tâm hồn yếu đuối, cần được chở che? Và "tôi" sẽ khám phá được những điều mới mẻ gì sau cô gái xinh đẹp ấy? Mời các bạn hãy đón đọc phần 3 "Cô chủ quán bar" vào thứ 4 ngày 13/09/2013 nhé!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lâm Hân (Sinh viên Việt Nam)
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN