Chàng trai mồ côi lo cơm cho người không nhà

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Số tiền kiếm được hàng tháng ngoài để lo cho gia đình, Huy dùng vào việc thiện nguyện.

Mồ côi mẹ từ nhỏ nên Nguyễn Đức Huy (SN 1990) ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) ngỗ nghịch, suốt ngày bỏ học gây sự đánh nhau. Nhưng khi trưởng thành, Huy trở thành con người đầy lòng nhân ái, làm Chủ nhiệm Nhóm Chia sẻ vì cộng đồng, chuyên giúp đỡ người nghèo, người vô gia cư ở Thủ đô.

Cú sốc đầu đời

Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Thủ đô, năm 12 tuổi, mẹ Huy qua đời vì bệnh nặng, khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Bố Huy suy sụp tinh thần nghỉ việc ở nhà. Tiền ăn học của Huy và em dựa vào người thân. Từ đó, Huy chán nản, không lo học hành mà chỉ chơi bời rồi gây sự đánh nhau.

Học hết THPT, Huy bươn chải kiếm tiền. Cậu làm đủ thứ nghề như trông quán nét, bảo vệ, dán tờ rơi… Lúc này, Huy mới biết được sự quý giá của đồng tiền và thương bố nhiều hơn. Cậu tự trách quãng thời gian vùi đầu vào những trò chơi vô bổ, những trận đánh nhau để vênh mặt được làm “đại ca”.

Chàng trai mồ côi lo cơm cho người không nhà - 1

 Nguyễn Đức Huy cùng Nhóm Chia sẻ vì cộng đồng đội mưa phát cháo ở Bệnh viện K (Quán Sứ - Hà Nội).

Trong một lần đi làm về gặp một bà mẹ ôm con ngủ trên chiếc ghế đá ở vườn hoa (đường Hoàng Hoa Thám), Huy dừng lại hỏi thăm và thấy em bé trong lòng người mẹ khóc lả đi vì đói. Còn mấy chục nghìn trong ví, Huy đi mua bánh và sữa cho hai mẹ con. Khi nhận được bánh, sữa từ người lạ, người phụ nữ đã không cầm được lòng mình, bật khóc. Biết được người phụ nữ ấy phải dứt ruột bỏ nhà đi vì chồng đuổi, Huy đưa số tiền ít ỏi còn lại trong ví cho hai mẹ con.

Về nhà, hình ảnh người phụ nữ lạ ôm con khóc cứ ám ảnh Huy, cậu nghĩ phải tìm cách để giúp đỡ hai mẹ con khỏi bị đói. Tối hôm sau, đi làm về, Huy đạp xe đi vào nhà hàng xin cơm và thức ăn thừa. Nhìn chàng trai ăn mặc lịch sự, vào xin cơm thừa, Huy bị không ít ánh mắt nhìn săm soi, ái ngại. Nhưng khi biết cậu xin cơm cho người nghèo, chủ quán vui vẻ cho cơm, thức ăn thừa.

Gần một tuần liền, tối nào Huy cũng xin thức ăn về cho hai mẹ con cho đến ngày không thấy họ nữa. Huy đạp xe đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Bất chợt, Huy gặp một người đàn ông nằm co ro dưới mái hiên trong đêm mưa.

“Lúc trò chuyện, tặng bữa ăn cho người đàn ông, nhận được những cái nắm tay, lời cảm ơn, mình lòng nặng trĩu và muốn làm cách nào đó giúp đỡ những mảnh đời khốn khó như thế. Mình nghèo, đi làm còn chưa nuôi nổi gia đình mình thì giúp họ bằng cách nào”, Huy tâm sự.

Vừa làm thuê vừa làm từ thiện

Sau những lần giúp người vô gia cư, Huy đặt mục tiêu xin được nhiều thức ăn, cơm thừa ở các nhà hàng, khách sạn. Mỗi tối, sau giờ làm, Huy đạp xe đi khắp các phố Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…  mang thức ăn về chế biến lại rồi đi phát cho những người vô gia cư ở trên địa bàn Hà Nội.

Đầu năm 2013, Huy mở nhóm và kêu gọi các bạn tình nguyện viên cùng làm. “Mình đặt tên nhóm là Chia sẻ vì cộng đồng vì mong muốn mọi người hãy cùng sẻ chia, giúp đỡ những người khốn khó trong cuộc sống. Dù chỉ là cái nắm tay thật chặt với họ thôi, nhưng đã giúp họ có thêm nghị lực vươn lên”, Huy nói. 

Nhóm Chia sẻ vì cộng đồng hoạt động được hơn 3 năm nay, với số lượng thành viên hơn 30 người hoạt động thường xuyên và hàng trăm tình nguyện viên tham gia.

Ngoài xin thức ăn về phát cơm cho người vô gia cư, nhóm còn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: Phát cháo ở các bệnh viện (Nhi, K) đều đặn hàng tuần; tổ chức thăm và tặng quà các Trung tâm bảo trợ xã hội; cắt tóc miễn phí cho người vô gia cư.

Huy cho biết, hiện nhóm đang lên kế hoạch thăm và tặng quà cho trẻ em ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ bị đao và câm điếc Việt - Hàn (huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Hiện, công việc của Huy là bán thuê quần áo cho một cửa hàng, số tiền kiếm được hàng tháng ngoài để lo cho gia đình, Huy dùng vào việc thiện nguyện.

Mình thường kêu gọi các bạn trẻ tham gia hoạt động cùng. Các bạn ấy tiết kiệm tiền uống cà phê, chơi game… cho vào quỹ để mua quà và trực tiếp đi tặng cho những người nghèo khổ. Từ đó, các bạn trong nhóm sống yêu thương hơn, trân trọng đồng tiền bằng sức lao động”, Huy nói.

Chương trình mà Huy nhớ mãi đó là trong lần tổ chức tại trại trẻ mồ côi và khuyết tật. Một bạn gái khuyết tật đã hát bài “Gặp mẹ trong mơ”. “Nhiều mạnh thường quân và các bạn tình nguyện viên dưới khán đài bật khóc. Lúc đó, mình cũng khóc rất nhiều. Mình rất đồng cảm với em ấy vì mình cũng mất mẹ từ bé. Cũng muốn gặp mẹ trong mơ”, Huy xúc động nói.

Ngoài thời gian bán quần áo, tổ chức các chương trình hoạt động thiện nguyện, các buổi tối còn lại, Huy dành thời gian đi thu gom xác thai nhi ở các trung tâm nạo, phá thai, bệnh viện ở Hà Nội mang đi chôn cất.

“Lúc đầu nhìn thấy những thai nhi bị vứt ở các xe rác mình sợ lắm. Nhưng nghĩ là việc phúc đức, giúp đỡ các sinh linh bé bỏng được an nghỉ nên mình làm. Mình cùng những người bạn khác thường mang các em về tắm rửa sạch sẽ. Để các em vào ngăn đá của tủ lạnh, đợi Chủ nhật mang lên nghĩa trang thai nhi ở Đồi Cốc (Sóc Sơn) khâm liệm rồi để vào tiểu chôn cất”, Huy nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Lộc ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN